Trao Giải thưởng sáng tác về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"

Ngày đăng: 14/05/2020 - 735 lượt đọc

Tối 13-5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức Lễ trao Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2018-2020. Đây là hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/5/1890-19/5/2020).

Tới dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Cùng tham dự còn có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương...

Các đại biểu tham quan triển lãm các tác phẩm đạt Giải thưởng tại sảnh Nhà hát Lớn Hà Nội

Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản hùng ca bất diệt, là biểu tượng sáng ngời, đẹp đẽ về ý chí, khát vọng đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận của văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân, góp sức tạo nên động lực tinh thần vô giá, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác...

Đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ: Tiếp nối mạch nguồn cảm xúc về Bác, như một truyền thống tốt đẹp, kể từ năm 2007 đến nay, cứ 2 năm một lần, tất cả cùng họp mặt để tôn vinh, biểu dương các nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo, các tầng lớp nhân dân đã có những tác phẩm và các hoạt động quảng bá, lan tỏa tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Võ Văn Thưởng phát động Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2020-2025.

Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đã bước sang năm thứ 13 và ngày càng có sức lôi cuốn, hấp dẫn đặc biệt, thực sự là cuộc sinh hoạt văn hóa sâu rộng, đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống của nhân dân ta ở trong nước và nước ngoài.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu khai mạc. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Lễ trao Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2018-2020 nhằm đánh giá kết quả, biểu dương thành tích và ghi nhận sự đóng góp tích cực của các tập thể, cá nhân trong hoạt động; động viên, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ, nhà báo và các tầng lớp nhân dân phát huy nhiệt huyết, năng lực tiếp tục sáng tác, quảng bá về chủ đề này.

Qua gần 2 năm triển khai, đã có gần 6.000 tác phẩm, hồ sơ thành tích quảng bá của tác giả, nhóm tác giả, tập thể, cá nhân ở trong nước và nước ngoài gửi tham gia giải thưởng. Hơn 20 cơ quan, địa phương nhận trên 100 tác phẩm; nhiều nhất là thành phố Hà Nội với gần 700 tác phẩm; Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam gần 600 tác phẩm; tỉnh Đồng Nai 469 tác phẩm; tỉnh Bắc Ninh hơn 400 tác phẩm; tỉnh Cà Mau 384 tác phẩm; tỉnh Long An 356 tác phẩm; tỉnh Hậu Giang 352 tác phẩm; tỉnh Sơn La 291 tác phẩm; tỉnh Tuyên Quang hơn 200 tác phẩm...

Theo Ban tổ chức, số lượng tác phẩm, hồ sơ nhiều hơn so với các đợt trước. Đa số tác phẩm dự thi bám sát chủ đề, có chất lượng tốt, thể hiện sự kính trọng, lòng biết ơn, tình cảm của văn nghệ sĩ, nhà báo cũng như các tầng lớp nhân dân, bạn bè quốc tế đối với Bác Hồ kính yêu. Nhiều tác phẩm phản ánh gương tập thể và cá nhân tiêu biểu trong các lĩnh vực công tác, vùng miền khác nhau, với những việc làm thiết thực, cụ thể, có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. Một số tác phẩm trong lĩnh vực âm nhạc, kiến trúc, điện ảnh, văn học... có quy mô lớn, được đầu tư sáng tác công phu trong một khoảng thời gian dài.

Sau các vòng chấm, Hội đồng Chung khảo đề nghị tặng thưởng cho 228 tác phẩm, trong đó có 2 giải Đặc biệt, 11 giải A, 42 giải B, 74 giải C, 99 giải Khuyến khích. Đồng thời, Hội đồng Chung khảo đề nghị Ban Chỉ đạo Giải thưởng khen thưởng 42 tập thể và 6 cá nhân.

Chương trình nghệ thuật tại lễ trao giải.

Tại Lễ trao giải, Ban tổ chức đã trao thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đoạt giải cao.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao giải Đặc biệt cho 2 tác phẩm thơ "Hồ Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ", "Thủ đô Hà Nội nhớ Bác Hồ" của cố nhà thơ Cuba Felix Pita Rodriguez; và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật có thành tích xuất sắc quảng bá sách về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trao giải cho các tác giả đoạt giải A.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư trao giải Đặc biệt cho tập thể và cá nhân. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Qua chương trình được truyền hình trực tiếp, công chúng còn được thưởng thức những tiết mục nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, như: "Bác Hồ một tình yêu bao la", "Từ làng Sen"..., trong đó có những tác phẩm đoạt giải: "Lời Bác sáng lòng người giáo viên nhân dân" (tác giả Tuấn Khương), "Chúng tôi bộ đội cụ Hồ" (tác giả Trần Quốc Đạt), "Quê chung" (nhạc Hồ Trọng Tuấn, lời Nguyễn Thế Kỷ), múa "Côn Đảo ngày trở về"...

Danh sách giải Đặc biệt và giải A

Giải Đặc biệt

1. Hai tác phẩm thơ "Hồ Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ"; "Thủ đô Hà Nội nhớ Bác Hồ" của nhà thơ Cuba Felix Pita Rodriguez.

2. Nhà xuất bản chính trị quốc gia - Sự thật có thành tích xuất sắc quảng bá sách về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Giải A

1. Tác phẩm "Dâng Người ngàn hoa chiến công" (ca khúc) của tác giả Chẩm Hồng Giang thuộc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh

2. Chương trình chính luận - nghệ thuật "Muôn vàn tình yêu thương" của nhóm tác giả Đài Tiếng nói Việt Nam.

3. Tác phẩm "Làng chài đảo Đá Tây" của Viện thiết kế Bộ Quốc phòng.

4. Tác phẩm múa "Dũng sĩ Rừng Sác" của NSƯT Trần Ly Ly thuộc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.

5. Tác phẩm mỹ thuật: Tượng đài Bác Hồ tại Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân của tác giả Vũ Đại Bình (Hà Nội).

6. Tác phẩm "Mái ấm thiên thần" của tác giả Trần Thị Minh Hà (thành phố Hồ Chí Minh).

7. Tác phẩm "Trăng Tân Trào" của nhà thơ Hữu Thỉnh (Hội Nhà văn Việt Nam).

8. Tác phẩm phê bình và nghiên cứu văn học "Nửa thế kỷ văn thơ Hồ Chí Minh" của Giáo sư Phong Lê (Hội Nhà văn Việt Nam).

9. Tiểu thuyết "Cánh cung đỏ" của tác giả Hà Lâm Kỳ (Hội VHNT tỉnh Yên Bái).

10. Tác phẩm sưu tầm "Những bài dân ca của đồng bào Tây Nguyên dâng lên Bác Hồ kính yêu" của tác giả Trương Bi (thành phố Hồ Chí Minh).

11. Tác phẩm "Những tấm gương bình dị tỏa sáng giữa đời thường" - tập 2, tập 3 do Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh biên soạn.

 

Nguồn: hanoimoi.com.vn

Sưu tầm: Ngọc Song