Tự hào 10 năm là VĐV khuyết tật xuất sắc toàn quốc

Ngày đăng: 02/04/2021 - 811 lượt đọc

Trong gần 16 năm gắn bó với đường đua xanh, việc giành HCB Paralympic 2016, giữ vị trí số 1 châu Á các đường đua ngắn ở nhiều kỳ Asian Para Games, sở hữu bộ sưu tập hơn 200 tấm huy chương ở các giải thể thao người khuyết tật, 10 năm liền được bầu chọn là VĐV người khuyết tật xuất sắc toàn quốc…. là những thành quả xứng đáng cho nỗ lực không mệt mỏi trong hành trình theo đuổi đam mê của “ kình ngư vàng” Võ Thanh Tùng.

“Chỉ có giành huy chương mới viết nên lịch sử” - là câu khẩu hiệu lặp đi lặp lại của thầy trò huấn luyện viên (HLV) trưởng đội tuyển bơi người khuyết tật quốc gia Đổng Quốc Cường và vận động viên (VĐV) Võ Thanh Tùng khi tham gia Paralympic tổ chức tại Brazil năm 2016. Và quả thật, chính sự bản lĩnh, niềm đam mê và cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ đã ghi tên “chàng trai vàng” của làng thể thao khuyết tật Việt Nam trên bản đồ thể thao khuyết tật thế giới. Không chỉ tự viết kỳ tích cho bản thân, anh còn tự phá luôn kỷ lục châu Á do mình thiết lập.

Anh Võ Thanh Tùng (giữa) tại Lễ Trao thưởng, vinh danh VĐV, HLV tiêu biểu, VĐV, HLV thể thao người khuyết tật xuất sắc toàn quốc năm 2020.

Gặp Võ Thanh Tùng tại Lễ Trao thưởng, vinh danh VĐV, HLV tiêu biểu, VĐV, HLV thể thao người khuyết tật xuất sắc toàn quốc năm 2020, phóng viên khá bất ngờ bởi so với những hình dung trước đó, Tùng đẹp trai, đĩnh đạc, mạnh mẽ và đầy tự tin nhận phỏng vấn. Có lẽ, bao năm thăng trầm cũng thể thao đã giúp anh từ một người từng tự ti, rụt rè trở nên bản lĩnh như thế.

Bén duyên với môn thể thao bơi lội chuyên nghiệp từ năm 2005, trong giải bơi lội toàn quốc cùng năm ấy, Tùng đã xuất sắc giành 2 huy chương vàng (HCV), 1 huy chương bạc (HCB). Năm 2009, Tùng được gọi vào đội tuyển bơi lội Việt Nam, bắt đầu một chặng đường mới với nhiều vinh quang nhưng không ít thử thách.

Mười năm liên tiếp (từ năm 2010 - 2020) được bầu chọn là VĐV người khuyết tật xuất sắc toàn quốc, Thanh Tùng cảm thấy hài lòng về những thành tích mình đã đạt được trong suốt thời gian qua, đồng thời xác định bản thân vẫn phải không ngừng cố gắng và nỗ lực.

“Năm 2016, tại Paralympic tổ chức tại Brazil, giới chuyên môn quốc tế vốn không đánh giá cao thể thao khuyết tật Việt Nam nên dự đoán đội tuyển Việt Nam chỉ có thể đạt hạng 4 (HCĐ) mà thôi. Nhưng cả mình và thầy Đổng Quốc Cường lúc đó đều nói với nhau rằng cả hai đều phải nỗ lực, cố gắng hết mình, đem vinh quang về cho Tổ quốc.” – ánh mắt Tùng ánh lên một niềm tự hào khi kể về thành tích khiến anh nhớ nhất.

Paralympic - sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh dành cho VĐV khuyết tật - vốn là “sân chơi” của các đội rất mạnh như: Mỹ, Brazil, Pháp. Tùng kể, khi ấy nhìn trang bị cho VĐV của họ như đồ bảo hộ, đồ bơi chuyên dụng có thể giảm lực cản của nước là đã thấy có thể thấy ngợp. Thế nhưng trước mọi so sánh của VĐV các nước, “kình ngư đất Việt” 31 tuổi khi ấy đã có 6 năm thi đấu cho đội tuyển thể thao khuyết tật nước nhà thủng thẳng trả lời: “Trang bị cũng phần nào giúp cho VĐV tự tin hơn, nhưng hơn hết vẫn là tình yêu quê hương đất nước, sự cố gắng nỗ lực vì màu cờ sắc áo dân tộc, tôi thi với bạn bằng sự quyết tâm, nỗ lực của người khuyết tật Việt Nam”.

Có lẽ chính sự quyết tâm ấy đã giúp chàng trai Võ Thanh Tùng lập kỳ tích với HCB ở nội dung bơi 50m tự do, phá kỷ lục Châu Á tại Paralympic 2016 (chỉ để thua VĐV Daniel Dias nước chủ nhà Brazil 32 giây). Bấy nhiêu nỗ lực để thấy dù chỉ là bạc ở Rio nhưng nó không khác “vàng mười” ở giải Châu Á.

“Lúc mình được về nhì, khán giả cổ vũ rần rần, mình thấy lá cờ Tổ quốc được giơ cao khắp khán đài. Lúc đó mình hạnh phúc lắm, mình thấy tinh thần dân tộc lúc đó còn quý hơn cả tấm huy chương” - Tùng mỉm cười.      

Paralympics Rio 2016 là dấu mốc không bao giờ quên được trong cuộc đời của “kình ngư vàng”. Anh đem cái tên Rio đặt cho con trai đầu lòng như cách để luôn ghi nhớ và trân trọng những nỗ lực, quyết tâm trong những ngày tháng tuổi trẻ sống hết mình vì đam mê.

Từ năm 2009, khi được vào đội tuyển quốc gia, Tùng liên tiếp lập những chiến công lớn ở các giải quốc tế. Có thể kể tới bộ sưu tập lớn các huy chương anh thu được tại Đại hội Thể thao Người khuyết tật châu Á (Asian Para Games).

Từ chỗ giành về 1 HCV, 1 HCB tại kỳ đại hội Asian Para Games 2010, đến thời điểm 4 năm sau, Tùng lập kỳ tích, đưa thêm vào bộ sưu tập huy chương thêm 5 HCV và 2 kỷ lục của giải Asian Para Games 2014. Thành tích đó đưa tên tuổi Võ Thanh Tùng lên vị trí trang trọng của làng thể thao châu lục.

Sau tấm HCB tại Paralympic Rio 2016, Tùng tiếp tục khẳng định vị trí số 1 ở những nội dung bơi ngắn của châu lục khi tiếp tục có thêm 3 HCV, 2 HCB ở Asian Para Games 2018, phá 3 kỷ lục châu Á các nội dung 50m bơi ngửa nam, 100m tự do nam và 200m tự do nam.

Tại đấu trường khu vực, Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) Võ Thanh Tùng cũng là cái tên “gặt vàng” cho thể thao người khuyết tật Việt Nam. Chỉ tính riêng kỳ Para Games thứ 9 diễn ra tại Malaysia năm 2017, Tùng xuất sắc đạt 3 HCV và phá 2 kỷ lục Đông Nam Á.

Năm 2020 vừa qua là một năm đầy khó khăn không chỉ với thể thao, mà còn đối với nhiều ngành nghề trên toàn thế giới bởi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Vì dịch bệnh, rất nhiều sự kiện thể thao lớn nhỏ đều phải tạm hoãn.

Năm 2021, Paralympic trở lại tại Tokyo, Thanh Tùng cho biết anh và đồng đội đang tăng tốc luyện tập hết mình cho giải đấu. Dịch bệnh không làm giảm đi quyết tâm tập luyện của các VĐV trong suốt thời gian qua.

Hiện tại, Tùng thuộc quản lý của Trung tâm huấn luyện thể thao Đà Nẵng, nhưng anh xin về Cần Thơ tập luyện cho gần gia đình, đến thời gian thi đấu thì anh mới quay trở lại đội tuyển.

Anh tích cực tập luyện kiểu bơi sở trường: 50m bơi ngửa, 50m tự do, 100m tự do, đó là những cự ly tốt nhất để lấy thành tích trong thi đấu.  Bên cạnh việc tập luyện, anh cùng đồng đội vẫn luôn cố gắng cân bằng nghỉ ngơi, không tạo áp lực cho bản thân để có được tâm lý thoải mái nhất, trước khi bước vào đấu trường thế giới.

Kỳ vọng vào bản thân lần này, chàng trai mong muốn có được thành tích cao hơn, nhưng hơn hết là vẫn giữ vững phong độ, bảo toàn được ngôi nhì: “Bản thân mình thấy mình có kinh nghiệm và ngày càng nỗ lực hơn, chứ không hề bị xuống phong độ. Vì tuổi tác trong thể thao đã lớn, nên để giữ vững được huy chương trong thế vận hội lần này, mình cần phải nỗ lực hơn rất nhiều trong những bài tập, cũng như những lịch trình thi đấu sắp tới của bản thân.”

Võ Thanh Tùng của ngày hôm nay tự tin bước trên đôi chân giả.

Nếu không có cuộc "gặp gỡ định mệnh" cùng bơi lội gần 16 năm về trước, Tùng bảo, anh không thể hình dung nổi mình sẽ làm công việc gì khác. Lên 6 tuổi, Tùng mắc chứng teo chân. Ngay cả việc đi lại hay thậm chí là đứng bằng đôi chân mình, đối với Tùng cũng là khó khăn.

Miền quê sông nước An Giang sớm đã nuôi dưỡng tài năng bơi lội của cậu bé Tùng. Từ trên ghe, thuyền, Tùng đã quen với việc bơi lội, ngày ngày ngụp lặn, đánh cá, quăng lưới kiếm sống, phụ giúp gia đình. Và từ miền sông nước đó,  được sự "tiếp lửa" của các thầy, kình ngư vàng với sự quyết tâm cùng tinh thần dân tộc đã bước ra đấu trường thế giới, đem vinh quanh về cho thể thao người khuyết tật Việt Nam.

“Ngày đó Tùng mê cầu lông lắm, trong một lần, đọc báo thấy người ta tuyển chọn người khuyết tật tham gia giải Thể thao người khuyết tật tại Hà Nội năm 2005, nên mình mạnh dạn đến buổi tuyển chọn ở Cần Thơ để đăng ký thi cầu lông. Khi đến, người ta nói phải bỏ tiền ra mua đồ dùng để tập tầm hơn 1 triệu, nhưng ngày đó còn đang đi mò mẫm vừa học vừa sửa điện thoại thuê, không có tiền nên mình đành từ bỏ. Tình cờ, thầy Bùi Thanh Tâm mới hỏi mình có biết bơi không, rồi cho mình cơ hội xuống bơi thử. Thấy mình chưa được học về kỹ thuật bơi, nhưng sức bơi lại khá tốt, thầy chọn mình và tự bỏ tiền mua đồ tập bơi cho. Không phụ lòng thầy, năm đó cũng đạt được thành tích 3 HCV trong giải Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc. Những món đồ thầy cho, cơ hội thầy tạo chính là tiền đề để mình tiếp tục cố gắng đi chinh chiến các giải đấu lớn hơn”.

Sự nghiệp tưởng chừng vẻ vang là thế nhưng Thanh Tùng cho biết, quãng thời gian tính từ khi bắt đầu bước chân vào làng thể thao khuyết tật Việt Nam, anh đã phải trải qua khá nhiều khó khăn. Những lần đi thi đấu mà không có giải do chưa có nhiều kinh nghiệm đã khiến anh suy tư khá nhiều. Giữa những năm thể thao dành cho nguời khuyết tật còn nhiều khó khăn, các VĐV luyện tập không lương (giai đoạn từ năm 2005 đến trước năm 2016), Tùng vướng chấn thương bả vai, giãn dây chằng trong lúc tập luyện.

“Lúc bị chấn thương, mình đã từng xác định "mệt mỏi rồi thôi nghỉ", bỏ cuộc, tìm công việc khác để kiếm sống. Nhưng một lần, mình chứng kiến một bạn nữ khó khăn hơn mình đang ra sức tập luyện. Bản thân mình may mắn còn có thể đi đứng được, nhưng có những bạn không đi được, phải bỏ xe lăn để xuống nước tập luyện lúc 12 giờ trưa nắng nóng đỉnh điểm.

Nhìn bạn bơi, mình ở trên bờ, rớt nước mắt. Tùng nghĩ: "Người ta kém may mắn hơn mình, thành tích người ta chưa bằng mình, người ta cũng tập luyện không hề có chế độ, người ta đang cố gắng, phấn đấu để vào đội tuyển quốc gia, để có cơ hội đi thi đấu, còn bản thân mình là người trong đội tuyển, đã đạt được những thành tích nhất định rồi, mà bây giờ chỉ vì chấn thương mà quyết định bỏ cuộc liệu có đáng so với những kỳ vọng của đồng đội, của HLV và của mọi người dành cho mình hay không?” - giọng Tùng chùng xuống.

Sau lần đó, Tùng quyết định luyện tập để xin thầy Đổng Quốc Cường tiếp tục tham gia lại đội tuyển quốc gia. “Không được phép bỏ cuộc” trở thành khẩu hiệu quyết tâm của Thanh Tùng mà sau này mỗi lần nản chí, hay cần phấn đấu để đạt thành tích, anh lại tự nhủ để lấy lại động lực cho mình.

Gần 16 năm gắn bó với đường đua xanh, tham gia các giải đấu lớn nhỏ, khoảng thời gian được nghỉ phép trở nên quý giá, Tùng dành nó để ở bên gia đình nhỏ của mình. Năm 2020 vừa rồi, Tùng được mời tham gia chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt Nam, anh đã đưa mẹ từ Cần Thơ ra Hà Nội để cùng tham dự. Thanh Tùng chia sẻ: “Tùng và mẹ được chứng kiến rất nhiều những tấm gương khuyết tật, họ học tập và công tác ở những ngành nghề khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là họ tự tin, lạc quan, tích cực sống, cống hiến hết mình, tạo ra những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Từ chương trình ấy, mẹ cũng động viên mình rất nhiều bởi thấy mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người, vì thế cần phải nỗ lực, cố gắng hơn gấp bội lần, để mang về vinh quang cho Tổ quốc, niềm tự hào cho gia đình”.

Trước thềm giải đấu Paralympics Tokyo 2020 và ASEAN Para Games 11 cận kề, Tùng và đồng đội đang dành phần lớn thời gian mỗi ngày để tập luyện, chuẩn bị cho mình một sức khỏe và tâm thế tốt nhất khi luyện tập, chia sẻ với nhau cách để khắc phục tình trạng mỏi cơ...

Tùng chia sẻ: “Tham gia nhiều giải đấu nên tôi đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm về cách luyện tập. Hơn nữa, về dinh dưỡng, tôi và các VĐV luôn được bổ sung đầy đủ theo chế độ riêng của bác sĩ nên hoàn toàn đủ sức để tập các bài tập nặng do HLV đưa ra. Bên cạnh đó, các khu tập luyện được trang bị rất tốt về cơ sở vật chất, máy móc tập thể lực nên không lo việc tập sai cách hoặc quá sức nữa. Như vậy, các VĐV thành tích cao như chúng tôi chỉ cần tập trung tập luyện và giải tỏa tốt tâm lý của bản thân để hướng đến ngày thi đấu”.

Sau cuộc trò chuyện cùng chúng tôi, Võ Thanh Tùng bước lên sân khấu, nhận kỷ niệm chương VĐV, HLV thể thao người khuyết tật xuất sắc toàn quốc năm 2020. Niềm lạc quan, tích cực, cùng ý chí kiên cường Tùng truyền tải qua câu chuyện về hành trình 16 năm miệt mài bên đường đua xanh chính là cơ sở để chúng ta thêm tin trong năm 2021, “kình ngư” của bơi lội người khuyết tật Việt Nam sẽ còn vươn xa hơn, đạt được những thành công vang dội hơn ở những đấu trường lớn đang chờ anh trong năm 2021.

Nguồn: baotintuc.vn

Sưu tầm: Ngọc Song