Ông chủ 8x dạy nghề người khuyết tật, bắt tre "đẻ" ra tiền

Ngày đăng: 04/05/2021 - 902 lượt đọc

Từ các bộ phận xù xì của cây tre, anh Thái Đăng Tiến đã biến thành những sản phẩm mỹ nghệ có giá trị kinh tế.

Anh Tiến chỉ dạy cho những người thợ khuyết tật

Cưu mang, dạy nghề cho người bị TNGT

Xưởng sản xuất đồ mỹ nghệ của anh Thái Đăng Tiến (SN 1986, trú xã Châu Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An) luôn nhộn nhịp bởi tiếng cưa cắt, đục bào. Đây không chỉ là nơi tạo ra các sản phẩm mỹ nghệ, mà điều đặc biệt của ông chủ xưởng này chính là việc thu nhận nhiều người khuyết tật, đào tạo tay nghề cho họ.

Nếu chỉ lướt qua khu xưởng thì nơi đây chẳng hề khác với các khu xưởng thủ công mỹ nghệ khác. Chỉ đến khi các công nhân đứng dậy di chuyển thì nhiều người mới ngỡ ngàng nhận ra, phần lớn họ đều là những người khuyết tật.

Thắc mắc vì sao lại chọn những công nhân “đặc biệt” với 3 người Đan Lai không được lành lặn, một người bị thiểu năng trí tuệ, anh Tiến kể: “Trong chuyến đi vào vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát - nơi có đông tộc người Đan Lai sinh sống, tôi thấy cuộc sống của họ còn khó khăn, sống khép kín nên rất lạc hậu. Lúc đó, tôi để ý thấy 3 người Đan Lai bị dị tật ở chân nhưng bàn tay của họ rất khéo léo, đang ngồi đan rổ rá. Tôi liền thuyết phục họ mạnh dạn thoát khỏi chốn thâm sơn cùng cốc, ra xưởng làm việc. Phải đến 4 - 5 lần ngồi thuyền máy ngược dòng sông Giăng mời, họ mới đồng ý”.

Một trong những công nhân “đặc biệt” của xưởng là La Văn Thắng (SN 1991, trú bản Khe Nóng, xã Châu Khê).

Trong một lần đi chơi cùng đám bạn trong làng, chàng trai Đan Lai này không may bị TNGT, phải cưa chân để duy trì sự sống. Để tự nuôi bản thân, Thắng thường đi vào vùng lõi rừng quốc gia Pù Mát săn bắt động vật.

Công việc luôn rình rập nguy hiểm trong khi bản thân anh chỉ có 1 chân. Thương hoàn cảnh của thanh niên này, anh Tiến đã vượt 25km vào thuyết phục. Phải mất một tuần, Thắng mới chịu ra xưởng làm việc.

Thuyết phục được Thắng mới chỉ là thành công bước đầu, bởi đào tạo nghề cho người khuyết tật lại không hề đơn giản. Anh Tiến cho hay, bản thân phải bỏ ra nhiều công sức, thời gian để đào tạo các lao động này.

Sau thời gian được đào tạo nghề, được làm việc tại xưởng, Thắng đã trở thành thợ lành nghề. Cầm trên tay gốc tre xù xì, chỉ qua vài động tác cơ bản tại chiếc máy tiện, một chiếc bình hoa đã thành hình.

Thắng tâm sự: “Chỉ còn một chân, em nghĩ người như mình sẽ không tìm được việc làm. May mà được anh Tiến thu nhận, em đã tìm lại được chính mình, vừa có việc làm, vừa có tiền giúp gia đình”.

Được xem là “anh cả” trong nhóm thợ làm việc tại xưởng mộc mỹ nghệ của anh Tiến, anh Nguyễn Văn Hùng (SN 1976, xã Châu Khê) không giấu nổi niềm vui khi nhìn những sản phẩm mình làm ra.

Tuổi trẻ, anh Hùng từng vấp vào tệ nạn xã hội, sau đó không may bị thương tật ở chân do TNGT. Sau khi biết đến hoàn cảnh của anh Hùng, anh Tiến đã thuyết phục về xưởng mình làm việc. Đến nay, anh Hùng trở thành thợ lành nghề, đảm nhận những công đoạn khó của xưởng.

Anh Tiến không giấu được niềm tự hào khi em Lô Văn Bằng (SN 1996) bị thiểu năng trí tuệ nhưng sau một thời gian làm thợ đã hòa nhập được với mọi người.

Trước đây Bằng ít nói, lầm lì ngại tiếp xúc với người lạ nhưng khi về xưởng, Bằng tỏ ra thích thú. Biết Bằng thích thú với công việc phun cát bằng áp lực hơi, anh Tiến đã hướng dẫn Bằng sử dụng máy. “Giờ Bằng đã thành thạo kỹ thuật phun cát bằng áp lực hơi rồi. Tôi không ngờ Bằng bị thiểu năng trí tuệ lại là người xử lý khâu quan trọng nhất để hình thành nên sản phẩm mỹ nghệ”, anh Tiến vui vẻ kể.

Bắt tre “đẻ” ra tiền

Anh Tiến giới thiệu một sản phẩm làm từ tre

Chia sẻ về xưởng mộc mỹ nghệ của mình, anh Tiến cho hay, thực ra người “thai nghén” cho xưởng sản xuất đồ mỹ nghệ bằng tre là em trai tên Thái Đăng Dũng (SN 1990).

Chuyện là cách đây mấy năm, anh Dũng nhận được đơn hàng cung cấp tre, mét làm nguyên liệu cho nhiều cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ. Nhận thấy đây là nghề có thể tạo sản phẩm kinh tế, lại tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi trong bản làng, Dũng liền bàn với anh trai: “Quê mình bạt ngàn tre, mét, sao ta không làm đồ mỹ nghệ? Sao cứ phải nai lưng vác từng cây tre bán giá bèo bọt? Phải tạo ra giá trị mới cho cây tre ở quê hương mình”.

Ý tưởng tạo giá trị mới cho cây tre được hai anh em bàn bạc, thống nhất với mục tiêu biến cây tre, cây mét thành sản phẩm mỹ nghệ. Nhưng cái khó là học việc ở đâu, các khâu xử lý tre, mét thế nào cho hiệu quả.

Nghĩ rồi, anh Tiến ra Thanh Hóa tìm một cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ uy tín để học việc. Nhiều tháng học hỏi, anh nắm vững được một số khâu xử lý tre, mét. Tuy nhiên, việc xử lý phía trong ống tre, mét vẫn là bài toán khó với anh.

Anh kể: “Một số cơ sở dùng giấy nhám đánh kỹ phía trong ống tre nên người thợ mất rất nhiều thời gian. Tôi nghĩ ra cách dùng máy áp lực thổi cát vào trong các ống tre. Việc này vừa làm khô bên trong ống tre, vừa nhanh, lại hiệu quả, ít chi phí”.

Sau khi giải quyết được khâu khó bậc nhất này, hai anh em tiếp tục tìm hiểu cách diệt khuẩn, triệt tiêu lượng đường trong cây tre để chống mối mọt, rồi công đoạn sấy, tạo hình. Đó là chưa kể công đoạn sấy lại các sản phẩm để độ ẩm dưới 10%, sau đó sơn lớp sơn an toàn xong mới đến tay người tiêu dùng.

Quá trình sản xuất, anh Tiến cho thấy, những bộ phận của cây tre Trà Lân đều trở thành nguyên liệu tốt cho các sản phẩm đa dạng. Thân tre để làm cốc, ấm, bình đựng hoa, đồ trang trí… cành thì làm tay cầm, vòi nước, gốc tre sẽ để làm những ấm trà đặc biệt. Các sản phẩm chế tác từ phần gốc, rễ của cây tre dù cùng chủng loại cũng không thể giống nhau mà sẽ mang nét riêng biệt.

Tuy mới đi vào sản xuất, nhưng sản phẩm của xưởng mỹ nghệ này đã được một số công ty du lịch đặt hàng. “Nhận được điện thoại đến xem hàng rồi các công ty du lịch đặt vấn đề cung ứng các sản phẩm này cho họ, chúng tôi mừng lắm. Bước đầu tuy vất vả nhưng được khách hàng tín nhiệm, đánh giá cao sản phẩm, chúng tôi càng có động lực”, vị giám đốc trẻ nói.

Một niềm vui nữa đối với anh Tiến là đã tạo công ăn việc làm cho những người thợ Đan Lai không được lành lặn. Việc những người bị khiếm khuyết một phần cơ thể nói chuyện cởi mở hơn, tay nghề ngày càng nâng cao, có niềm tin vào cuộc sống là những món quà vô giá mà theo anh Tiến không “lợi nhuận” nào sánh bằng.

Nguồn: baogiaothong.vn

Sưu tầm: Ngọc Song