Không đầu hàng số phận

Ngày đăng: 02/11/2020 - 968 lượt đọc

Không may bị liệt đôi chân do tai nạn giao thông, thế nhưng chị Lương Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội Người khuyết tật xã Tân Dân (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã không đầu hàng số phận. Với mong muốn giúp những người khuyết tật có thu nhập, giảm gánh nặng cho gia đình, đồng thời thêm tự tin hòa nhập cộng đồng, chị đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Sức sống xanh với thông điệp “nơi yêu thương tìm về”.

Với nhiều người dân ở xã Tân Dân, Lương Thị Minh Nguyệt đã không còn là cái tên xa lạ. Nhắc về chị, người dân nơi đây luôn dành sự kính phục vì sự vươn lên không ngừng của người phụ nữ di chuyển trên xe lăn phải nuôi 2 người con đang ở tuổi ăn, tuổi học.

Giọng ngậm ngùi, chị Nguyệt kể, cú ngã làm chị gãy xương khiến chị đang là một người bình thường thành một người tàn phế khi bị liệt tủy nửa người. Sau 6 tháng chị được ra viện nhưng chẳng thấy tiến triển gì mà cảm thấy nặng nề hơn. Đứng dậy không đứng được, chị biết rằng cơ hội phục hồi của mình rất là thấp.

Chị Lương Thị Minh Nguyệt.

 

“Khi bác sĩ thông báo cơ hội sức khỏe còn rất ít, chỉ được 30% và phải gắn với chiếc xe lăn suốt cuộc đời, tôi chỉ nghĩ tới các cách làm sao để mình chết. Lúc ở bệnh viện, có nhiều người giống mình, mình vẫn chưa nghĩ điều này. Nhưng khi về đến nhà chỉ còn có một mình, trong đầu chỉ nghĩ chết thôi. Cảm giác thấy mình đang mắc bệnh nan y, cuộc sống lúc nào cũng tối tăm. Nhiều khi nghĩ đến việc cầm dao cắt chân đi, máu chảy hết rồi sẽ chết”, chị Nguyệt chia sẻ.

Nhưng rồi nghĩ về những đứa con chị đã gắng gượng đứng dậy. Trong thời gian nằm trên giường bệnh, điện thoại là thứ bên cạnh và giúp chị quên đi nỗi đau. Chị nhận ra kinh doanh online là thứ phù hợp với sức khỏe của bản thân. Và khi công việc kinh doanh khởi sắc, chị tập hợp những người có cùng hoàn cảnh thành lập HTX Sức sống xanh để trao truyền cho nhau kinh nghiệm có thể nuôi sống bản thân. Họ đã cùng nhau bán hàng qua mạng, tiêu thụ các mặt hàng, như: tinh bột nghệ, mầm đậu nành, ngũ cốc dinh dưỡng, tinh bột sắn dây... của HTX và của người khuyết tật ở các đơn vị khác.

Chị Nguyệt cũng thường xuyên mở lớp đào tạo kỹ năng để các bạn có thể bán hàng qua mạng xã hội mà không cần phải đi đâu. Để quảng bá thương hiệu Sức sống xanh, chị đã xây dựng trang web hxtsucsongxanh.com, lập Page Facebook “Sức sống xanh” cũng như thường xuyên tham gia hội chợ. “Ở đó đào tạo bán hàng online, HTX nhập hàng và bảo trợ cho các thành viên khuyết tật bán. Tất cả các thành viên tham gia đều có nguồn thu nhập. Nhờ đó họ có niềm tin hơn với cuộc sống. Tôi nghĩ khiếm khuyết hay bất hạnh không phải là lý do để người ta chối từ cuộc sống này, mà nó là động lực để thúc đẩy người ta chấp nhận thay đổi chính mình cho phù hợp với cuộc sống mà thôi”, chị Nguyệt nói.

Cũng tại đây, với sự khéo léo và tính cần cù, những người thợ khuyết tật còn làm ra những bức tranh Phật đính đá. Những người lao động đặc biệt này cũng đã tạo thu nhập được 2 triệu đồng mỗi tháng. Như trường hợp anh Hoàng Văn Tính (sinh năm 1985, quê ở Hòa Bình) bị liệt đôi chân hay chị Đồng Thu Hương (sinh năm 1993, quê ở xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn) bị thiểu năng trí tuệ.

Kể về việc mở một hợp tác xã về sản phẩm sạch, chị Nguyệt cũng phải mất rất nhiều công sức để “thử nghiệm” các mô hình khởi nghiệp khác nhau. Ban đầu, chị vay vốn ngân hàng, tự đứng ra mở một trang trại chăn nuôi trên mảnh đất gia đình. Thế nhưng, vì sức khỏe yếu, thường xuyên phải đi viện và áp lực từ việc quản lý tại trang trại, chị Nguyệt đành phải bỏ giấc mơ của mình để tìm hướng khác. Sau đó, chị mở một hợp tác xã chuyên thu nhận, cung cấp các mặt hàng thực phẩm sạch và đặc sản vùng miền để bán online. Nhiệt huyết của chị đã tiếp thêm niềm tin cho những người đồng cảnh ngộ.

Có thể nói, với người bình thường, khởi nghiệp đã khó, nhưng với những phụ nữ khuyết tật như chị Nguyệt, điều đó càng khó hơn nhiều. Họ gặp khó khăn về sức khỏe, nguồn vốn, sự kỳ thị của mọi người vào sản phẩm mà họ làm ra. Thậm chí, ngay chính bản thân họ cũng có tâm lý tự ti, không dám khẳng định mình dù đã có ý tưởng khởi nghiệp. Chị Nguyệt chia sẻ: “Khiếm khuyết hay bất hạnh không phải là lý do để người ta chối từ cuộc sống này, mà nó là động lực để thúc đẩy người ta chấp nhận thay đổi chính mình để phù hợp với cuộc sống mà thôi”.

Với mong muốn truyền cho những người khuyết tật thêm niềm tin để khởi nghiệp, chị Nguyệt nhấn mạnh: “Để khởi nghiệp, người khuyết tật cần hòa nhập cộng đồng trước tiên phải có niềm tin cho bản thân. Niềm tin cho bản thân tức là không dựa vào người thân, mình tự làm cho mình sẽ chia sẻ được với người khác. Muốn đi xa cần phải có đồng đội, cùng nhau đoàn kết mới thành công. Tìm được hướng đi cụ thể, phù hợp với dạng khuyết tật của mình. Nếu điểm xuất phát còn thấp, phụ nữ khuyết tật có thể chia sẻ và nhờ sự hỗ trợ của hội phụ nữ, hội người khuyết tật... để vay vốn, định hướng khởi nghiệp thì chắc chắn sẽ thành công”.

Nguồn: suckghoedoisong.vn

Sưu tầm: Ngọc Song