Thủ tướng nhất trí tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 ít nhất đến 22/4 tại một số địa phương

Ngày đăng: 16/04/2020 - 492 lượt đọc

Chiều 15/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đó, có sơ kết việc thực hiện Chỉ thị 16 và đưa ra các quyết sách mới.

Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho rằng đây là quyết định khó khăn, hiện trong dư luận có một số ý kiến về việc tiếp tục kéo dài thực hiện cách ly xã hội trong một thời gian nữa và cũng có ý kiến mong chờ “tháo ngòi” Chỉ thị 16 để tiếp tục làm ăn.

Cho biết đã lắng nghe thông tin đại chúng và ý kiến của nhóm chuyên gia, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về thời điểm và cách thức để đưa các hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân trở lại bình thường vào “lúc nào, hoạt động thế nào” và việc phân loại 3 nhóm địa phương, bắt buộc đối với địa phương nào phải cách ly nghiêm ngặt, những ngành lĩnh vực nào sẽ được mở cửa, được làm với điều kiện gì.

Nhấn mạnh việc đưa ra chủ trương, biện pháp, lộ trình, Thủ tướng cho rằng, sự bình tĩnh, chặt chẽ là hết sức quan trọng lúc này. Không được sai lầm để dịch bệnh quay lại nước ta. Mọi ý kiến đều phải tính toán, cân nhắc.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia, từ ngày 1-14/4/2020, Việt Nam ghi nhận thêm 59 trường hợp mắc mới (chỉ bằng 40% so với 2 tuần trước đó), trong đó có 30 trường hợp tại khu cách ly và 29 trường hợp tại cộng đồng (chiếm gần 50% tổng số mắc).

Trong 14 ngày vừa qua kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng về thực hiện cách ly xã hội, 3 ngày đầu tiên (từ 1-3/4) ghi nhận 30 trường hợp mắc mới, sau đó chỉ ghi nhận số mắc mới trong khoảng từ 1-5 trường hợp mỗi ngày.

Đáng lưu ý, ghi nhận ổ dịch mới tại thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội với 12 trường hợp mắc (2 trường hợp được phát hiện trong khu vực khoanh vùng, cách ly tại thôn Hạ Lôi), dự báo trong những ngày tới có thể ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới tại cộng đồng, đặc biệt tại một số tỉnh có nguy cơ cao, thuộc khu vực đô thị có mật độ dân cư đông.

Về xu hướng dư luận, chủ yếu theo 3 nhóm ý kiến: (1) Khẳng định việc thực hiện cách ly xã hội trong thời gian qua là cần thiết và đã phát huy hiệu quả cao trong công tác phòng dịch; (2) việc thực hiện cách ly trong thời gian qua được sự đồng thuận nhất trí cao của mọi tầng lớp nhân dân; (3) trong thời gian tới đề nghị tiếp tục thực hiện cách ly xã hội nhưng xem xét điều chỉnh ở mức độ phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương và yêu cầu của công tác phòng chống dịch bảo đảm thực hiện tốt cả hai nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Ban Chỉ đạo thống nhất việc phân loại các địa phương thành 3 nhóm: Nhóm có nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp để có biện pháp phòng chống dịch phù hợp tương ứng.

Có 4 hoạt động lớn khác biệt giữa 3 nhóm là: Việc ra khỏi nhà theo các mức độ yêu cầu; việc mở các cửa hàng không thiết yếu theo mức độ; việc vận chuyển bằng các phương tiện công cộng; việc tập trung đông người.

Tại cuộc họp, các kiến nghị của Ban Chỉ đạo đã được Thường trực Chính phủ thảo luận. 

Sau gần 3 tiếng lắng nghe các ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng bày tỏ trân trọng cảm ơn toàn dân đã khắc phục khó khăn, ủng hộ, thực hiện nghiêm chủ trương cách ly toàn xã hội; biểu dương những tấm lòng nhân ái, tấm gương người tốt việc tốt trong phòng chống dịch; đánh giá cao sự đóng góp của các nhà khoa học, nhà hảo tâm cũng như các cấp, các ngành, địa phương, loại hình doanh nghiệp trong phòng chống dịch cũng như bảm đảm sản xuất, kinh doanh để có mức tăng trưởng trong quý I.

Mặc dù đạt được thành tích nhất định, nhưng trên thế giới, dịch bệnh vẫn hoành hành, số người nhiễm và tử vong tăng cao; trong nước tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong xã hội. Thủ tướng nêu rõ, chúng ta không được lơi lỏng, chủ quan, không được phép lơ là, mất cảnh giác.

Nhấn mạnh tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Nếu làm điều gì khinh suất, bị động, sẽ xóa đi thành quả to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong thời gian qua.

Tuy nhiên, cũng cần có biện pháp thận trọng, phù hợp để từng bước đưa nhịp sống trở lại. Thủ tướng nêu rõ, sẽ có Chỉ thị mới để triển khai các chủ trương, biện pháp cụ thể.

Chiến lược phòng, chống dịch hiệu quả và bền vững dựa trên cơ sở duy trì được sự liên tục của hoạt động kinh tế ở mức độ nhất định, chuẩn bị khởi động lại nền kinh tế trên cơ sở chống dịch thành công.

Kiên định các chiến lược đề ra là ngăn chặn, phát hiện nhanh, cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để và điều trị hiệu quả với mục tiêu bao trùm là kiềm chế, kiểm soát tốc độ lây nhiễm ở mức thấp nhất, hạn chế tử vong, đồng thời giảm thiểu tác động đến kinh tế-xã hội.

Trong chỉ đạo, cần từng bước giảm dần các biện pháp giãn cách xã hội một cách thận trọng, đồng bộ, có bước đi phù hợp với hoàn cảnh của mỗi tỉnh, thành phố, mỗi địa phương, để vừa phòng chống dịch hiệu quả tích cực, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Với tinh thần đó, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia về phân loại nguy cơ dịch bệnh giữa các địa phương dựa trên một số tiêu chí như các phân tích dịch tễ học, tình hình dịch bệnh hiện nay, khả năng ứng phó, đặc điểm dân số, giao thông, có nhiều người nước ngoài đến, có nhiều ca lây nhiễm…

Đồng ý phân loại thành 3 nhóm: Nhóm có nguy cơ cao, nhóm có nguy cơ và nhóm có nguy cơ thấp. Các nhóm này không phải bất biến. Cuộc họp sau sẽ xem lại các nhóm này để điều chỉnh phù hợp.

Nhóm có nguy cơ cao gồm 12 địa phương: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Tĩnh.

Thủ tướng nêu rõ, 10 tỉnh, thành phố và 2 đô thị trung tâm nói trên sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22/4 hoặc 30/4, tùy tình hình cụ thể về lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Cũng có thể trong phiên họp tới, bổ sung một số địa phương vào nhóm này nếu xảy ra tình trạng lây nhiễm.

Tuy là nhóm có nguy cơ cao nhưng nhóm này cũng cần quan tâm đến sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, giao thông.

Với nhóm nguy cơ gồm 15 địa phương là Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Thái Nguyên, Thừa Thiên-Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, kết hợp thực hiện tốt Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 đến ngày 22/4. Quyết định tiếp theo sẽ được đưa ra vào ngày 22/4 tùy vào tình hình dịch bệnh.

Nhóm nguy cơ thấp gồm 36 địa phương còn lại tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 15 của Thủ tướng.

Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể việc thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp áp dụng cụ thể trên địa bàn của mình một cách phù hợp, nghiêm túc theo các cấp độ.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố sẽ quyết định cụ thể cơ sở kinh doanh dịch vụ cần đóng cửa; chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ các dự án, công trường, cơ sở sản xuất kinh doanh và yêu cầu ngừng sản xuất kinh doanh nếu cơ sở không đảm bảo việc phòng lây nhiễm COVID-19.

Như vậy, lãnh đạo các địa phương sẽ quyết định đóng cửa các cơ sở kinh doanh chưa cần thiết, kể cả với nhóm nguy cơ và ít nguy cơ.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn quyết định việc có thể kéo dài thực hiện Chỉ thị 16, “nếu thấy rằng cần phải áp dụng mạnh mẽ chuyện này”. 

Việc thực hiện cách ly xã hội có thể theo quy mô cấp xã, huyện, tùy theo nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn.

Thủ tướng yêu cầu các ngành chức năng xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm các quy định phòng chống dịch. 

Tiếp tục kéo dài chính sách kiểm soát xuất nhập cảnh như hiện nay cho đến 30/4. Xem xét giải quyết cho những người Việt Nam ở nước ngoài có yêu cầu cấp thiết và hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về nước. Duy trì cách ly tập trung bắt buộc đối với người từ nước ngoài vào Việt Nam.

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trực tuyến: Học trực tuyến, thanh toán trực tuyến…; khuyến khích cán bộ làm việc tại nhà. Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và người đứng đầu các cơ quan nhà nước quyết định cụ thể việc này để đảm bảo công việc thông suốt, chất lượng, đúng kế hoạch, nhất là những công việc có thời hiệu, thời hạn. 

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị 15, 16, tránh tình trạng đua xe, tụ tập đông người, không để bất cứ nhóm chống đối nào quậy phá, xử lý nghiêm các vi phạm nhằm răn đe.

Bộ Y tế hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng 63 đội phản ứng nhanh đối với 63  tỉnh, thành phố để khả năng ứng phó kịp thời hơn. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất kế hoạch học tập của học sinh, sinh viên trong cả nước và kế hoạch thi cử, báo cáo Thường trực Chính phủ trên tinh thần đảm bảo an toàn cho học sinh. 

Các cơ quan báo chí, truyền thông cần tiếp tục phổ biến, hướng dẫn người dân những kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình và gia đình mình, phản ánh đầy đủ bức tranh của toàn bộ cuộc sống, tránh đưa tin gây tâm lý chủ quan trong nhân dân, vì phía trước chúng ta còn nhiều gian nan, kể cả chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội. 

Thủ tướng yêu cầu thực hiện ngay gói an sinh xã hội với tinh thần cứu trợ như cứu hỏa, không thể để chậm trễ hơn vì người lao động đang rất khó khăn, không vì thủ tục mà kéo dài việc hỗ trợ.

Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ soạn thảo một chỉ thị mới trình Thủ tướng Chính phủ trên các tinh thần nêu trên.

Nguồn: mnews.chinhphu.vn

Sưu tầm: Ngọc Song