Hà Nội hỗ trợ hơn 1.200 tỷ đồng làm sữa riêng cho học sinh Thủ đô

Ngày đăng: 26/09/2018 - 865 lượt đọc

Học sinh Hà Nội sẽ uống sữa tươi tiệt trùng, bổ sung một số vi lượng, khoáng chất và được đặt hàng làm riêng.

Buổi thông tin báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chiều 25/9 "nóng" với câu chuyện sữa học đường đang được Hà Nội triển khai.

Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến trao đổi về chương trình Sữa học đường tại giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội ngày 25/9. Ảnh: Quỳnh Trang.

Sữa học đường giúp "giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng"

Chương trình Sữa học đường được HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết từ ngày 5/7/2018. Đề án thực hiện theo quyết định số 1340 năm 2016 của Thủ tướng về chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.

Mục tiêu của chương trình là cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua uống sữa hàng ngày. Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 có 90% trẻ mẫu giáo, tiểu học toàn TP được uống sữa theo đề án; đáp ứng 95% nhu cầu năng lượng, 30% nhu cầu sắt, canxi và vitamin D, 40% tỷ lệ protein động vật/protein tổng số khẩu phần ăn của trẻ...

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Xuân Tiến thông tin, TP kỳ vọng tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 giảm còn 5,5% (năm 2016 tỷ lệ này của trẻ Hà Nội là 5,7%); tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm xuống dưới 13,5% (năm 2016 là 14,7%) với trẻ mẫu giáo, giảm 0,2% với trẻ tiểu học; chiều cao trung bình của trẻ 6 tuổi tăng 1,5 - 2cm so với năm 2010.

Đối tượng thụ hưởng chương trình sữa học đường là trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tự nguyện tham gia. Mỗi trẻ sẽ uống sữa tươi 5 lần/tuần (mỗi ngày đến trường uống một lần), mỗi lần một hộp 180ml. Việc này được duy trì suốt 9 tháng đến trường trong mỗi năm học của các em.

Mức đóng góp cho chương trình sữa học đường là ngân sách 30%, doanh nghiệp hỗ trợ 20% và phụ huynh góp 50%. Tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 4.180 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ hơn 1.290 tỷ đồng; doanh nghiệp hơn 890 triệu đồng và phụ huynh đóng hơn 2.000 tỷ đồng.

Giá một hộp sữa học đường dự kiến tối đa là 6.800 đồng/hộp 180ml, không tăng từ năm 2018 đến hết năm 2020. Như thế, phụ huynh sẽ phải đóng 3.400 đồng/hộp, cả tháng là 70.000 đồng. "Tôi vẫn nói đùa rằng mức đóng góp này tương đương 2 bát phở chúng ta ăn sáng", ông Tiến nói.

Chương trình sữa học đường sẽ được triển khai từ năm học 2018 - 2019 đến hết năm 2020 trên tinh thần tự nguyện tham gia của phụ huynh. Sở Giáo dục đã gửi văn bản đến Hiệu trưởng từng trường tiểu học mầm non thông báo về việc này.

Sữa bổ sung một số vi chất, được làm riêng cho học sinh Hà Nội

Sữa học đường là sữa tươi tiệt trùng, có hoặc không đường, được Hà Nội đặt hàng làm riêng cho học sinh thủ đô. Sữa này bổ sung một số vi lượng, khoáng chất, giúp tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng cho trẻ. Sản phẩm không bán trên thị trường và có tem mác riêng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục thông tin.

Đơn vị xây dựng các tiêu chuẩn vi chất để bổ sung vào sữa học đường cho học sinh Hà Nội là Viện Dinh dưỡng quốc gia. Cục vệ sinh An toàn thực phẩm, các chi cục của thành phố chịu trách nhiệm tiền kiểm, hậu kiểm và quản lý việc triển khai cung ứng sữa.

Trưởng khoa Dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) Bùi Thị Nhung cho biết, kết quả tổng điều tra về vi chất dinh dưỡng năm 2014 - 2015 do Viện thực hiện đã chỉ ra tỷ lệ thiếu máu của trẻ dưới 5 tuổi ở thành phố là 20 - 22%; thiếu vitamin A là 7-8%, thiếu kẽm là 50% với trẻ thành phố, 70% với trẻ nông thôn và 80% với trẻ miền núi. Căn cứ vào kết quả này, Chính phủ ban hành Nghị định số 9 năm 2016 về tăng cường vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm. Việc uống sữa học đường có bổ sung vi chất cho học sinh Hà Nội có ý nghĩa lớn.

PGS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) trao đổi về ý nghĩa của việc cho trẻ uống sữa có bổ sung vi chất. Ảnh: Võ Hải.

"Sữa là một trong 8 nhóm thực phẩm được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo có trong bữa ăn hàng ngày. Với trẻ em, sữa đặc biệt quan trọng vì cung cấp canxi và là nguồn dinh dưỡng dễ hấp thu... Việc bổ sung vi chất trong sữa để học sinh uống mỗi ngày và hấp thụ từ từ sẽ tốt hơn uống viên tổng hợp", bà Nhung nói.

Đến nay Hà Nội chưa chốt đơn vị nào tham gia sản xuất và cung ứng sữa học đường dành riêng cho học sinh thủ đô. Thành phố đã mở thầu, nhận được gần 10 đăng ký của các hãng sữa. Sau khi đóng thầu vào ngày 1/10 và lựa chọn đơn vị phù hợp, đảm bảo các yêu cầu đặt ra cho sản phẩm, Hà Nội sẽ tổ chức họp báo thông tin và cam kết chất lượng với phụ huynh.

Ông Tiến cho rằng phụ huynh muốn biết con uống sữa gì thì có thể test hoặc yêu cầu con mang vỏ hộp về nhà để kiểm tra thương hiệu, date, thành phần dinh dưỡng. Nếu toàn bộ học sinh mầm non, tiểu học tham gia, mỗi ngày sẽ có hơn một triệu hộp sữa được tiêu thụ thì "không thể có chuyện sữa quá date". Các sở, ngành cũng có cơ chế kiểm tra, giám sát việc bảo quản sữa ở trường và xử lý rác từ vỏ hộp sữa hợp lý.

Uống một ly sữa tươi tốt hơn ăn bánh quy, bánh giò

Lấy ví dụ về chương trình Bữa ăn học đường được Nhật Bản thực hiện từ năm 1954, trong đó yêu cầu mỗi bữa trưa trẻ mầm non, tiểu học phải được uống 200ml, sau 40 năm áp dụng người Nhật đã tăng chiều cao thêm 10cm, tuổi thọ ở mức cao nhất thế giới (87 với nữ và 80 với nam), PGS Viện Dinh dưỡng Bùi Thị Nhung khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình sữa học đường.

Theo chuyên gia dinh dưỡng này, trẻ 3 - 5 tuổi Việt Nam cần 4 đơn vị sữa/ngày (một đơn vị sữa tương đương 100mg canxi) gồm: Một miếng phô mai, một hộp sữa chua và 200ml sữa dạng lỏng (sữa tươi hoặc sữa bột). Trẻ 6 - 7 tuổi sử dụng 4 - 5 đơn vị sữa; trẻ 8 - 9 tuổi sử dụng 5 đơn vị; 9 - 11 tuổi là 6 đơn vị. Với nhu cầu canxi 1.000 mg/ngày của học sinh tiểu học, việc cho trẻ uống thêm một ly sữa mỗi ngày là hợp lý nhất.

"Trẻ được uống sữa trong bữa phụ sẽ tốt hơn ăn bánh quy, bánh giò... vì các thực phẩm kia chỉ có năng lượng, chất béo chứ không có canxi. Trong khi đó, trẻ em rất cần canxi động vật để hỗ trợ phát triển xương, sữa hạt phù hợp hơn với người lớn", PGS Bùi Thị Nhung nói.

Tác giả của nghiên cứu Mối liên quan giữa gen nhạy cảm béo phì và tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em Hà Nội cho biết, lý do trẻ em thủ đô béo phì là được ăn nhiều, ăn thức ăn nhanh chứ không phải uống sữa nhiều. 100 ml sữa có nhiều nhất 100 kCal trong khi một chai nước ngọt chứa 260 kCal, chiếc bánh bao là 409 kCal, một bát xôi có 712 kCal (tương đương 1.000ml sữa)...

Bà Nhung kể, có phụ huynh chia sẻ ngày nào con cũng bơi nhưng không giảm cân. Thực tế, khi trẻ bơi một giờ sẽ tiêu thụ được 200 kCal nhưng bơi xong nếu ăn luôn một cái xúc xích, uống một chai nước ngọt thì lại bổ sung vào 600 kCal. Ở Australia họ dạy trẻ em lựa chọn thức ăn thông minh, có bổ sung vi chất, ít năng lượng gây béo phì. Trường học được quy định chỉ bán sữa và nước ép hoa quả 100%, không được bán nước ngọt, thực phẩm khác.

Quan niệm uống sữa khiến trẻ dậy thì sớm, theo Trưởng khoa Dinh dưỡng chưa được công nhận trong một bài báo khoa học quốc tế nào. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể đến từ việc trẻ ăn các thực phẩm có tiêm hoóc môn tăng trưởng.

"Để cải thiện chiều cao người Việt cần quá trình lâu dài, trong đó việc bổ sung vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng. Các nước đều có nghị định tăng cường vi chất vào thực phẩm để cải thiện tình trạng thiếu vi chất cho người dân", PGS Bùi Thị Nhung lần nữa khẳng định ý nghĩa của chương trình sữa học đường.

                                                                                                                                                                               Theo Kinh tế & Đô thị

                                                                                                                                                                                     Đỗ Chiến (st)