Những cách phát hiện khuyết tật ở trẻ

Ngày đăng: 13/12/2018 - 849 lượt đọc

Hiện nay, công tác phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật ở trẻ được ngành Y tế rất quan tâm. Cục Quản lý khám và chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn về vấn đề này. Theo các bác sĩ, phát hiện sớm khuyết tật ở trẻ em là việc rất quan trọng để kịp thời ngăn chặn những nguy cơ khuyết tật, chậm phát triển, từ đó có những cách phục hồi chức năng (PHCN) đúng phương pháp.

Các bác sĩ khuyến cáo việc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật ở trẻ cần phải thực hiện ngay từ 0-6 tuổi.

Từ 0-6 tuổi là giai đoạn “vàng” phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật 

Theo các bác sĩ, việc phát hiện sớm là sàng lọc phát triển của trẻ theo độ tuổi nhằm phát hiện những trẻ có nguy cơ cao bị khuyết tật, bị chậm phát triển để có biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời. Trẻ em từ độ tuổi 0-6 được xem là giai đoạn “vàng” để phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật.

Việc can thiệp sớm giúp ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ dẫn tới chậm phát triển hoặc rối loạn chức năng, tạo ra những kích thích tốt với trẻ và giúp trẻ có mối tương tác với môi trường xung quanh. 

Đối với trẻ chậm phát triển, can thiệp sớm là biện pháp hiệu chỉnh chức năng, giúp trẻ duy trì nhịp độ phát triển, giảm tác dụng phụ của các bệnh mãn tính và suy giảm chức năng vĩnh viễn.

Các nhóm khuyết tật ở trẻ:

Khuyết tật về vận động gồm khuyết tật chân, tay và khuyết tật về khớp như: bàn chân khoèo bẩm sinh, bàn chân bẹt, bàn chân gập mu, thiếu xương cẳng chân, thừa hoặc thiếu một phần chân/tay; cứng đa khớp bẩm sinh, trật khớp bẩm sinh…
 

 

Hiện nay, công tác phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật ở trẻ được ngành Y tế Việt Nam rất quan tâm, chú trọng.

Khuyết tật về nghe/nói như: giảm thính lực bẩm sinh, dị tật tai, mù, cận/viễn thị bẩm sinh, lác, giảm thị lực, rối loạn phát âm, nói ngọng, nói lắp…

Khuyết tật về trí tuệ gồm: hội chứng Down, suy giáp trạng, động kinh, các bệnh di truyền - chuyển hóa nhiễm sắc thể…

Các khuyết tật khác như khuyết tật bẩm sinh về tim mạch, hô hấp…

Theo các bác sĩ khuyến cáo, việc phát hiện sớm khuyết tật cho trẻ rất quan trọng, bất cứ ai cũng có thể giúp phát hiện được như bố mẹ, người trông trẻ, các cô giáo mầm non, các cơ sở y tế. Chỉ cần quan sát và thực hiện một số hoạt động tương tác với trẻ là có thể giúp phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật ở trẻ.

Các bác sĩ cũng lưu ý một số trường hợp cần được theo dõi, để ý đặc biệt như: trẻ sinh thiếu tháng, có cân nặng khi sinh dưới 2,5kg; trẻ không khóc được ngay sau khi sinh hoặc quá mềm nhẽo khi bế lên; trẻ có bộ mặt bất tường như mắt xếch, mũi tẹt, lưỡi thè, có khe hở môi (hở hàm ếch)…

* Một số phương pháp mà cha mẹ có thể phát hiện sớm khuyết tật cho trẻ:

- Trẻ không quay lại nhìn khi gọi hoặc có tiếng động mạnh.

- Trẻ không phát ra những âm thanh như “da”, “ga”, “ca”, “ba”…

- Trẻ không đáp lại âm thanh khi có người chơi cùng.

- Trẻ không biết với, cầm, nắm đồ vật hoặc không chủ động tìm, lấy được đồ vật mà mình muốn.

- Trẻ không có phản xạ sờ vào hình ảnh, cười với mình trong gương.

- Khi 12 tháng tuổi, trẻ không biết đứng dậy từ tư thế ngồi.

 

Việc phát hiện sớm khuyết tật ở trẻ có thể được thực hiện bởi bố mẹ, người trông trẻ, các cô giáo mầm non thông qua các hoạt động vui chơi, tương tác với trẻ

Khi cha mẹ nhận thấy những dấu hiệu bất thường ở trẻ trong phản xạ, giao tiếp cũng như trong phát triển thể chất, cần phải sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để khám kịp thời và sớm được các bác sĩ có phát hiện, can thiệp sớm, đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhằm giảm các nguy cơ có thể xảy ra.

                                                                                                                                                                                  Theo Hà Nội mới

                                                                                                                                                                              Hoàng Xuân Hạnh (st)