Lê Huy Tích đứng lên với đời bằng đôi chân khác

Ngày đăng: 10/12/2020 - 1135 lượt đọc

Sau tai nạn, anh Lê Huy Tích bị vỡ đốt sống, liệt hoàn toàn hai chi dưới. Không đầu hàng số phận, 13 năm qua anh vẫn miệt mài "bước đi" nhờ "cỗ máy" xe lăn đặc biệt do chính mình sáng chế.

Ý tưởng mới nhất của anh Tích là xe điện ba bánh với ghế lái đặc biệt, thành “cần câu cơm” cho nhiều người khuyết tật - Ảnh: N.QUANG

"Mình mất tất cả, sức khỏe, đôi chân không đi lại được. Nhưng mình cứ bám vào suy nghĩ: đôi chân là di chuyển, khi ngồi xe lăn cũng là di chuyển. Đó là lý do để đầu kéo xe lăn ra đời" - anh Lê Huy Tích, 42 tuổi, chủ Công ty TNHH MTV Người khuyết tật tỉnh Hòa Bình, nhớ lại "duyên nghiệp" cuộc đời với xe lăn.

Bất tiện ở đâu, đứng lên ở đó

Đêm cuối năm 2007, trên đường đi đổi ca, anh cán bộ giao thông đường thủy sông Đà bất ngờ bị một xe đi ngược chiều rọi đèn khiến anh loạng choạng, đâm vào hòn đá bên đường. Xe mất lái, cả người và xe đập vào cột mốc giới hạn tốc độ. Sau tai nạn, anh bị liệt hoàn toàn hai chi dưới, vỡ xương quai xanh bên trái. 29 tuổi, Lê Huy Tích trở thành người khuyết tật, mọi dự định đều dừng lại kể cả hạnh phúc riêng. 

"Cánh cửa cuộc sống đóng lại, không còn gì cả, khiến mình luôn nghĩ đến sự giải thoát" - anh Tích hồi tưởng.

Một năm rưỡi chỉ nằm một chỗ, cơ thể bị lở loét, gia đình, bạn bè đến thăm anh đều không kìm được nước mắt. Nhà neo người, cha mẹ, em trai dồn hết sức lực chăm sóc anh. Cha thương anh nhưng nuốt nước mắt vào trong, còn mẹ chẳng thể giấu được - hai mái đầu ngả bạc chăm bẵm anh như ngày còn bé.

"Điều mình nhận lại là được sự quan tâm của cả xã hội, của người thân, đồng nghiệp. Khi đi chăm mình ở viện, cứ phải 3-4 người chăm mình, từ anh em, bạn bè, đồng nghiệp thay nhau đưa đi, điều đó đã níu mình lại. Cái tối thiểu nhất là đừng phụ những người đang đặt niềm tin vào mình" - anh Tích tâm niệm.

Quyết tâm thay đổi, từ người được phục vụ, Tích tự nhủ phải làm sao chủ động được mọi thứ. Nhờ đồng nghiệp thiết kế cho chiếc giường nâng lên, hạ xuống theo từng đoạn với dây đai cố định phần thân dưới, từ đó anh ráng sức tập nâng cơ thể dần lên. Sau 3 năm tập ngồi, anh tiếp tục tập đứng. Anh nhớ đứng được 1 phút, 2 phút, 5 phút, rồi tăng lên 30 phút, đến 1 giờ đồng hồ...

Sức trai tráng bị quật ngã, đôi chân bất lực chẳng thể xoay trở, nhưng Tích vẫn không ngừng hi vọng về cuộc sống hạnh phúc. Anh tập làm quen với xe lăn, đôi chân là di chuyển, khi ngồi xe lăn cũng là di chuyển. Dù ngồi xe lăn, anh vẫn không ngừng sáng tạo, từ thiết kế cây khều đồ vật cho đến bố trí vật dụng sinh hoạt gần với mình nhất mà không cần nhờ trợ giúp của người khác nữa.

Tiệm sửa chữa xe điện của anh Tích tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật - Ảnh: NGỌC QUANG

Cùng xe lăn bước ra ngoài

"Làm sao với chiếc xe lăn mà có thể đi ra ngoài?" - Tích trăn trở. Năm 2013, với chiếc xe lăn, anh mở một tiệm nhỏ sửa chữa điện thoại di động, máy tính. Anh thường đến thư viện đọc sách, mày mò học tiếng Anh để tích lũy kinh nghiệm, chạy được phần mềm trên điện thoại. Song quá trình sửa chữa đòi hỏi phải thay nhiều linh kiện, không chủ động được nguồn hàng, lời lãi không bao nhiêu, Tích quyết định tạm dừng.

Thời điểm đó, ở trong nước chỉ có phương tiện duy nhất là xe máy được hoán chuyển bánh sau thành xe ba bánh cho người khuyết tật. "Mình bị chấn thương cột sống, rất khó để di chuyển từ giường đến vị trí xe lăn chứ chưa nói gì ngồi xe máy. Ngày đó có sản phẩm đầu kéo xe lăn của Ý có thể lắp vào xe lăn, nhưng giá lên đến 60 - 70 triệu đồng/chiếc. Giá đó với mình là không thể, bởi sau tai nạn, gia đình có bao nhiêu tiền cũng đi hết" - anh Tích bộc bạch.

Tìm đến một trung tâm phục hồi chức năng ở Hà Nội mượn mẫu đầu kéo xe lăn, Tích vận dụng hết kiến thức chuyên ngành cơ khí được học để chế tạo ra đầu kéo xe lăn tối ưu, thuận tiện nhất cho người khuyết tật mà giá lại rẻ hơn nhiều. 

"Lấy khuôn mẫu đầu kéo xe lăn của Ý, mình thay đổi khớp nối cần thiết để linh hoạt, dễ sử dụng hơn cho người bị tổn thương cột sống. Người bị liệt sức khỏe rất yếu, vì thế mình chế tạo làm sao để người khuyết tật chỉ cần dùng tay ghì vào ghiđông, dùng sức rướn của cơ thể là có thể nâng khớp nối, sập chốt gắn với xe lăn" - anh chia sẻ.

Chỉ hơn hai tháng rưỡi, chiếc đầu kéo xe lăn đầu tiên hoàn thành nhưng bị rung lắc rất dữ. "Tại sao xe lại rung lắc?" - Tích tiếp tục đặt câu hỏi. Cứ thế, anh vừa làm vừa cải tiến, hễ có câu hỏi là phải giải quyết ngay để làm sao ra được đầu kéo xe ổn định nhất.

Năm 2015, anh Tích quyết tâm mở tiệm sửa chữa xe đạp, xe máy điện ở Hòa Bình, đồng thời mày mò chế tạo đầu kéo xe lăn, xe ba bánh cho người khuyết tật. Sau 5 năm, chiếc đầu kéo xe lăn đã tràn ngập khắp thị trường, có mặt trên 20 tỉnh, thành ở Việt Nam với giá bán 13 triệu đồng/chiếc.

Giúp đỡ người đồng cảnh ngộ

Suốt 13 năm qua, anh Lê Huy Tích kiên trì tập đứng, tập đi nhờ "cỗ máy" đặc biệt, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều người khuyết tật đồng cảnh ngộ với mức lương trung bình 5 triệu đồng/tháng. Nay chỉ cần qua cầu Hòa Bình 1, hỏi tiệm xe lăn của anh Tích là người dân chỉ đến tận nơi.

Ở tiệm, hầu hết thợ sửa xe đều ngồi xe lăn, có thêm "chú lính chì" tên Tuấn hay chị "Hưng lọ lem" cấp dưỡng. "Sau tai nạn, mình mất đi một chân, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Bây giờ được làm việc hằng ngày, có thu nhập, cảm thấy bớt lo đi, thấy hạnh phúc hơn. Anh Tích giỏi lắm, nhiều người đến đây chưa biết gì như mình, nay được anh giúp thành một người thợ" - "chú lính chì" Bàn Văn Tuấn, 32 tuổi, giãi bày.

Để thuận tiện cho người khuyết tật làm việc, anh Tích sáng tạo ra những thiết bị hỗ trợ đặc biệt như chiếc bàn làm việc ngang tầm với xe lăn, chiếc ghế con con để họ có thể di chuyển mà không dùng đến xe lăn... 

"Đó là cách để lan tỏa rằng tôi là người khuyết tật nhưng vẫn sống và làm việc như người không khuyết tật thông qua những thiết bị hỗ trợ. Việc của bạn là chuyển hóa tư duy thôi, đừng bám chắc vào bước đi của đôi chân nữa, hãy coi đó là sự di chuyển, lăn bánh xe lăn cũng là sự di chuyển" - anh Tích quả quyết.

Nguồn: tuoitre.vn

Sưu tầm: Ngọc Song