Nhân loại NỢ Việt Nam MỘT LỜI CẢM ƠN – thế giới NỢ Việt Nam MỘT LỜI XIN LỖI

Ngày đăng: 17/10/2018 - 1336 lượt đọc

Tháng bảy, tháng tri ân, đa số các bạn trẻ khi được tôi hỏi đều ngơ ngác và không hiểu tại sao lại là tháng tri ân.

Tôi không trách các bạn vì các bạn còn trẻ, khá trẻ, các bạn sinh ra khi mảnh đất này không còn tiếng súng, không còn tiếng gầm rú của máy bay, không thấy được cái sống và cái chết chỉ cách nhau một lằn ranh mảnh mai hơn cả sợi tóc vì bom rơi súng nổ nên chưa thể nào hiểu được để có một đất nước hòa bình, thống nhất và ấm no như hiện nay đã có biết bao xương máu của các thế hệ cha anh đi trước ngã xuống.

Trong hình ảnh có thể có: ngoài trời

Tôi chỉ thấy khá bất bình đối với một số người tuy khá lớn tuổi, có sự hiểu biết nhất định về lịch sử nhưng lại cố tình xuyên tạc lịch sử, phủ nhận sự hi sinh to lớn của dân tộc này.

Mấy hôm nay tôi thường trao đổi với một số bạn trên mạng, các bạn ví nước Mỹ như là “Cảnh sát của thế giới”, các bạn hay hỏi “Việt Nam đã làm gì cho thế giới hay chưa”,…. Ở phạm vi bài viết này tôi không phân tích các cuộc chiến tranh vệ quốc trước năm 1975 mà sẽ nói nhiều về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam giai đoạn 1978 – 1989 để các bạn thấy Việt Nam đã làm được gì cho thế giới.

Như chúng ta đã biết, chế độ diệt chủng của Khrme đỏ từ điều tra của Liên Hiệp Quốc báo cáo đã gây ra cái chết cho khoảng 2–3 triệu người, tổ chức UNICEF ước tính khoảng 3 triệu người, với khoảng một nửa chết vì bị hành quyết và số còn lại vì đói khát và bệnh tật cho chính nhân dân Campuchia. Ngoài ra chúng còn giết hàng ngàn người dân Việt Nam khi đưa quân sang xâm lấn biên giới (bạn nào có về An Giang nên đến thăm chùa Ba Chúc sẽ hiểu như thế nào là diệt chủng).

Ngày 13/12/1978, Khmer Đỏ đã huy động 10 sư đoàn (khoảng 50.000 đến 60.000 quân) tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới, thực hiện sách lược diệt chủng đối với người Việt, như đã làm với chính người dân Campuchia. Ngày 23/12/1978, sau khi được tăng viện, với 80.000 quân, bộ đội Việt Nam đã tiến hành phản công trên toàn bộ mặt trận, đẩy lùi quân Khmer Đỏ ra khỏi các vị trí dọc biên giới. Và chỉ sau 2 tuần, với những chiến dịch thần tốc, sức mạnh như vũ bão của đoàn quân Việt Nam bách chiến bách thắng, ngày 07/1/1979, Campuchia được hoàn toàn giải phóng.

Trong hình ảnh có thể có: thực vật và ngoài trời

Từ tháng 12/1977 đến 14/6/1978, Việt Nam thương vong 30.642 bộ đội, trong đó hy sinh 6.902 người. Hơn 30 vạn dân phải tản cư về phía sau, bỏ hoang 6 vạn ha đất bởi bàn tay Khmer Đỏ. Theo đó hiệp ước được ký bởi chính phủ mới của Campuchia với Việt Nam, quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục ở lại giúp nước bạn, máu chiến sỹ ta vẫn nhuộm đỏ mảnh đất này cho đến năm 1989 mới rút quân về nước. Trong chiến dịch phản công tự vệ và giúp bạn giải phóng đất nước, hơn 8.000 cán bộ chiến sỹ Quân tình nguyện Việt Nam đã ngã xuống. Trong 10 năm sau đó hàng vạn người con ưu tú của nước Việt tiếp tục đổ máu xương vì cuộc sống bình yên cho nhân dân nước bạn.

Lúc lính PônPốt thảm sát nhân dân VN ở các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp, Long An… vô cùng man rợ, thậm chí đối với nhân dân Campuchia chúng còn không tha, chúng cai quản đất nước bằng máu và nước mắt thì Liên Hiệp Quốc ở đâu? Khi đó có ai sang Campuchia mới biết, có những cánh đồng lấy xác người làm phân bón, có những giếng nước bên dưới chỉ toàn xương người. Tại sao chế độ diệt chủng như thế mà Liên Hiệp Quốc, “cảnh sát của thế giới” ở đâu, các nước suốt ngày ra rả về nhân quyền ở đâu nhỉ? Tại sao thời điểm đó Việt Nam với muôn vàn khó khăn nhưng vẫn giúp Campuchia còn các nước khác lại không?

Để trả lời các câu hỏi trên chúng ta nghiên cứu một số dữ kiện như sau:

– Sau khi quân đội Việt Nam đánh bại Khmer Đỏ vào tháng 01/1979, Cộng hòa Nhân dân Campuchia (PRK) ra đời, cho mở lại các thành phố và trường học, nhưng vấp phải lệnh cấm vận từ Mỹ và Trung Quốc. Một cán bộ của Liên Hiệp Quốc kể lại rằng ông đến một trường học bị vây quanh bởi mìn và nghĩa địa. Có lớp học 50 học sinh nhưng chỉ có 8 cái bút. Có lớp học tổ chức dưới bóng cây, và tới mùa mưa phải dừng lại. Học sinh có em tới lớp trong tình cảnh “trần như nhộng”.

– Trong thời kỳ nạn diệt chủng xảy ra ở Campuchia, vì những lý do địa chính trị, cả Washington, Bắc Kinh, và Bangkok đều đồng thuận ủng hộ tiếp tục duy trì sự tồn tại của thể chế Khmer Đỏ. Khi Tổng thống Mỹ Gerald Ford tới thăm Indonesia ngày 06/12/1975, tài liệu ghi lại ông này đã trao đổi với Tổng thống Suharto như sau: “Chúng tôi sẵn lòng từng bước tạo dựng quan hệ với Campuchia với hi vọng có thể giúp làm giảm ảnh hưởng từ Bắc Việt Nam, dù chúng tôi biết rằng chính phủ Campuchia rất khó chơi”. Kissinger thì đánh giá rằng Bắc Kinh cũng đang thực thi chiến lược tương tự: “Người Trung Quốc muốn dùng Campuchia để cân bằng thế lực trước Việt Nam… Chúng ta đều không ưa Campuchia, chính phủ của họ thật tồi tệ, nhưng chúng ta muốn họ duy trì được độc lập. Vì vậy chúng ta không ngăn cản Thái Lan hoặc Trung Quốc tìm cách xích lại gần hơn với Campuchia”.

– Kể cả sau khi đã bị thất thế, chính quyền Khmer Đỏ vẫn nhận được sự hậu thuẫn gián tiếp âm thầm từ chính phủ Mỹ qua các đời Tổng thống, từ J.Carter, Ronal Reagan, tới Goerge H.Bush. Năm 1979, Zbigniew Brzezinski, cố vấn an ninh quốc gia của J.Carter, từng khẳng định quan điểm tương tự như chính sách của Kissinger trước đây: “Tôi khuyến khích Trung Quốc hậu thuẫn Pôn Pốt. Tuy thể chế Pôn Pốt là đáng ghê tởm, chúng ta không bao giờ ủng hộ thể chế này, nhưng gián tiếp thông qua Trung Quốc thì có thể được”.

– Năm 1982, Mỹ và Trung Quốc khuyến khích Sihanouk gia nhập liên minh lưu vong với DK (Đảng Dân chủ Kampuchea – tức Khmer Đỏ). Ngoại trưởng Mỹ George Schultz từng từ chối ủng hộ đề xuất về một tòa án quốc tế xét xử tội phạm diệt chủng. Tới năm 1989, người kế nhiệm ông ta là James A. Baker thậm chí còn đề nghị cho Khmer Đỏ tham gia vào chính phủ Campuchia.

– Đồng hành với những chính sách và thái độ hậu thuẫn Khmer Đỏ từ các cường quốc là sự im lặng kéo dài 20 năm của Liên Hiệp Quốc đối với nạn diệt chủng xảy ra ở Campuchia. Năm 1988, các nước Đông Nam Á đã họp và thống nhất không cho phép bất cứ sự trở lại nào của “những chính sách và hoạt động mang tính diệt chủng của chính quyền Pôn Pốt”. Nhưng tới năm 1989, Đại Hội đồng Thành viên Liên Hiệp Quốc vẫn từ chối xác nhận những thủ phạm đã gây ra “những chính sách và hoạt động bị lên án rộng rãi trong quá khứ gần đây”. Năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an chỉ bày tỏ sự lấy làm tiếc về “một số chính sách và hoạt động trong quá khứ”, nhưng không nói một cách cụ thể, không nêu thủ phạm, và không nói rõ thời gian xảy ra.

– Năm 1990, Tiểu Ban Quyền Con người của Liên Hiệp Quốc từng cân nhắc lên án “nạn diệt chủng xảy ra dưới thời chính quyền Khmer Đỏ”, và yêu cầu các quốc gia “đưa ra trước tòa những thủ phạm gây tội ác chống lại loài người ở Campuchia, ngăn chặn những kẻ này quay trở lại các vị trí lãnh đạo trong chính phủ”. Tuy nhiên, Tiểu ban cuối cùng phải loại bỏ nội dung này trong chương trình, sau khi gặp phải một số ý kiến cho rằng nó “không có lợi” cho Liên Hiệp Quốc. Phải tới năm 1991 Tiểu Ban mới ra đề nghị “cộng đồng quốc tế ngăn chặn sự lặp lại của nạn diệt chủng ở Campuchia”. Vào thời điểm này, Washington đã cam kết ủng hộ việc đưa Khmer Đỏ ra tòa. Thế nhưng sang năm sau, giám đốc cơ quan Quyền Con người Liên Hiệp Quốc tại Campuchia lại phàn nàn rằng cơ quan này “hoàn toàn không có khả năng hoạt động tại một trong số các khu vực” ở Campuchia” – một lời phê phán yếu ớt về sự chống đối từ phía Khmer Đỏ. Ông này còn cố tình làm giảm nhẹ tính nghiêm trọng của nạn diệt chủng giai đoạn 1975-1979 bằng cách gọi thời gian này là một phần trong “những thập kỷ của xung đột, nổi dậy, và sự đối đầu”. Và cho đến tận năm 2006 chế độ diệt chủng Khmer Đỏ mới được đưa ra xét xử.

Suốt thời gian đó Mỹ, Trung Quốc và các nước khác đã đem lại cho Việt Nam được gì hay vịn vào cớ “xâm lược Campuchia” để cấm vận Việt Nam cho đến năm 1994 mới gỡ bỏ cấm vận kinh tế. Thử hỏi nếu Việt Nam không đưa quân sang đánh đổ Pôn Pốt thì Campuchia hiện giờ sẽ đi về đâu? Có tận mắt chứng kiến mới hiểu thế nào là tàn bạo, là dã man của chế độ đó, đến chùa Ba Chúc mới thấy được Pôn Pốt đã làm gì, không phải tự nhiên nhân dân Campuchia khi đó gọi QĐND Việt Nam là “Bộ đội nhà Phật”.

Nhân loại nợ Việt Nam một lời cám ơn, khi đã cứu cả một dân tộc khỏi họa diệt chủng, cứu thế giới khỏi bè lũ đồ tể khát máu Pôn Pốt, con đẻ từ chính sách khủng bố của Mỹ, Trung Quốc và bè lũ phương Tây nuôi dưỡng.

Thế giới nợ Việt Nam một lời xin lỗi, khi đã dồn người dân nước ta tới tận cùng của sự khổ cực, trong khi vẫn phải căng mình thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, lại đánh trả bọn bành trướng ở phía bắc bảo vệ Tổ Quốc. Việt Nam chỉ làm được cho thế giới bấy nhiêu thôi các bạn.

Còn đối với các nước suốt ngày rao giảng về nhân quyền, họ chỉ là những kẻ to mồm, họ chỉ vì lợi ích của bản thân họ. Họ lớn tiếng phán xét một đất nước nào đó chỉ vì họ lắm tiền nhiều của và ép buộc các nước khác nghe theo mà thôi.

Lịch sử không phải được viết bởi người chiến thắng, lịch sử được viết bởi xương máu và nước mắt của một dân tộc. Lịch sử một dân tộc có lúc thăng, lúc trầm nhưng lịch sử một dân tộc không phải dành cho những kẻ phán xét về nó.

Học lịch sử không phải để thi đạt điểm cao mà học lịch sử để hiểu và có cái nhìn đúng đắn, để hiểu rằng có ngày hôm nay dân tộc ta phải đánh đổi những gì và hiểu bản thân chúng ta có trách nhiệm như thế nào đối với Tổ Quốc.

Việt Nam rất sợ chiến tranh bởi chiến tranh không phải trò đùa nhưng Việt Nam cũng chưa bao giờ e ngại và sẵn sàng tiêu diệt bất cứ kẻ thù nào muốn xâm phạm một tấc đất linh thiêng của Tổ Quốc. Dân tộc Việt Nam chỉ đơn giản như vậy đó./.

                                                                                                                                                                                Theo Đặng Văn Mến

                                                                                                                                                                                      Phạm Mai (st)