Người khuyết tật bị dọa cho lên ban thờ dù không vay tiền của ngân hàng

Ngày đăng: 27/09/2019 - 869 lượt đọc

Phải nhờ rất nhiều người quen biết thì PV Ngày Nay mới liên hệ được với anh B.S. (SN 1976, trú tại Hà Nội); lý do là khoảng 1 tuần trước, không hiểu vì sao có nhiều người lạ gọi điện đe dọa anh S, rồi nhắn phải bắt một người có tên là Nhung trả tiền cho phía ngân hàng VPBank.

Anh B.S (trú tại Hà Nội)

Những lời nói xúc xiểm, thậm chí còn đe dọa sẽ cho anh B.S… lên ban thờ đã khiến người đàn ông này vô cùng hoảng sợ. Cuộc sống bình yên của người đàn ông khuyết tật sống cùng mẹ già với nghề làm hoa lụa bỗng chốc đảo điên, tâm lý lo lắng vô cùng, và cũng từ đó cho đến nay anh B.S. tuyệt đối không dám nghe máy điện thoại khi có số lạ gọi đến.

Bỗng nhiên bị dọa cho lên… ban thờ
Trong căn nhà nhỏ nằm nép trong con ngõ hẹp ở phố T.Đ, nhìn từ ngoài vào, nhịp sống của hai mẹ con anh B.S vẫn trôi qua như thường lệ; nhưng bên trong, một người đàn ông khuyết tật nhiều năm nay phải ngồi xe lăn do căn bệnh viêm đa cơ, một bà cụ đã gần tuổi 80 đang vô cùng hoang mang bởi những cuộc điện thoại, tin nhắn đe dọa đòi tiền của một nhóm người xưng là của ngân hàng VPBank. Điều đáng nói là anh S. không vay tiền của ngân hàng VPBank mà là một người có tên là Nhung nào đó, vay tiền của đơn vị này; và mối quan hệ giữa anh S. và chị Nhung chỉ là biết nhau qua mạng xã hội.
Kể lại câu chuyện của mình, anh S. cho biết: Sáng ngày 19/9/2019, khi anh đang nằm ngủ vì đêm hôm trước phải thức khuya để làm hoa lụa trả hàng khách cho kịp, thì bất ngờ điện thoại của anh reo liên hồi. Do không thể đi lại được, nên thường anh S. sẽ gọi lại khi ngồi lên xe lăn, nhưng rồi những cuộc điện thoại dồn dập đổ tới khiến anh vô cùng lo lắng vì cho rằng chắc có chuyện gì bất trắc xảy ra. Cố lết người với chiếc điện thoại để trên mặt bàn cách giường hơn một mét, khi bấm nghe thì anh S. thật sự bất ngờ khi người gọi tới nói giọng người miền Nam và ngay lập tức buông ra những lời nói rất khó nghe.

Người đàn ông đã nhiều năm nay phải ngồi xe lăn do căn bệnh viêm đa cơ, sống cùng mẹ già 80 tuổi hiện đang vô cùng hoang mang bởi những cuộc điện thoại, tin nhắn đe dọa đòi tiền của một nhóm người xưng là của ngân hàng VPBank

Vẫn còn nhớ như in những lời của người gọi điện thoại tới, anh S. kể lại: Mình bấm nghe, do số lạ nên hỏi là ai đấy, thì người kia buông luôn câu: Mày có phải là S. bạn con Nhung không? Nghe vậy mình rất bất ngờ vì họ hỏi đúng tên nhưng mình chẳng nhớ người nào tên Nhung cả, nên anh S. chỉ kịp nói: Mình đúng là S. nhưng không rõ anh hỏi Nhung nào?
Khi còn chưa kịp định hình suy nghĩ, thì anh S. tiếp tục choáng váng và hoảng hồn khi người phía đầu dây bên kia tiếp tục nói: "Bọn tao là bên công ty thu hồi nợ xấu của ngân hàng VPBank, mày bảo con Nhung bạn mày lập tức trả tiền bọn tao đi nêu không thì cả mày và nó đều không yên được đâu…
Cho đến khi nghe những câu nói này, anh S. cũng không biết là người bên kia đang nói với mình chuyện gì. Quá choáng váng trước những lời nói xúc xiểm, đe dọa mình, anh S. chỉ nhẹ nhàng trả lời: Tôi không biết chị Nhung nào cả, tôi cũng không vay tiền các anh nên các anh tìm người nào vay các anh mà đòi… Nói xong vậy, anh S. dập máy và nghĩ người kia sẽ không gọi lại nữa.

Hàng loạt cuộc gọi nhỡ từ các số điện thoại lạ tự xưng là người của VPBank gọi tới điện thoại của anh S. cùng nội dung tin nhắn dde dọa, xúc phạm và miệt thị đến sự yếu thế của người đàn ông này. (Ảnh NVCC)

Nhưng rồi, điện thoại của anh S. tiếp tục reo liên hồi, đều là số điện thoại lạ gọi tới. Anh S. nghĩ rằng có thể nhóm người kia lại gọi, nhưng do ngày nào cũng có khách gọi đặt hoa lụa nên anh S. cố gắng cầm điện thoại nghe. Thế rồi, phía bên kia lại xưng là người của công ty thu hồi nợ và tiếp tục buông ra những lời nói hết sức thô tục, lỗ mãng, mang nặng tính chất hăm dọa. Trong nội dung mà nhóm người gọi tới không chỉ là đe dọa đến bản thân anh S. mà còn cố tình xoáy sâu vào chuyện anh là người khuyết tật với ý tứ bóng gió xúc phạm đến sự yếu thế của người đàn ông này.
Không muốn đôi co với nhóm người đó, anh B.S. nhất quyết không nghe máy nữa, thì nhóm người đòi nợ tiếp tục nhắn tin. Nội dung tin nhắn còn khiến anh S. cảm thấy sốc hơn, khi nhóm người đòi nợ nói hàm ý sẽ cho người đàn ông này lên… ban thờ nếu như không thu hồi được khoản nợ kia.

Cuộc sống đảo lộn, tâm lý khủng hoảng
Bị khủng bố điện thoại, gọi điện, nhắn tin đe dọa diễn ra trong suốt ngày 19/9 đã khiến anh S. khủng hoảng tinh thần thật sự. Vốn là một người hết sức nhạy cảm nên sự việc xảy ra đã khiến tâm lý, cuộc sống của anh S. đảo lộn hoàn toàn. Vì nhà chỉ có hai mẹ con nên khi anh S. bị khủng hoảng tâm lý cũng khiến mẹ già lo lắng khôn nguôi.
Chia sẻ về chuyện này, anh S. cho biết: Hai mẹ con gần nhau nên bất ngờ sự thay đổi nào về tâm lý, hành động của mình mẹ đều biết. Sau hôm xảy ra sự việc, cũng có một vài lần mẹ hỏi mình là sao mặt có vẻ lo lắng thế? Nghe mẹ hỏi vậy mình phải cố trấn an và khẳng định với mẹ là không có chuyện gì xảy ra… Rồi anh S. nói luôn cả chuyện khi phóng viên đến hỏi chuyện thì cũng chỉ dám nói với mẹ là bạn đến chơi chứ không phải chuyện gì khác.
Ảnh hưởng đến tâm lý nên từ đó anh S. không dám nghe điện thoại của bất cứ ai nếu như chưa lưu ở danh bạ, cũng chính vì lý do này mà nhiều khách hàng gọi điện thoại đến đặt hoa lụa đều mất cả, thu nhập trang trải cho cuộc sống của hai mẹ con anh S. cũng vì thế mà bị ảnh hưởng.
Anh S. nghĩ rằng mọi chuyện sẽ dừng lại ở việc gọi điện thoại nhắn tin đe dọa như vậy, nhưng đến hôm sau, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện hình ảnh cắt ghép anh S. vào với một người phụ nữ tên Nhung. Theo như lời anh S. thì người tên Nhung này anh có quen trên mạng xã hội, cũng chỉ gặp ở ngoài được một lần trong dịp gặp mặt đồng niên sinh năm 1976. Nội dung cắt ghép anh S. và chị Nhung này khẳng định chị Nhung vay nợ chưa trả, đồng thời “vơ” luôn cả anh S. vào chuyện nợ nần.
“Việc đi lại của mình bị hạn chế, mình cũng có ít bạn bè nên khi sự việc xảy ra mình chẳng biết nhờ cậy ai để vào cuộc giải quyết, giúp đỡ. Bao nhiêu năm nay mình và mẹ sống bình yên, đâu đến một ngày chuyện này lại ập tới mà việc này vốn dĩ chẳng liên quan gì đến mình cả. Mình không vay tiền, không vay hộ ai cả và mình với bạn Nhung cũng chỉ là cùng sinh hoạt trong nhóm đồng niên sinh năm 1976 mà thôi. Việc xảy ra đối với mình thật sự là cú sốc rất lớn, tinh thần hoảng sợ vô cùng…” anh B.S chia sẻ với PV Ngày Nay.
Cho đến thời điểm hiện tại, điện thoại của anh B.S. dù đã không còn số lạ gọi tới, cũng không còn nhận được bất cứ tin nhắn nào đe dọa, xúc phạm nào như trước nữa, thế nhưng người đàn ông này vẫn hàng ngày sống trong tâm lý thấp thỏm, lo lắng vì lỡ đâu, đến một ngày sự việc tương tự như trên lại một lần nữa ập tới.

Luật sư Đặng Xuân Cường (Công ty Luật TAT Law Firm)

Phân tích về nội dung sự việc xảy ra với anh B.S., Luật sư Đặng Xuân Cường (Công ty Luật TAT Law Firm) cho biết:
Người khuyết tật được cả xã hội bảo vệ, pháp luật cũng có những quy định rất rõ về việc bảo vệ quyền lợi cho những người có hoàn cảnh đặc biệt này. Đối với người khuyết tật nếu như gặp tình huống khó khăn cần giúp đỡ mà người có sức khỏe, thể trạng, tâm lý bình thường nhưng không thực hiện việc giúp đỡ sẽ bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng. Chính vì vậy, việc gọi điện đe dọa, thậm chí là xúc phạm đến hoàn cảnh, cuộc sống như trường hợp của anh B.S là hết sức nghiêm trọng. Căn cứ theo những quy định cụ thể của pháp luật, những hậu quả gây ra sẽ có chế tài xử lý một cách cụ thể.
Xét nội dung sự việc xảy ra, căn cứ theo khoản 1, khoản 4, điều 14 Luật Người khuyết tật năm 2010. Cụ thể như sau: “Cấm kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật, xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật, lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.”
Mức xử phạt áp dụng trong trường hợp này từ 3.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng theo quy định tại điều 9 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Trong trường hợp này, theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em thì người khuyết tật có thể gửi đơn yêu cầu đến Thanh tra sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi anh B.S có hộ khẩu thường trú hoặc nơi làm việc để được giải quyết vấn đề trên.

Nguồn: baomoi.com
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song