Người khuyết tật vẫn khó ra đường mưu sinh

Ngày đăng: 19/04/2021 - 948 lượt đọc

Khảo sát tiếp cận của một tổ chức nghiên cứu cho thấy, trong hơn 15.000 công trình công cộng thì chỉ 2% là đáp ứng được các tiêu chuẩn tiếp cận dành cho người khuyết tật (NKT).

Hạ tầng không đạt chuẩn

Một ngày tháng 4, chị Thủy Tiên cùng các bạn trong nhóm NKT có dịp gặp gỡ và trò truyện cùng bà chủ của một quán cà phê nổi tiếng ở TP Bảo Lộc (Lâm Đồng). Sau khi nói chuyện và nghe kể về các khó khăn đi lại của NKT, ngay hôm sau, bà chủ quán đã làm ngay một con dốc thấp đạt chuẩn để xe lăn của NKT có thể chạy thẳng vào quán.

Chị Thủy Tiên chia sẻ: "Một con dốc mới được xây thay bậc tam cấp, một hành động thiết thực để hưởng ứng ngày Chăm sóc Người khuyết tật Việt Nam (18/4), đó là một điểm sáng của thành phố Bảo Lộc".

Tuy nhiên, đó chỉ là một hành động nhỏ lẻ từ một cá nhân có hiểu biết, nhận thức tốt. Còn nhìn chung, hệ thống công trình hạ tầng, giao thông hầu như chưa đáp ứng được tiêu chuẩn cho NKT tiếp cận, "từ chối" họ ra đường, tham gia các hoạt động của xã hội.

Điều  đáng nói, ngay cả các công trình công cộng như công sở, công viên, nhà hát, trường học… mà theo quy định bắt buộc phải tuân thủ các quy chuẩn cho NKT tiếp cận theo luật Xây dựng nhưng cũng không đảm bảo.

Từ năm 2016, Trung tâm Khuyết tật và phát triển (DRD) đã cho ra mắt DMap, một ứng dụng bản đồ tiếp cận dành cho NKT. DRD đã kêu gọi hàng ngàn tình nguyện viên tải ứng dụng này về, đi khảo sát các công trình công cộng và đánh giá công trình này có các hạng mục cho NKT tiếp cận được hay không. Nhờ đó, NKT có thể biết được công trình nào họ có thể đến, nơi nào họ không thể vào. Kết quả khảo sát đến nay cho thấy con số đáng thất vọng.

Tiến sĩ Võ Thị Hoàng Yến (Giám đốc DRD, Phó chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam), cho biết: "Khảo sát tiếp cận của DRD qua DMap cho thấy trong hơn 15.000 công trình công cộng thì chỉ 2% là đáp ứng được các tiêu chuẩn tiếp cận".

Thực tế đó cho thấy các công trình xây dựng, giao thông… tại Việt Nam (kể cả các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM) còn rất "xa cách" với NKT vì nó không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật cho NKT tiếp cận.

Tiến sĩ Võ Thị Hoàng Yến nêu nhiều ví dụ như bậc tam cấp vào các tòa nhà quá cao, chưa có lối đi dành riêng cho NKT, không có thềm cho xe lăn NKT đi lên vỉa hè, trên vỉa hè không có gờ dẫn hướng cho người khiếm thị…

Các chướng ngại này khiến NKT không thể đến tham gia các hoạt động tại đây, không thể ra đường để học tập nâng cao trình độ, làm việc để mưu sinh…

Gờ dẫn hướng cho người khiếm thị chỉ có trên vỉa hè ở vài tuyến đường trung tâm thành phố.

Để NKT không bị bỏ lại phía sau

Không chỉ hệ thống hạ tầng, các công trình xây dựng - giao thông… không đáp ứng đủ tiêu chuẩn xây dựng cho NKT tiếp cận. Đến chính tư duy thực hiện chính sách hỗ trợ NKT ở nhiều nơi, nhiều người vẫn chưa được phát huy đầy đủ, có sự nhầm lẫn giữa lòng thương hại với trách nhiệm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NKT. Sự việc nhân viên xe buýt không cho NKT lên xe lan truyền trên mạng xã hội vào ngày 8/4 vừa qua là một minh chứng rõ ràng.

Theo đó, vào ngày 8/4, tiếp viên xe buýt mang biển kiểm soát 51B-31100 chạy tuyến số 8 đã kiên quyết từ chối phục vụ hành khách khuyết tật, không cho người này lên xe. Sau một lúc đôi co giữa hành khách khuyết tật và tiếp viên xe buýt, một hành khách khác đã hỗ trợ hành khách khuyết tật 100.000 đồng để đón xe khác.

Xe buýt cho NKT cũng là một vấn đề được các cơ quan báo chí phản ánh rất nhiều lần nhưng chưa được cải thiện nhiều.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Cử, Phó giám đốc DRD, cho rằng: "Ở đây đã có sự phân biệt đối xử với NKT. Cụ thể, nếu tiếp viên xe buýt giải quyết sự việc dựa trên quan điểm mọi người đều bình đẳng như nhau, NKT cũng có quyền đi xe buýt thì sẽ tìm mọi cách để hỗ trợ NKT như nhờ hành khách mang xe lăn lên, hoặc khiêng cả xe lăn và người lên thay vì tìm lý do để từ chối phục vụ".

"Cũng giống như tiếp viên, việc có hành khách cho 100.000 đồng để NKT xuống xe đi taxi cũng là một hình thức phân biệt đối xử. Tôi xin khẳng định việc làm này xuất phát từ ý tốt, nhưng nếu họ nghĩ rằng NKT cũng có quyền được phục vụ như những hành khách khác thì sẽ thuyết phục tiếp viên cho NKT lên xe chứ không phải cho tiền để đi xe khác", ông Cử phân tích thêm.

Chính tư duy "thương hại" dẫn đến việc nhiều đơn vị, tổ chức nghĩ rằng việc tuân thủ các quy định xây dựng theo quy chuẩn cho NKT tiếp cận là sự ban ơn, tùy tâm. Trong khi đó, đây là quy định pháp luật bắt buộc thực hiện nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của NKT theo chính sách của Nhà nước.

Theo tiến sĩ Hoàng Yến, tỉ lệ công trình đạt chuẩn cho NKT tiếp cận quá ít dẫn đến việc NKT ngại ra đường, đến các địa điểm công cộng vì họ không biết mình có thể sinh hoạt thuận lợi tại nơi đó hay không. Việc này sẽ hạn chế khả năng hòa nhập xã hội và phát triển bản thân của NKT.

Bà Võ Thị Hoàng Yến cho rằng: "Mặc dù nhà nước đã ký và phê duyệt công ước Liên hiệp quốc về quyền của NKT, ban hành luật Người khuyết tật Việt Nam và bộ quy chuẩn xây dựng quốc gia đảm bảo NKT tiếp cận năm 2014, tuy nhiên, NKT vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi đến các địa điểm công cộng".

Điều đó cho thấy việc thực thi chính sách và cơ chế giám sát việc thực thi vẫn chưa đảm bảo để luật đi vào cuộc sống. Bà Hoàng Yến nhấn mạnh: "Cứ hỏi trực tiếp người thụ hưởng chính sách và luật thì sẽ rõ những bất cập ngay. Những người quyết định chính sách và thực hiện chính sách phải thay đổi tư duy: không phải "cho" mà là thực thi "quyền"!".

Do đó, bà đề nghị khi thực hiện và giám sát việc thực hiện các chính sách liên quan đến NKT nên có sự tham gia của chính các tổ chức, cá nhân NKT. Bà cho rằng: "Nếu không trao quyền giám sát chuyện thực thi cho chính NKT thì chắc là đến hết thời gian thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030, đại đa số NKT vẫn còn bị bỏ lại phía sau!".

Nguồn: dantri.com.vn

Sưu tầm: Ngọc Song