Công bằng, cho đến thời điểm hiện tại, chưa rõ nguồn nhiễm bệnh này từ đâu và việc nhiễm sán lợn cũng không lạ. Tuy nhiên, với con số hơn 200 em mắc bệnh so với khoảng 2.000 người đến khám thì tỉ lệ này rất đáng lo ngại bởi lên tới trên 10%.
Dẫu chưa rõ nguyên nhân, song riêng với vụ Trường mầm non Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh cho học sinh ăn thịt lợn mà theo quan sát qua hình ảnh nổi nhiều hạch sán (lợn gạo) thì không thể không căm giận và lo ngại.
Căm giận bởi họ (ở đây là công ty cung cấp thức ăn và cả Ban giám hiệu, đứng đầu là hiệu trưởng) táng tận lương tâm, chỉ vì lòng tham mà làm hại trẻ thơ.
Tuy nhiên, sâu xa hơn là làm thế nào để không còn xảy ra hiện tượng này nữa mới là quan trọng. Nhìn từ góc độ phán đoán, có thể có ba khả năng dẫn đến tình trạng các em học sinh không được cung cấp thực phẩm sạch.
Thứ nhất, đó là giá cả. Nếu một bữa ăn chỉ khoảng trên dưới 10 ngàn đồng chẳng hạn, thì với giá cả hiện nay, rất khó đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng.
Thứ hai, lòng tham vô đáy của những công ty cung cấp thức ăn. Họ, chỉ vì ham rẻ mà nỡ mua thực phẩm bẩn, thực phẩm ôi thiu và nguyên nhân thứ ba, hoàn toàn có thể họ cũng là đồng phạm của vụ ăn chia mà ở đây là phần trăm hoa hồng có thể được chia chác cho nhà trường, có thể là phòng giáo dục hoặc cao hơn nữa…
Tóm lại, dù với bất cứ lý do gì thì không thể không nói đến trách nhiệm của ban giám hiệu nhà trưởng, công ty cung cấp thức ăn bởi cho trẻ ăn thực phẩm bẩn, thịt lợn gạo là hành vi tàn độc, một tội ác không thể dung tha.
Tuy nhiên không dừng ở đó, theo phản ánh từ báo chí, những phụ huynh tố cáo vụ việc ở Bắc Ninh còn bị những người lạ mặt tìm đến đe dọa.
Ngay trong thôn Thanh Hoài, chị Nguyễn Thị L. từng bị 2 thanh niên tìm đến cửa hàng trực tiếp đe doạ. Một số chị em chia sẻ thông tin lên facebook cũng nhận được tin nhắn gợi ý phải gỡ bỏ hoặc bị uy hiếp.
Hành động của những người này “trời không dung, đất không tha”, song trước khi trông chờ vào “trời đất”, mong rằng Công an Bắc Ninh sẽ khẩn trương điều tra, làm rõ và sớm đưa những “lương tâm đen tối” ra xét xử.
Và sâu xa hơn nữa, vấn đề an toàn thực phẩm trong các bữa ăn tại nhà trường cần phải có những biện pháp kiểm tra, kiểm soát mạnh mẽ hơn, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.
Không được phép phó mặc số phận trẻ thơ cho những kẻ lòng lang, dạ thú!
Theo Dân Trí
Nguyễn Triệu (st)