Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh 'chỉ đau đầu rồi ... chết'

Ngày đăng: 05/11/2018 - 1005 lượt đọc

TPO - Ngoài đau đầu, các triệu chứng của tình trạng phình mạch máu não xảy ra rất đột ngột, buồn nôn và nôn, nặng thì có thể rối loạn ý thức, hôn mê, thậm chí bệnh nhân có thể ngừng tim ngay lập tức.

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet

Theo các chuyên gia, phình mạch não là một vị trí phình lồi ra của mạch máu, thành mạch mỏng manh rất dễ vỡ. Khi phình mạch vỡ thường gây máu tràn vào khoang dưới nhện có thể vào nhu mô não, não thất. Tình trạng này gây ra tỷ lệ tử vong cao, nếu sống sót có thể để lại di chứng nặng nề như liệt, rối loạn ý thức, nằm liệt giường sống lệ thuộc vào người khác.

Theo BS Trần Quốc Tuấn, Khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM) xuất huyết dưới nhện, phình mạch máu não rất nguy hiểm, bởi ở giai đoạn túi phình động mạch não chưa lớn và chưa vỡ thì người bệnh hầu như không có triệu chứng gì. Các túi phình mạch máu não chỉ có thể phát hiện dựa trên các chẩn đoán hình ảnh học. Nếu túi phình to (chưa vỡ) thì có thể gây triệu chứng yếu liệt chi, liệt vận động mắt hoặc mờ mắt do chèn ép dây thần kinh. Khi túi phình vỡ gây xuất huyết khoang nội sọ, người bệnh sẽ đau đầu đột ngột dữ dội, cổ cứng, nặng hơn có thể kèm rối loạn tri giác (lơ mơ, hôn mê) và động kinh.

Cũng theo BS Quốc Tuấn, xuất huyết dưới nhện do vỡ túi phình động mạch não là cấp cứu ngoại khoa. Nếu người bệnh không được bít hoặc kẹp túi phình mạch máu não kịp thời thì nguy cơ vỡ lại rất cao, lên đến 20-30% trong 2 tuần đầu tiên và 50% trong 6 tháng đầu. Nếu túi phình động mạch não vỡ lại, 70-90% người bệnh sẽ tử vong. 

Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh 'chỉ đau đầu rồi ... chết' - ảnh 1

Xuất huyết dưới nhện do vỡ túi phình động mạch não là cấp cứu ngoại khoa. Ảnh minh hoạ: Internet

Nhận biết những dấu hiệu đáng sợ của phình mạch não

Đau đầu đột ngột, dữ dội

Song thị hoặc sụp mi đột ngột

Yếu hoặc tê nửa người hoặc nửa mặt

Các vấn đề về tiêu hóa

Các yếu tố nguy cơ:

Các yếu tố nguy cơ góp phần vào sự hình thành phình mạch não bao gồm: Hút thuốc lá; cao huyết áp; tiền sử gia đình bị phình mạch não; tuổi trên 40; giới tính: so với nam giới phụ nữ tăng tỷ lệ mắc phình mạch não với tỷ lệ 3: 2; bị các rối loạn khác: hội chứng Ehlers-Danlos, bệnh thận đa nang, hội chứng Marfan, loạn sản xơ cơ (FMD); sử dụng ma túy, đặc biệt là cocaine; nhiễm trùng; khối u; chấn thương vùng đầu.

Những đối tượng có nguy cơ cao cần phải chụp kiểm tra:

Những người trong gia đình có bệnh nhân phình mạch; gan thận đa nang; những người có các yếu tố nguy cơ: Tuổi cao, hút thuốc, uống nhiều rượu, vữa xơ mạch máu, nghiện ma túy, có tiền sử hay đau đầu…

“Rất nhiều bệnh nhân thấy đau đầu dữ dội, bất thường nhưng thường vẫn cố làm việc, hoặc nghĩ do nhiều nguyên nhân như thời tiết, uống rượu, căng thẳng công việc… nên không tới viện kiểm tra, chụp CT mạch máu não hay cộng hưởng từ mạch máu não để khảo sát có phình, dị dạng hay không. Trong khi đó, với bệnh nhân phình mạch máu não, việc đưa đến viện sớm chừng nào, cơ hội cứu sống cao hơn chừng đó”, các BS khuyến cáo.

                                                                                                                                                                                      Theo Tiền Phong

                                                                                                                                                                                           Đỗ Tuấn (st)