Tập luyện hỗ trợ điều trị viêm khớp

Ngày đăng: 20/01/2022 - 826 lượt đọc

Tập luyện thể chất có vai trò quan trọng giúp cải thiện chức năng vận động của khớp, hạn chế nguy cơ tàn phế cho người bệnh viêm khớp. Tuy nhiên người bệnh viêm khớp nên vận động như thế nào để làm giảm tình trạng bệnh và không làm cho bệnh nặng lên?

1. Viêm khớp - nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế

Thống kê trong nước và quốc tế trong những năm gần đây cho thấy tỉ lệ mắc các bệnh về xương khớp ngày càng gia tăng. Trong đó, tỉ lệ tàn phế do các bệnh lý khớp viêm (arthritis) và nhóm các bệnh lý cột sống (back or spine) lần lượt chiếm hàng đầu trong các bệnh lý cơ xương khớp không do chấn thương.

Khi khớp đang bị viêm người bệnh cần hạn chế vận động.

Các bệnh lý khớp viêm mạn tính thường gặp nhất như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp thường để lại những di chứng nặng nề như dính cứng, biến dạng khớp, cột sống nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

2. Người bệnh viêm khớp tập luyện như thế nào?

Tiếp cận "đa mô thức" trong điều trị các bệnh lý khớp viêm nhấn mạnh vai trò tổng hòa của nhiều yếu tố nhằm đạt được các mục tiêu:

Giảm tình trạng viêm và kiểm soát đau;
Duy trì và tăng khả năng vận động khớp;
Hạn chế và ngăn ngừa biến dạng khớp;
Giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc;
Nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, với các bệnh lý khớp viêm, tập thế nào cho đúng là một vấn đề cần quan tâm chú ý. Việc tập luyện không đúng không những không có tác dụng mà ngược lại có thể làm bệnh tiến triển nặng thêm. Vì vậy, "đơn" tập luyện phải được xây dựng phù hợp với đặc điểm cá thể của từng đối tượng, tình trạng bệnh và mỗi giai đoạn tiến triển của bệnh.

2.1. Có nên tập khi đang đau?

Đau thường là nguyên nhân chủ yếu khiến người bệnh quan tâm và tìm cách khắc phục, cũng là lý do khiến người bệnh băn khoăn có nên tập khi đang đau hay không.

Đau trong bệnh lý cơ xương khớp thường có hai dạng là đau kiểu viêm và đau cơ học:

- Đau kiểu viêm: Là tình trạng đau cả khi nghỉ, khi không vận động hay chịu tải khớp, khớp có thể có biểu hiện sưng, nóng. Đau do viêm gặp trong tất cả các bệnh lý khớp viêm như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp do gút, thoái hóa khớp có viêm…

-Đau cơ học: Là tình trạng đau khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi.

Về nguyên tắc, bệnh lý khớp viêm đang trong giai đoạn cấp, khớp sưng đau nhiều, vận động khó khăn, người bệnh không nên vội vàng gắng sức tập luyện, lúc này tốt nhất nên kiểm soát tình trạng viêm đau bằng thuốc và chế độ nghỉ ngơi thích hợp. Có thể kết hợp vật lý trị liệu, y học cổ truyền với từng bệnh lý cụ thể, kiểm soát tốt tình trạng viêm trước khi bắt đầu tập và trong suốt quá trình tập luyện.

Trong giai đoạn này nếu có thể và muốn tập cũng chỉ nên thực hiện bài tập có tính chất thả lỏng, kéo dãn nhẹ nhàng, những động tác vận động đơn giản ở tư thế phù hợp, tránh những động tác mạnh, đột ngột, tránh những bài tập tăng tải cho cơ, khớp, cột sống vùng đau dễ kích thích tăng phản ứng viêm gây đau tăng.

2.2. Người bệnh viêm khớp cần chú ý gì khi tập luyện?

Đối với bệnh viêm khớp ngoài đợt cấp bên cạnh việc tuân thủ đúng phác đồ điều trị thì vận động tập luyện có vai trò rất quan trọng nhằm mục tiêu kiểm soát và đạt được sự lui bệnh ổn định. Các bài tập cơ - khớp cột sống, tứ chi thích hợp có tác dụng tăng cường tuần hoàn - dinh dưỡng cho các cơ, khớp, tăng tiết endorphin nội sinh giúp giảm đau.

Ở giai đoạn này người bệnh có thể tự lựa chọn những loại hình vận động ưa thích phù hợp với đặc điểm thể chất và trạng thái chức năng của cơ thể. Tuy nhiên, cần lưu ý đến khối lượng, cường độ, công suất vận động, tránh gắng sức quá mức, đặc biệt với những người có các bệnh lý đồng mắc khác như bệnh lý tim mạch, huyết áp, hô hấp, bệnh gan, thận…

Kết hợp luyện tập chủ động của bản thân bệnh nhân và thụ động dưới sự trợ giúp của kỹ thuật viên phục hồi chức năng hoặc máy tập. Các bài tập cải thiện biên độ vận động khớp cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên nhẫn của người tập.

Những tình trạng teo cơ, yếu cơ cần tăng cường các bài tập căng cơ tĩnh giúp tăng trương lực cơ, các bài tập có tải cho cơ như tập căng cơ đối kháng, tập với tạ, với dây kháng lực… giúp cải thiện cơ lực.

Những trường hợp bệnh nặng hoặc những động tác khó nên thực hiện dưới sự hướng dẫn, giám sát và trợ giúp của bác sĩ hoặc kỹ thuật viên vật lý trị liệu - phục hồi chức năng.

Bệnh lý khớp viêm mạn tính, dai dẳng, nhiều đợt bùng phát cấp tính, không thể điều trị dứt điểm khiến người bệnh chán nản. Tình trạng đau đớn cũng khiến người bệnh ngại vận động, chọn những tư thế chống đau cong lưng gấp gối khiến cột sống, khớp nhanh chóng dính cứng biến dạng. Do đó, người bệnh cần có hiểu biết về bệnh và mục tiêu cần nhắm tới, tuân thủ phác đồ điều trị cũng như có thái độ tích cực phối hợp vận động tập luyện phù hợp, tư thế sinh hoạt nghỉ ngơi thích hợp mới có thể kiểm soát tốt các bệnh lý khớp viêm.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Sưu tầm: Ngọc Song

 


Bình luận

Viết bình luận