Phòng nguy cơ cục máu đông, di chứng thần kinh hậu COVID-19 bằng y học cổ truyền

Ngày đăng: 01/04/2022 - 1003 lượt đọc

Rất nhiều người bị hậu COVID-19 bị ho, tức ngực, hụt hơi, khó thở, hay quên, rối loạn giấc ngủ… Không chỉ vậy, hậu COVID-19 còn làm tăng nguy cơ cục máu đông và các bệnh về não…

1. COVID-19 làm tăng nguy cơ cục máu đông

Cục máu đông là nguyên nhân chính dẫn đến tai biến mạch máu nãonhồi máu cơ tim gây đột quỵ ở một số người.

Một số người bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim trong vòng vài tuần hoặc vài tháng sau khi khỏi COVID-19 do di chứng cục máu đông, dù trước đó họ không bị bệnh tim mạn tính hay có các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch như đái tháo đường, thừa cân, béo phì, tăng huyết áp

1.1 Nguyên nhân gây cục máu đông

Nguyên nhân được xác định là do phản ứng miễn dịch kéo dài trong mạch máu sau khi hồi phục. Khi tiến hành xét nghiệm máu của những người đã âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng một tháng, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, họ có số lượng tế bào mạch máu bị tổn thương, được gọi là tế bào nội mô tuần hoàn, trôi nổi trong máu nhiều gấp đôi người khỏe mạnh. Nhiều tế bào mạch máu bị hư hại này cũng được tìm thấy ở những bệnh nhân hậu COVID-19 mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp hoặc đái tháo đường.

Cục máu đông là nguyên nhân gây đột quỵ.

Ngoài các dấu hiệu tổn thương mạch máu, các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra trong cơ thể những người bị hậu COVID-19 có rất nhiều cytokine (protein gây viêm) được sản xuất bởi các tế bào miễn dịch. Cytokine quá mức sẽ không phân biệt được đâu là ta đâu là địch gây tổn thương các cơ quan. Các nhà khoa học cũng tìm thấy số lượng tế bào miễn dịch T cao bất thường, giúp tiêu diệt virus, mặc dù trên thực tế virus đã biến mất.

Hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức là nguyên nhân góp phần làm tổn thương mạch máu ở một số bệnh nhân hậu COVID-19. Điều này có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Đây là căn nguyên của một số biến chứng nghiêm trọng như tai biến mạch máu não.

Cục máu đông có thể gây tắc mạch máu não, làm gián đoạn lưu lượng máu và dẫn đến đột quỵ. Trường hợp cục máu đông chỉ tạm thời làm giảm lưu lượng máu đến não và ngăn chặn nguồn cung cấp máu đến một phần của não, bệnh nhân sẽ gặp phải cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua. Ngoài ra, cục máu đông còn có thể gây tắc mạch ở phổi, mạch vành, tứ chi, thận…

1.2 Xử trí bằng y học cổ truyền

Hoạt huyết là phương pháp điều trị giúp ngăn ngừa và làm tiêu huyết khối (cục máu đông) trong y học cổ truyền.

Đối với bệnh nhân hậu COVID-19 cần dùng thêm thuốc hoạt huyết để ngăn ngừa cục máu đông, từ đó sẽ giảm nguy cơ đột quỵ.

Một số loại dược liệu có tác dụng hoạt huyết có thể kể đến như: Tam thất, sâm Ngọc Linh, khương hoàng, uất kim, đào nhân, hồng hoa, địa long, đương quy, đan sâm, lá bạch quả, đinh lăng…

Các vị thuốc này thường được kết hợp với các vị thuốc bổ huyết, hành khí huyết phận, để tạo thành những bài thuốc hoạt huyết, bổ huyết có thể dùng cho bệnh nhân hậu COVID-19 giúp ngăn ngừa cục máu đông.

Ngoài dùng thuốc, các phương pháp châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, chườm thảo dược của y học cổ truyền cũng có tác dụng thông kinh lạc, hành khí hoạt huyết… có thể kết hợp thêm để tăng cường hiệu quả lưu thông khí huyết, chống cục máu đông gây đột quỵ.

2. COVID-19 gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh

SARS-CoV-2 làm tổn thương dây thần kinh khứu giác ở mũi và những dây thần kinh khứu giác này lại rất gần não, có liên hệ mật thiết với não, rất có thể các virus sẽ thông qua đó đi lên não và gây ra các di chứng về thần kinh.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Vương quốc Anh (2022), SARS-CoV-2 có liên quan đến những thay đổi trong cấu trúc não, có bằng chứng rõ ràng về những bất thường liên quan đến não trong COVID-19. Các kết quả hình ảnh não của các bệnh nhân mắc COVID-19 tham gia nghiên cứu này có thể là dấu hiệu của sự lây lan thoái hóa của bệnh qua các con đường khứu giác, các sự kiện viêm thần kinh hoặc mất cảm giác đầu vào do chứng thiếu máu.

Có nhiều cách mà COVID-19 có thể gây hại cho não: Virus có thể gây viêm não, đột quỵ và thiếu oxy lên não...

2.1 Một số bệnh về thần kinh liên quan đến COVID-19

Rối loạn chức năng thần kinh

Việc rối loạn chức năng thần kinh đã được báo cáo là các triệu chứng ban đầu thường gặp ở bệnh nhân COVID-19, xảy ra ở hơn 80% bệnh nhân. Dễ nhận thấy nhất là rối loạn chức năng khứu giác, vị giác… những triệu chứng này đã từng được coi là biểu hiện để nhận biết nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trong một loạt bệnh nhân COVID-19 được thống kê cho thấy có khoảng 44% bệnh nhân bị ảnh hưởng đã phục hồi chức năng khứu giác trong vòng 8-10 ngày sau khi hết các triệu chứng khác của bệnh. Hơn 80% bệnh nhân COVID-19 bị rối loạn chức năng thần kinh.

Tổn thương não, viêm não và viêm tủy não lan tỏa cấp tính

Tình trạng hạ oxy máu (SPO2 <95%) gặp phổ biến ở bệnh nhân COVID-19 nặng, có thể gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa và các vấn đề về não.

Ở một số bệnh nhân đã tử vong do không chống chọi được với COVID-19 và bị bệnh não. Khám nghiệm tử thi cho thấy tổn thương thiếu máu cục bộ cấp tính ở tất cả các bệnh nhân và bệnh nhân có bệnh lý thần kinh mạn tính như bệnh Alzheimer, xơ cứng động mạch.

Các biểu hiện viêm não ở bệnh nhân COVID-19 có thể gặp như mê sảng, kích động, có bệnh nhân lại buồn ngủ và giảm ý thức. Các triệu chứng về tủy sống như tăng phản xạ, phản ứng của cơ kéo dài, triệu chứng co giật cũng được mô tả ở bệnh nhân COVID-19.

Đã ghi nhận một vài trường hợp bệnh nhân COVID-19 có tình trạng viêm não tủy lan tỏa cấp tính. Bệnh nhân xuất hiện chứng khó nuốt, rối loạn tiêu hóa, co giật, giảm ý thức, có thể liệt mềm, đại tiểu tiện không tự chủ. Các bệnh nhân này đều có dịch não tủy bình thường và cường độ tín hiệu cao trên hình ảnh cộng hưởng từ (MRI), là các dấu hiệu điển hình của viêm não tủy lan tỏa cấp tính.

Hội chứng Guillain-Barré

Hội chứng Guillain-Barré (bệnh viêm đa cơ cấp tính) đặc trưng bởi tình trạng tiến triển nhanh, đối xứng, khó cử động khi thăm khám, kèm theo các triệu chứng về cảm giác ở một số bệnh nhân. Đã có nhiều bệnh nhân COVID-19 mắc hội chứng Guillain-Barré hoặc các biến thể của nó được báo cáo. Một số bệnh nhân bị yếu chân hoặc cả tứ chi, có hoặc không mất cảm giác. Một số bệnh nhân khác lại bị tổn thương dây thần kinh mặt, khó nuốt.

Hội chứng sương mù não

Nhiều bệnh nhân sau khi hết bệnh COVID-19 gặp phải hội chứng sương mù não với một số  triệu chứng khó chịu: Mệt mỏi, kém tập trung, thiếu minh mẫn... Từ đó, chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng, học tập và làm việc kém hiệu quả, dễ xúc động, dễ cáu gắt khó chịu... Nếu để kéo dài tình trạng này mà không được điều trị, có thể gặp các tình trạng sức khỏe nguy hiểm khác.

2.2 Xử trí bằng y học cổ truyền

Tăng cường tuần hoàn não: Y học cổ truyền có những vị thuốc có tác dụng tăng cường tuần hoàn não, ích trí, trấn kinh, an thần như lá bạch quả, xuyên khung, đinh lăng, tam thất, nhân sâm, sâm Ngọc Linh, viễn chí, rau đắng biển, liên tâm, phục thần… cũng như các bài thuốc tốt cho thần kinh hay những bài thuốc giúp phục hồi các vấn đề thần kinh.

Tốt nhất bệnh nhân nên gặp thầy thuốc để được thăm khám cụ thể, qua đó sẽ có được pháp điều trị và phương thuốc phù hợp với từng thể bệnh.

Châm cứu, cấy chỉ, trị liệu vật lý: Châm cứu hoặc cấy chỉ tác động đến các huyệt vị vùng cổ gáy và đầu giúp tăng tuần hoàn não, từ đó cải thiện chức năng não bộ. Vật lý trị liệu đả thông kinh lạc, xả độc tố, tăng cường sức khỏe cũng giúp cải thiện tinh thần và chức năng não bộ. Các trường hợp bị liệt có thể châm cứu, cấy chỉ, vật lý trị liệu để phục hồi chức năng sớm.

Ngoài ra, để giúp phòng chống và cải thiện các vấn đề thần kinh chúng ta có thể áp dụng một số phương pháp có tác dụng cải thiện sức khỏe não bộ và nhận thức sau:

Bổ sung vitamin và khoáng chất: Có thể sử dụng các vitamin nhóm B, vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin E, sắt, magie, kẽm… Những loại vitamin và khoáng chất này giúp tăng cường chức năng của não;

Luyện tập thể chất: Giúp cải thiện tinh thần và tăng lưu lượng máu lên não tốt, hãy tập thể dục mỗi ngày 30 phút, lựa chọn bài tập và cường độ tập phù hợp với thể lực của mình;

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: Bao gồm dầu ô liu, trái cây và rau, các loại hạt và đậu, ngũ cốc nguyên hạt. Những thực phẩm này đã được chứng minh là có tác dụng cải thiện khả năng tư duy, trí nhớ và sức khỏe não bộ;

Tránh rượu và ma túy: Một cách chữa lành não bộ đó là tránh các chất có thể ảnh hưởng xấu đến não;

Cố gắng cải thiện giấc ngủ để ngủ ngon: Ngủ là thời gian mà não và cơ thể có thể đào thải chất độc ra ngoài và chữa lành. Chúng ta nên thiết lập lại đồng hồ sinh học, tạo không gian phòng ngủ thật lý tưởng và dành đủ thời gian ngủ mỗi ngày;

Tham gia các hoạt động xã hội: Các hoạt động xã hội không chỉ có lợi cho tâm trạng của chúng ta mà còn giúp ích cho cả suy nghĩ và trí nhớ.

Tham gia vào các hoạt động mới lạ, kích thích nhận thức; nghe nhạc; thực hành chánh niệm và giữ một thái độ tinh thần tích cực.

Tuy tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 có các biểu hiện thần kinh ít so với các tổn thương hệ hô hấp nhưng chúng ta không nên coi nhẹ các biến chứng thần kinh do COVID-19 gây ra. Với dự đoán có thể có đến 50 - 80% dân số thế giới có thể bị nhiễm bệnh trong tình trạng dịch diễn biến phức tạp thì tỷ lệ người có biến chứng thần kinh cũng không phải là ít. Các biến chứng thần kinh nặng như viêm não và đột quỵ có thể gây tàn tật, ảnh hưởng lớn đời sống. Sự suy giảm về thần kinh, trí tuệ, sự tập trung trong học tập và công việc cũng là thách thức lớn trong việc khôi phục sức khỏe tổng thể, kinh tế và xã hội của các quốc gia.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Sưu tầm: Ngọc Song


Bình luận

Viết bình luận