Cuộc sống mới của chàng trai đầu tiên ghép tay người khác tại Việt Nam

Ngày đăng: 15/03/2021 - 1004 lượt đọc

Hơn 1 năm sau ca ghép tay lịch sử, cánh tay người đàn ông 51 tuổi sống tốt trên người của anh Vương giúp anh làm nhiều việc.

Cơ thể khiếm khuyết bỗng lành lặn trở lại

Có khách đến nhà, anh Phạm Văn Vương, 32 tuổi ở Thanh Trì, Hà Nội hồ hởi rót nước mời bằng 2 tay. Anh khoe, cánh tay mới giờ đã là một phần của cơ thể, cảm giác và cử động tốt hơn trước rất nhiều.

Nói đoạn, anh ra cửa quay xe máy rồi nổ máy đi bằng 2 tay, chở thêm cả cậu con trai lớn. Trước đây khi chỉ có một tay, anh phải loay hoay dắt xe hoặc nhờ người thân dắt hộ nhưng giờ anh có thể tự làm một mình.

Hàng ngày, anh tự đi xe máy đến bến xe bus cách nhà hơn 1km rồi bắt xe sang Hưng Yên làm việc. Anh bảo, từ ngày có thêm cánh tay mới, khi đi xe anh thấy tự tin và chắc chắn hơn hẳn.

Anh Vương tự tin rót nước mời khách bằng 2 tay 

Cách đây 5 năm, ở tuổi 27, anh Vương vĩnh viễn mất đi 1/3 cánh tay trái do tai nạn lao động tại nhà máy sản xuất bao bì kim loại.

Từ thanh niên khoẻ mạnh, anh đột ngột thành người tàn tật. Khi đó con trai đầu lòng của anh mới hơn 1 tuổi, vợ làm công nhân thu nhập bấp bênh. Hoàn cảnh ấy khiến người đàn ông trụ cột trong gia đình cảm thấy bất lực, tự ti dù bạn đời luôn động viên: “Anh cứ ở nhà vợ nuôi”.

Như thói quen, nhiều lúc anh giơ 2 tay ra để làm việc nhưng nhìn xuống thấy chỉ còn một bên, cảm gián chán chường, tuyệt vọng cứ thế xâm lấn, gặm nhấm anh cả trong giấc ngủ.

“Nhiều đêm tôi nằm vắt tay lên trán mà nước mắt cứ trào ra vì thấy tương lai phía trước mịt mù quá. Nghĩ không biết phải làm gì để nuôi vợ con”, anh Vương nhớ lại.

Thời điểm tháng 7/2016 khi phải cắt cụt cánh tay trái, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nói anh có thể được ghép tay khi tìm được người phù hợp. Nhưng rồi nhiều năm trôi qua không có hồi âm từ bệnh viện, anh cũng bẵng quên lời nói của bác sĩ.

Nghĩ không thể ở nhà mãi, sau 5 tháng ở nhà vợ nuôi, anh quay lại công ty cũ xin làm công việc sổ sách ở kho. Thu nhập thấp hơn nhiều nhưng vẫn được công ty tạo điều kiện, với anh là hạnh phúc vô ngần.

Tháng 8/2019, anh bất ngờ được bác sĩ gọi thông báo có trường hợp thanh niên 30 tuổi chết não hiến tặng tay, mẹ bệnh nhân đã đồng ý. Anh hồ hởi, khăn gói lên bệnh viện 2 ngày làm đủ xét nghiệm, mọi chỉ số đều phù hợp nhưng phút cuối, gia đình lại từ chối vì muốn thi thể con vẹn nguyên.

Hy vọng vụt tắt, anh Vương quay về với thực tại không vẹn nguyên. Tối 26 Tết (ngày 20/1/2020), anh Vương nhận được điện thoại của GS Nguyễn Thế Hoàng, Phó giám đốc Bệnh viện 108 thông báo đã có người hiến phù hợp, ngay hôm sau có thể nối tay.

Cùng xét nghiệm với anh Vương có một bệnh nhân người Nam Định, 35 tuổi cũng bị cắt cụt tay trái từ năm 2017. Tuy nhiên sau khi xét nghiệm, anh Vương là người phù hợp hơn.

Phần cánh tay trái bị cắt cụt của anh Vương (ảnh phải) và sau khi ghép

 

Quá hạnh phúc, cả đêm vợ chồng anh không thể chợp mắt, chỉ mong trời mau sáng để bắt xe đến bệnh viện với số tiền vét sạch được 18 triệu đồng.

Anh thực hiện ca ghép tay vào ngày 21/1, trở thành người đầu tiên được ghép tay tại Việt Nam và là ca ghép đầu tiên từ người cho sống trên thế giới.

Người hiến tặng anh một phần cánh tay là người đàn ông 51 tuổi, không may bị nát đoạn trên cánh tay trái do bị băng chuyền máy tải gạch cuốn vào. Bác sĩ đã nỗ lực mọi cách để cứu cánh tay dập nát nhưng vì nhiễm trùng, hoại tử quá nặng nên phải cắt bỏ.

Người đàn ông trung niên đồng ý hiến phần tay còn sử dụng được cho anh Vương nhưng cũng chưa từng tiết lộ với gia đình.

Tháng 1 vừa qua, anh Vương mới có cơ hội gặp lại ân nhân để nói lời cảm tạ. Khi thấy bàn tay chai sạn của mình trên cơ thể anh Vương, ông lặng đi vì xúc động.

“Từ lúc bác sĩ thông báo, tôi vẫn luôn hồi hộp, lo sợ lại bị hụt như lần đầu. Chỉ đến khi vào phòng mổ mới biết chắc chắn”, anh Vương nhớ lại.

Gần 11 tiếng sau ca mổ, anh mở mắt trong phòng hậu phẫu. Nhìn xuống cánh tay mới, anh lặng đi vài giây rồi bật khóc vì hạnh phúc khi thấy cơ thể mình đã lành lặn trở lại như một phép màu.

Không để phụ công người… tặng tay

4 tháng sau ghép là những ngày vợ chồng anh miệt mài tập luyện ở bệnh viện, vừa dùng thuốc, vừa tập phục hồi chức năng.

“Những ngày đầu, bàn tay không thể nắm được quả bóng bàn, thực sự lúc đó tôi thấy rất nản. Động lực lớn nhất để tôi tiếp tục kiên trì tập luyện là nghĩ đến bàn tay của người đã cho mình. Chú ấy đã tặng mình một phần thân thể thì mình phải cố gắng tập luyện để không phụ chú ấy, không phụ bác sĩ Hoàng và sau này còn chăm sóc vợ con, mọi người”, anh Vương chia sẻ.

Sau khi rời viện, anh Vương vẫn luyện tập chăm chỉ. Đi đâu anh cũng cầm theo quả bóng bàn, tranh thủ mọi lúc để tập như trong giờ nghỉ trưa, lúc trên xe bus…

Anh Vương kể, khi mới ra viện, cánh tay được ghép rất ít cảm giác, sờ vào nước nóng cũng như không, bấm cũng không đau, nhưng giờ bàn tay đã nhạy cảm hơn rất nhiều.

Anh khoe giờ có thể xách xô nước nhỏ giùm vợ bằng tay trái, tự mặc quần áo cho bản thân và cho 2 con trai, dọn cơm cùng vợ, bồng con chắc chắn bằng 2 tay…

Dù vậy, ca đại phẫu khiến anh giảm cân nhiều, bàn tay của người hiến lớn hơn, đậm màu hơn và ngắn hơn tay phải khoảng 4 cm do cánh tay người hiến bị hoại tử, phải cắt lọc nhiều.

Anh vẫn chưa thể cầm nắm các vật nhỏ hay thực hiện các thao táo linh hoạt nhưng bàn tay mới đã khiến cuộc sống của anh ý nghĩa trở lại.

“Trước đây tôi rất mặc cảm nên đi đâu cũng phải mặc áo có ống tay thật dài để che đi bàn tay bị mất. Giờ thì khác, tôi đã tự tin lại như xưa”, anh Vương hạnh phúc nói.

Hiện tại, đều đặn hàng tháng, anh Vương vẫn đến Bệnh viện 108 tái khám, xét nghiệm máu, lấy thuốc chống thải ghép, chi phí mỗi tháng mất 2 triệu đồng.

Nhớ lại ca ghép lịch sử, GS Nguyễn Thế Hoàng gọi đó là quyết định đầy bản lĩnh. Trong ghép chi thể đồng loại, khó nhất là ghép cổ tay và cẳng tay vì nơi đây có tới 43 cơ, 8 mạch máu lớn, vô số dây thần kinh phức tạp kèm gân, cơ, sụn, khớp… để điều khiển cử động vô cùng tinh tế của bàn tay, trong khi ghép chân đơn giản hơn rất nhiều.

Để thực hiện ca ghép, bác sĩ phải đối mặt cùng lúc 5 khó khăn: Thứ nhất là người hiến vô cùng hiếm; thứ hai là kĩ thuật rất khó; thứ 3 là thải ghép sau phẫu thuật phức tạp; thứ 4, phải chuẩn bị tâm lý cho bệnh nhân kỹ càng; thứ 5, quá trình tập vật lý phục hồi chức năng sau mổ đòi hỏi kiên trì, dài lâu.

Với riêng kỹ thuật ghép, bác sĩ thực hiện phải thành thạo cùng lúc 3 kĩ năng: Vi phẫu thuật, phẫu thuật tạo hình và chấn thương chỉnh hình.

Với trường hợp anh Vương, GS Hoàng đánh giá đã thành công bước đầu, tuy nhiên bệnh nhân cần tiếp tục tập luyện chăm chỉ trong 1 năm tới để bàn tay có thể vận động linh hoạt hơn.

Nguồn: vietnamnet.vn

Sưu tầm: Ngọc Song