Vượt bóng tối đến đại học Fulbright

Ngày đăng: 13/10/2020 - 934 lượt đọc

Chần chừ mãi, Hoàng gửi hồ sơ ứng tuyển trước thời hạn cuối chỉ 3 phút. Bài luận gửi trường, Hoàng không viết về bản thân mà nói về những đứa trẻ mồ côi, bất hạnh ở miền Trung...

Mất thị lực hoàn toàn năm 9 tuổi, nghỉ học hơn 1 năm do trường không nhận học sinh khiếm thị, học không có sách giáo khoa nhưng tháng 8-2020 Trần Việt Hoàng chính thức chở thành sinh viên của trường Đại học  Fulbright  Việt Nam.

Học bằng cách vẽ hình lên tay

Nhà Hoàng cách ngã 3 Đồng Lộc chừng hai cây số. Hoàng sinh ra không biết mặt cha. 5 tuổi, mắt Hoàng mờ dần. Mẹ vội đưa Hoàng ra Hà Nội chạy chữa chứng bong võng mạc. Qua 20 lần điều trị, bốn lần phẫu thuật, năm 9 tuổi, Hoàng mất thị lực hoàn toàn.

Từ nhìn bằng mắt, giờ Hoàng phải cảm nhận mọi thứ bằng các giác quan khác. Năm đó Hoàng đã học xong lớp 4. Vì nhiều lý do từ trường học, Hoàng không được đi học trong một năm. May mắn, Hoàng được một người anh khiếm thị dạy chữ Braille. Một năm sau, khi 11 tuổi, Hoàng được trở lại trường học cùng những bạn sáng mắt.

Không có sách giáo khoa, không dụng cụ học tập, Hoàng phải học chay. Hàng ngày Hoàng lên lớp nghe thầy cô giảng bài, ghi nhớ. Tối về nhà, Hoàng nhờ mẹ đọc đề cho mình làm bài tập. Với môn hình học và những môn có hình ảnh, Hoàng nhờ các bạn vẽ hình ảnh lên tay để hiểu và làm bài.

Năm Hoàng học lớp 9, hiệu trưởng Trường Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) gửi tặng cậu một bộ sách giáo khoa cho người khiếm thị được tiếp cận Internet. Đó là bước ngoặt trong đời Hoàng khi tự mình có thể đọc, hiểu và làm bài mà không phiền người hỗ trợ, biết đến nhiều thông tin hơn ngoài thế giới bóng tối của mình.

Cũng năm học này, mẹ Hoàng bị bệnh phải nằm viện quanh năm, chị Hoàng học năm cuối đại học ở Huế không thể về nhà thường xuyên, Hoàng ở nhà phải tự chăm lo cho mình và bà ngoại bệnh liệt giường. Rồi bà ngoại mất. "Thực sự lúc đó cảm giác bất lực, chán chường lên đến tột đỉnh. Nếu mình sáng mắt, có thể làm được nhiều thứ hơn, có thể chăm sóc tốt hơn cho bà, cho mẹ..." - Hoàng nói. Nhưng cũng chính cảm giác bất lực thôi thúc Hoàng phải cố gắng hơn, phải học tốt hơn. "Có thể mình không trở thành ông này bà nọ nhưng sẽ trở thành người tử tế, không là gánh nặng cho gia đình và xã hội" - Hoàng tự nhủ.

Năm lớp 10, Hoàng biết đến Quỹ Khát vọng tại Hà Nội chuyên giúp đỡ trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi dịp hè, Hoàng lại ra Hà Nội tham gia sinh hoạt tại đây. Những cuốn sách, những buổi nói chuyện, chia sẻ của các chuyên gia đã làm thay đổi suy nghĩ của Hoàng về suy nghĩ tích cực và sẻ chia.

Xong lớp 12, Hoàng ra Hà Nội tham gia các khoá học về kỹ năng tại Quỹ Khát vọng, tìm kiếm cơ hội học đại học ngành y học cổ truyền. Thế nhưng ngành này lại không tuyển người khiếm thị. Chỉ có đại học ở Nhật Bản có tuyển người như Hoàng nhưng Hoàng lại không biết tiếng Nhật, điều kiện kinh tế lại khó khăn. Hoàng dự định sẽ học một trường đại học tại Việt Nam, sau đó học thêm tiếng Nhật để khi có cơ hội có thể sang Nhật học y học cổ truyền.

Trong lúc tìm kiếm cơ hội học đại học, Hoàng được khuyên nên ứng tuyển vào ĐH Fulbright Việt Nam. Với Hoàng, đó là một trường hoàn toàn xa lạ, lại dạy bằng tiếng Anh trong khi vốn liếng tiếng Anh của Hoàng có gì đâu. Chần chừ mãi, Hoàng gửi hồ sơ ứng tuyển trước thời hạn cuối chỉ 3 phút.

Lúc nộp hồ sơ, Hoàng không kỳ vọng quá nhiều mà chỉ xem đó là cơ hội để nhìn lại khả năng của mình đến đâu, có gì, thiếu gì. Bài luận của mình, Hoàng không viết về bản thân mà nói về những đứa trẻ mồ côi, bất hạnh ở miền Trung. Hoàng nói về những khó khăn và họ gặp phải và cần được chia sẻ những gì.

Khi vào phỏng vấn, Hoàng choáng ngợp với những câu chuyện hay, góc nhìn mới lạ của những bạn cùng ứng tuyển. Nhưng đó cũng là cơ hội để Hoàng chia sẻ quan điểm và thế giới quan của mình. Khi đó, Hoàng khao khát trở thành sinh viên của trường, khát khao được kết nối và sẻ chia, được học hỏi, thay đổi chính mình.

Khát khao và kỳ vọng cũng đồng nghĩa với sự lo lắng và sợ thất bại. Ngày có kết quả, Hoàng và mẹ thức đến 3g sáng đợi thông báo. Khi nhận được báo trúng tuyển, Hoàng không nhớ được khi đó đã nói với mẹ những gì, chỉ biết hai mẹ con ôm nhau mừng mừng tủi tủi giữa tĩnh mịch của Đồng Lộc kiên cường.

Mong thành người tử tế

Hoàng được ĐH Fulbright nhận nhưng chưa được trở thành sinh viên ngay vì tiếng Anh chưa đủ. Nhà trường cho Hoàng một năm để học tiếng Anh dưới sự hỗ trợ của các bạn sinh viên và giáo viên của trường. Tuy có người hướng dẫn nhưng việc học như thế nào phải do tự thân Hoàng quyết định và nắm lấy. Sau một năm ấy, tiếng Anh không đạt, Hoàng có thể phải rời đi.

Đó là một thử thách. Với một người bình thường, học ở trung tâm, tự học trong một năm, từ con số 0 có thể vẫn chưa nghe nói lưu loát được nói chi khiếm thị như Hoàng. Đó là chưa kể dịch COVID-19 khiến việc học tập trung bị hoãn, phải học online.

Không chùn bước, Hoàng tự mày mò, cố gắng học tiếng Anh. Cậu tự tìm đến các diễn đàn dành cho người khiếm thị ở nước ngoài, kết bạn và nói chuyện với họ, tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh ở quán cà phê, chủ động bắt chuyện với người nước ngoài khi có cơ hội... Kiên trì từng chút một, từ con số 0, nay bốn kỹ năng tiếng Anh của Hoàng đủ điều kiện theo học tại Fulbright.

Đồng hành cùng Hoàng trong nhiều tháng với vai trò chuyên gia hỗ trợ học tập, Hoàng Thị Nhất Tâm kể: "Tôi giới thiệu với Hoàng các nội dung của trang web học tiếng Anh, cách thức đăng ký, cách thức học tập, phần còn lại Hoàng tự làm và mất rất nhiều thời gian.

Nếu người bình thường, họ muốn lấy cuốn sách trên bàn chỉ cần đi thẳng đến lấy đọc. Nhưng Hoàng phải đi lòng vòng, có khi bị lạc, phải tìm đường nên khi cầm được cuốn sách, thời gian đọc không còn nhiều. Hoàng đã bị lạc rất nhiều lần. Người bình thường chỉ cần mất chục phút để vào được web, nội dung cần học, Hoàng phải mất nhiều giờ để làm điều đó.

Nhiều người nói chúng tôi ưu ái Hoàng vì bạn ấy là người khiếm thị. Không phải vậy. Ai cũng có cơ hội học tập như nhau nhưng với Hoàng lại có quá nhiều rào cản chứ không phải không có khả năng. Và chúng tôi đang cùng Hoàng gỡ dần những rào cản ấy".

Năm học này, Hoàng chính thức trở thành sinh viên. Vẫn chưa xác định mình sẽ theo học ngành nào nhưng Hoàng nói mục tiêu của mình vẫn là trở thành người tử tế, có kinh tế, vị trí để có thể giúp được những người cùng cảnh ngộ. Những khi hụt hẫng, chán chường tuyệt vọng, những lúc được hỗ trợ động viên, những thành quả nho nhỏ ban đầu giúp Hoàng cứng cỏi và nhiều khát khao hơn.

"Nỗi sợ lớn nhất là sự sợ hãi. Con người có khả năng vô hạn. Nếu mục đích đủ lớn và niềm tin đủ mạnh, họ có thể làm được nhiều thứ. Sẽ có khó khăn nhưng nếu chỉ nhìn vào khó khăn, sẽ không thấy được mặt tích cực, những con đường phía trước" - Hoàng nói.

Giờ Hoàng tham gia một vài dự án cộng đồng, trong đó có dự án dành cho người khiếm thị. Đó là cách để Hoàng chia sẻ và đóng góp cho cộng đồng. Bởi chính từ bản thân mình, Hoàng biết người khiếm thị cần gì.

Với một người khiếm thị, mặc cảm tự ti luôn là nỗi lo thường trực. Năm lớp 9, Hoàng nằm trong đội tuyển học sinh giỏi lịch sử của trường dự thi cấp huyện nhưng cuối cùng Hoàng không được dự thi do không có hỗ trợ cho người khiếm thị. Năm lớp 10, Hoàng nằm trong đội tuyển học sinh giỏi vật lý của trường thi cấp tỉnh nhưng cũng không được dự thi vì lý do tương tự.

Lúc ấy, Hoàng khao khát dự thi để kiến thức mình học được không lãng phí, để chứng minh với mọi người mình có thực lực, có thể làm tốt bằng những điểm số cụ thể chứ không phải được ưu ái. Với Hoàng khi đó, điểm số thực sự là một thước đo rất quan trọng để khẳng định bản thân với người khác.

Nhưng thước đo ấy dần thay đổi khi Hoàng tìm đến những cuốn sách mới về cách sống, cách để trở thành người có ích và tử tế. Điểm số không còn quá quan trọng, thay vào đó là học cách hiểu mình, hiểu người khác, hiểu hơn về thế giới xung quanh, mong muốn thay đổi bản thân và đóng góp cho sự phát triển của những người cùng cảnh ngộ...

Nguồn: tuoitre.vn

Sưu tầm: Ngọc Song