Ứng dụng bản đồ hỗ trợ người khuyết tật

Ngày đăng: 13/08/2020 - 961 lượt đọc

Các nhân viên, tình nguyện viên khảo sát gần 14.900 địa điểm công cộng, thu thập dữ liệu về công trình hỗ trợ người khuyết tật để cập nhật trên bản đồ D.Map.
Theo đại diện Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) - đơn vị chủ quản ứng dụng bản đồ D.Map (Disability Map), app này hướng đến giúp người khuyết tật tìm kiếm, tiếp cận các công trình công cộng trên toàn quốc. Hiện ứng dụng cập nhật gần 14.900 địa điểm tại 29 tỉnh, thành, với hơn 1.130 người dùng thông qua hệ điều hành iOS, Android hoặc nền tảng website.

Người dùng có thể nắm thông tin về các hạng mục như lối vào có đường dốc cho xe lăn hay không. Hoặc cửa, bàn làm việc, thang máy, nhà vệ sinh, bãi đỗ xe hỗ trợ người khuyết tật tại các bệnh viện, quán ăn, trường học, cho đến ngân hàng, trung tâm thương mại, các địa điểm vui chơi giải trí, các cơ quan hành chính... "Chúng tôi muốn người khuyết tật có thể chủ động trong công việc và mọi hoạt động, chứ không phải nhóm người yếu thế luôn cần nhận sự hỗ trợ", anh Lâm Quốc Út, quản lý dự án D.Map cho biết.

Giao diện D.Map trên kho ứng dụng iOS.

D.Map phát triển trên nền tảng bản đồ giấy được DRD triển khai năm 2011-2012. Giai đoạn này, trung tâm triển khai nhiều hội thảo, lớp tập huấn cho cộng đồng người khuyết tật nâng cao kỹ năng sống và làm việc. Nhóm khảo sát đi khắp nơi tìm địa điểm tổ chức, nhưng rất ít công trình hỗ trợ cho xe lăn. Trong số 1.800 địa điểm tại quận 1, quận 3 và quận 10 (TP HCM), chỉ có 78 công trình công cộng tiếp cận người khuyết tật. "Các bạn vất vả tìm đến đến nơi, lại không thể vào trong. Một vài địa điểm tốt là hội trường khách sạn 5 sao với chi phí cao", đại diện DRD chia sẻ. 

Nhận thấy cần có giải pháp lưu thông tin công trình hỗ trợ người khuyết tật, TS Võ Thị Hoàng Yến - Giám đốc DRD đề xuất thực hiện bàn đồ giấy. Năm 2015, dự án kết nối với ĐH Hoa Sen và nhận tài trợ của tổ chức UNIID SEA, nhằm thiết kế một ứng dụng bản đồ thông minh. Những dòng code đầu tiên được viết bởi 4 sinh viên Khoa Công nghệ, ĐH Hoa Sen. 

Trong quá trình thu thập dữ liệu, DRD và các tình nguyện viên tiến hành khảo sát hàng nghìn công trình công cộng ở nhiều tỉnh, thành. "Nhiều địa điểm ở vùng sâu vùng xa, không có Internet, nên chúng tôi khó xác định tọa độ. Khi đến một số nơi khác, ban quản lý chưa hiểu mục tiêu của dự án nên không đồng ý cho DRD khảo sát", đại diện dự án nói.


Đại diện D.Map cùng Hội Người khuyết tật tỉnh Lâm Đồng.

Bên cạnh đó, hệ thống server chưa đủ lớn để lưu trữ hàng chục nghìn địa điểm cũng đặt ra thách thức cho đội ngũ D.Map. "Chúng tôi muốn nâng cấp phiên bản, nhưng đội code là thanh niên khuyết tật mới ra trường, chưa nhiều kinh nghiệm, nên đã nhận tư vấn, hỗ trợ từ một số chuyên gia IT giúp ứng dụng chạy trơn tru", đại diện DRD cho hay.

Để kết nối người dùng, dự án hướng dẫn cách sử dụng cho người khuyết tật ở Hà Nội, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Cần Thơ... Đồng thời khuyến khích người dùng đóng góp cho ứng dụng. Vào tháng 9/2017, USAID và DRD hướng dẫn tải D.Map cho người khuyết tật hai tỉnh Tây Ninh và Bình Định trong chương trình nâng cao năng lực, giúp họ hòa nhập cộng đồng.

Năm 2019, tổ chức UNDP tài trợ cho DRD thực hiện chương trình "Đồng hành cùng D.Map", trao voucher du lịch Singapore và Phú Quốc cho những người dùng cập nhật các hạng mục công trình trên ứng dụng. "Truyền thông trên mạng xã hội cũng là cách D.map mở rộng mạng lưới, lan tỏa đến người dùng", đại diện DRD nói thêm.


TS Võ Thị Hoàng Yến (hàng trên, thứ 3 từ trái sang) cùng đại diện dự án trong chương trình "Đồng hành cùng D.Map".

Hiện Trung tâm Khuyết tật và Phát triển tiếp tục cải tiến tính năng cho ứng dụng, giúp người dùng trải nghiệm thoải mái hơn. Ví dụ, sẽ thay màu của các hạng mục trên bản đồ, không chỉ dùng ký hiệu màu vàng như phiên bản hiện tại. D.Map dự kiến dùng màu xanh thể hiện cho công trình tiếp cận đủ 6 hạng mục hỗ trợ người khuyết tật. Những địa điểm ít hạng mục hơn sẽ lần lượt mang màu đỏ và vàng, giúp người dùng phân biệt rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, sẽ hướng tới tích hợp chức năng đọc màn hình giúp người khiếm thị có thể sử dụng app.

Song song, ứng dụng triển khai phiên bản tiếng Anh. DRD cũng hợp tác với tổ chức UNDP Lào nhằm đưa D.Map tiếp cận người khuyết tật ở quốc gia này, cũng như liên kết với cộng đồng người khuyết tật toàn cầu. "Mong muốn lớn nhất của đội ngũ phát triển D.Map là nâng cao nhận thức của xã hội trong xây dựng các công trình công cộng, mở rộng tỉ lệ hạng mục tiếp cận người khuyết tật trong tương lai", đại diện DRD nói.

Nguồn: vnexpress.net
Sưu tầm: Ngọc Song