Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2: Điểm tựa cho người già cô đơn và trẻ em hoàn cảnh đặc biệt

Ngày đăng: 11/06/2021 - 717 lượt đọc

Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc 181 đối tượng, trong đó có 25 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gồm trẻ mồ côi, khuyết tật, bại não, còn lại là người già cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật.

Sống ở Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2, nhiều người già cô đơn đã tìm lại được niềm vui bầu bạn ở tuổi xế chiều.

Do đặc thù đối tượng là những người có hoàn cảnh éo le, chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống nên đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động làm việc tại đây luôn đặt chữ tâm lên hàng đầu, đoàn kết, chung sức đồng lòng phục vụ, chăm sóc, quản lý, điều trị và phục hồi chức năng cho đối tượng. Ông Nguyễn Kiều Anh, giám đốc trung tâm, cho biết: Đợt này thời tiết nắng nóng, lại ảnh hưởng vì dịch COVID-19 nên giá lương thực, thực phẩm tăng trong khi dự toán kinh phí không tăng, các nhà tài trợ cũng giảm, đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của đơn vị, khẩu phần ăn của đối tượng cũng ít được cải thiện. Do đó số người già, trẻ em sức khỏe yếu, mắc bệnh mãn tính phải đi bệnh viện cấp cứu tăng. Trước tình hình trên, ban giám đốc trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch, đặt ra các tình huống phòng, chống dịch; một mặt vừa chú trọng theo dõi, nắm bắt tình hình sức khỏe của đối tượng, một mặt sẵn sàng bố trí người, xe đưa đón đối tượng đi điều trị kịp thời, an toàn. Phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, đội ngũ cán bộ, nhân viên Khoa Dinh dưỡng đã chế biến những bữa ăn ngon, bảo đảm chất lượng cho đối tượng. Với 3 bữa ăn trong ngày và nhiều chế độ ăn khác nhau, phải cân đối để chế biến, thay đổi món ăn sao cho vừa bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế, vừa bảo đảm nguồn dinh dưỡng, phù hợp với bệnh lý, độ tuổi của từng đối tượng.

Bên cạnh đó, công tác khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng cho đối tượng được thực hiện hàng ngày, nhất là những đối tượng khuyết tật, già cả ốm đau và trẻ sơ sinh. Với mục tiêu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, cán bộ, viên chức phòng y tế thường xuyên thăm khám, theo dõi sát diễn biến của từng đối tượng để kê thuốc điều trị phù hợp, hạn chế việc phải chuyển lên tuyến trên điều trị trong điều kiện tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

Để giúp đối tượng chuyển biến tâm lý theo hướng tích cực, xóa bớt mặc cảm về bệnh tật, phấn đấu tái hòa nhập cộng đồng, trung tâm đẩy mạnh hoạt động phục hồi chức năng, thể thao, văn hóa – văn nghệ, tăng gia sản xuất... tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, nâng cao sức khỏe, tinh thần cho đối tượng. 5 cháu trong độ tuổi đến trường bảo đảm sức khỏe được đi học, được trang sắm quần áo, sách vở, đồ dùng học tập và bố trí phòng học riêng, có người đưa đón, kèm cặp, dạy dỗ. Số cháu còn lại đa phần là bại não thể co cứng không có khả năng hoạt động được chăm sóc 24/24 giờ. Ví như cháu An Khánh, vào trung tâm trong hoàn cảnh rất đặc biệt, là trẻ bị bỏ rơi ở cửa chùa từ khi còn đỏ hỏn, được nhà chùa cưu mang. Do cháu bị bệnh nặng, khó có khả năng chăm sóc nên nhà chùa đấu mối với địa phương gửi cháu vào trung tâm. Bản thân cháu bị bại não, liệt, không có nhận thức, ngày ngủ, tối thức khóc cả đêm, trung tâm phải cắt cử 2 người thay nhau túc trực chăm sóc. Hay như cháu Phạm Thị Thu, bị u não, trung tâm đã vận động, kêu gọi các nhà tài trợ quyên góp tiền được 30 triệu đồng mổ u cho cháu. Sau đó cho cháu đi học lại nhưng do bệnh tật, sức khỏe yếu nên cháu phải nghỉ học.

Ông Lê Xuân Đột 77 tuổi, quê ở xã Xuân Hồng (Thọ Xuân), người đã gắn bó với trung tâm gần 40 năm qua, chia sẻ: Do bố mẹ không còn, anh chị em đều có cuộc sống khó khăn, bản thân bị khiếm thị 2 mắt, không có nhà để ở. Thấy tôi cứ sống thang lang, chính quyền địa phương đã làm thủ tục để tôi được vào trung tâm sinh sống. Ở đây tôi được đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động chăm sóc nhiệt tình, lúc ốm đau được cán bộ ân cần thăm hỏi, động viên, lo từng bữa ăn, từng viên thuốc uống và thường xuyên thăm khám. Vào trung tâm tuy mỗi người một hoàn cảnh, tuổi tác cũng khác nhau nhưng đều coi nhau như người trong một gia đình, sẵn sàng tương trợ, giúp đỡ nhau. Ví như tôi - một người khiếm thị cùng anh bạn trẻ ở cùng phòng là Đỗ Phi Hùng bị liệt phải ngồi xe lăn, là điểm tựa cho nhau. Nếu không vì dịch COVID-19, chiều lại cứ “chân ông, mắt cháu” cùng nhau đi dạo trong khuôn viên trung tâm hít thở khí trời.

Theo ông Kiều Anh, tuy còn gặp nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, tập thể cán bộ, viên chức, người lao động tại trung tâm tiếp tục đoàn kết, chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ, cùng nhau xây dựng mái nhà chung Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 luôn gần gũi, ấm áp, đầy tình yêu thương cho những đối tượng cần được chăm sóc, bảo trợ.

Nguồn: baothanhhoa.com

Sưu tầm: Ngọc Song