Dự án giáo dục với thông điệp từ trái tim

Ngày đăng: 16/03/2021 - 814 lượt đọc

“Em là Lê Thoại Anh, học sinh lớp 12. Em bị bệnh teo cơ nhưng đến 6 tuổi mới thấy khó khăn thật sự, vì lúc đó bắt đầu đi học. Gia đình rất lo lắng vì sợ em không đủ sức khỏe để đi học và sợ em bị kỳ thị. Em đã học tập tại Trường Tiểu học An Hảo với vị trí là học sinh hòa nhập. Tại đây, mọi lo lắng ở em đều tan biến trong ngày đầu tiên đi học vì thầy cô, bạn bè đều ân cần”.

Đây là chia sẻ của học sinh Lê Thoại Anh, tham gia chương trình giáo dục hòa nhập (GDHN) do Tổ chức Asia Rainbows (Cầu vồng châu Á) thực hiện. 

Niềm vui của trẻ

Lê Thoại Anh là một trong số nhiều em học sinh từng tham gia chương trình này và đạt nhiều kết quả tốt trong học tập. Nhờ nỗ lực học tập, em thường xuyên nhận được học bổng và tài trợ từ những nhà hảo tâm. Và từ những sự kiện giao lưu, trao học bổng, em đã biết thêm những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hơn em nhưng bằng ý chí, quyết tâm, các bạn đã vượt qua, trở thành những học sinh ưu tú. Thông qua GDHN, em biết trân trọng cuộc sống hơn, biết lắng nghe, quan tâm đến mọi người hơn. 

Chia sẻ về ước mơ trong tương lai, Lê Thoại Anh mong muốn sẽ thi đậu chuyên ngành tâm lý học để hỗ trợ các bạn khuyết tật. Hiện vẫn còn nhiều người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, nên em hy vọng sẽ có thêm nhiều cánh tay giúp sức cho các bạn, để họ có thể vượt qua số phận, hòa nhập với cộng đồng và xã hội. Những chia sẻ chân thành của Lê Thoại Anh tại sự kiện công bố viện trợ cho 2 dự án dành cho tổ chức phi lợi nhuận của Nhật Bản, trong đó có tổ chức Asia Rainbows, diễn ra tại Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản ở TPHCM, khiến mọi người lặng đi vì xúc động.

Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM Watanabe Nobuhiro, cô Phạm Thị Nguyệt, em Lê Thoại Anh và mẹ tại sự kiện

Cũng tại sự kiện, cô Phạm Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hảo, TP Biên Hòa đã chia sẻ những niềm vui, khó khăn của mình khi gắn bó với chương trình GDHN nhiều năm. Với cô, mọi trẻ em dù khuyết tật nhưng vẫn có những năng lực nhất định. Đủ yêu thương, đủ kiên nhẫn sẽ tạo được “hạt giống” tốt.

Cô Nguyệt cho biết từng có thời điểm cô và các đồng nghiệp chịu nhiều áp lực khi đón nhận các em học sinh khuyết tật vào trường nhưng mọi thứ đã thay đổi khi Trường Tiểu học An Hảo được thụ hưởng dự án GDHN của Tổ chức Cầu vồng châu Á.

Nhờ đó, giáo viên tham gia chương trình GDHN từng bước được tiếp cận phương pháp giáo dục hiệu quả, giúp trẻ hòa nhập trong trường học cũng như hỗ trợ về tâm lý cho phụ huynh. Số học sinh tham gia GDHN tại trường hiện chiếm 3%. Các em luôn nhận được sự giúp đỡ từ giáo viên và các bạn học sinh trong trường. Trường còn thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt ngoại khóa như thiết kế thời trang, thiết kế nội thất cho các em học sinh, không phân biệt đối tượng.

Nhờ đó, các học sinh khuyết tật cũng cảm thấy vui vẻ hơn, giúp các em ngày càng hòa nhập hơn với bạn bè cùng trang lứa và cũng làm vơi bớt lo lắng, vất vả của của phụ huynh. Cảm ơn sự hỗ trợ của Tổ chức Cầu vồng châu Á, cô Nguyệt cho rằng dự án rất thiết thực vì đây là hành động đẹp từ trái tim đến trái tim. Dự án giúp các em khuyết tật được hòa nhập với cộng đồng xã hội, vượt qua mặc cảm tự ti, vươn lên học tốt.

Cầu vồng châu Á

“Cầu vồng châu Á” là dự án tâm huyết của chị Baba Yumiko, người từng giảng dạy Nhật ngữ tại TPHCM từ năm 1990. Sau thời gian sinh sống tại Việt Nam, Baba Yumiko mong muốn hỗ trợ cho những người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn ở đất nước này. Đến năm 2000, Baba Yumiko  thành lập tổ chức phi chính phủ Cầu vồng châu Á ở Tokyo.

Ở giai đoạn ban đầu, Baba Yumiko mang các sản phẩm thủ công của các em học sinh ở các trường khuyết tật về Nhật Bản bán trong các ngày lễ hội tại Nhật Bản. Sau đó, cô mang số tiền bán được về lại Việt Nam và trao cho các em.

Thời gian sau, nhận thấy có nhiều em khuyết tật chưa thể đến trường và không đi đến các cơ sở chăm sóc người khuyết tật, cô đã từng bước xây dựng chương trình GDHN và tổ chức tập huấn tại các trường tiểu học ở Long An, Tây Ninh... từ năm 2003. Năm 2009, sau khi nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản, tổ chức đã mở rộng hoạt động về tập huấn GDHN với quy mô từ 5-6 trường ở mỗi tỉnh. Các hoạt động này lần lượt thực hiện tại các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận, An Giang. 

Trao đổi với PV Báo Sài Gòn Giải Phóng, Baba Yumiko cho biết, tính đến nay, Cầu vồng châu Á đã hỗ trợ hoạt động GDHN ở Việt Nam được 18 năm. Với các tỉnh tham gia dự án, Cầu vồng châu Á thực hiện dự án xây dựng hệ thống tập huấn về giáo dục hòa nhập cho các trường mầm non và tiểu học. Mỗi tỉnh sẽ tập trung 30 người là các giáo viên cốt cán để học tập trung về giáo dục hòa nhập trong 2 tuần mỗi năm vào mùa hè, kéo dài liên tục trong 3 năm. Trong 3 năm sắp tới, Cầu vồng châu Á sẽ thực hiện chương trình GDHN tại tỉnh Kiên Giang và Trà Vinh. 

Sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản dành cho dự án GDHN của Cầu vồng châu Á là cần thiết, bởi giáo dục là một trong những lĩnh vực mà Nhật Bản rất chú trọng, ông Watanabe Nobuhiro, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM, khẳng định tại lễ công bố khoản viện trợ 121.239 USD dành cho chương trình GDHN tại Kiên Giang và Trà Vinh. Dự án được thực hiện trên quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong giáo dục và lĩnh vực giáo dục hòa nhập được xem là yếu tố có thể hiện thực hóa điều này. Nhật Bản kỳ vọng với một đất nước xem trọng ngành giáo dục như Việt Nam, GDHN có thể được phổ cập rộng rãi trên nhiều địa phương khác nữa.

Với khoản viện trợ 121.239 USD, dự án của Cầu vồng châu Á hỗ trợ xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán để phát triển hệ thống đào tạo giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật tại các trường tiểu học và mầm non trên địa bàn tỉnh Trà Vinh và tỉnh Kiên Giang thông qua việc tổ chức khóa tập huấn với chuyên gia trong 2 tuần, tập huấn tại địa phương, tại trường học, cũng như tổ chức các chuyến khảo sát, phỏng vấn tại các trường học để góp phần xây dựng đội ngũ cốt cán trong lĩnh vực GDHN.

Ngoài Cầu vồng châu Á còn có dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ, cải thiện sinh kế cho hộ nông dân có quy mô nhỏ thông qua việc chế biến các nông sản hữu cơ và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho thanh thiếu niên, cũng như phát triển địa phương gắn liền với việc gìn giữ môi trường của tổ chức phi chính phủ Nhật Bản Seed to Table. Dự án có tổng trị giá 151.966 USD, thực hiện tại tỉnh Đồng Tháp. Dự án hướng dẫn thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ và giáo dục kiến thức về môi trường cho các em thanh thiếu niên nhằm bảo vệ môi trường, đồng thời tạo ra mô hình tăng thêm thu nhập cho các hộ nông dân đang gặp khó khăn, từ đó góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Nguồn: sggp.org.vn

Sưu tầm: Ngọc Song