Chăm lo Tết cho người lao động

Ngày đăng: 13/01/2014 - 2687 lượt đọc

Khi những tờ lịch đầu tiên của năm 2014 được bóc, cũng là lúc hàng triệu người lao động trên cả nước lo chuẩn bị cho Tết. Mức thưởng Tết được nhiều địa phương công bố với độ "co giãn" quá cao, cho thấy câu chuyện này năm nào cũng có nụ cười và có cả những ngậm ngùi.

Chăm lo Tết cho người lao động

Ca sản xuất của công nhân Công ty cổ phần Giày Thái Bình.

Dĩ nhiên, người lao động bình thường chẳng mơ những con số hàng chục, hàng trăm triệu đồng, họ chỉ ước nồi bánh chưng bằng hoặc đầy hơn năm trước chút ít. Song dường như điều đó vẫn còn quá xa...

Nhiều "điểm sáng" về chăm lo người lao động

Năm 2013, hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp (DN) trên cả nước đều lâm vào tình cảnh khó khăn do kinh tế suy giảm, doanh thu và lợi nhuận đạt thấp, vì vậy, thưởng Tết cho người lao động thật sự là vấn đề "đau đầu" đối với lãnh đạo các đơn vị. Mới đây, TP Hồ Chí Minh đã công bố mức thưởng Tết của hơn 1.200 DN, đứng đầu là khối đầu tư nước ngoài (FDI) với mức cao nhất hơn 700 triệu đồng/người, thấp nhất gần 2,8 triệu đồng/người. Gần 700 DN trong tỉnh Ðồng Nai cũng công bố mức thưởng Tết, với mức cao nhất khối FDI đạt gần 200 triệu đồng (cho cá nhân lãnh đạo). Còn đối với người lao động, trung bình từ ba đến tám triệu đồng/người, cao hơn năm trước chút ít.

Ðứng chân trên địa bàn TP Biên Hòa (Ðồng Nai), Công ty cổ phần May Ðồng Tiến dự kiến thưởng Tết cho người lao động cao hơn năm trước. Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Hồng Ðức chia sẻ, công ty trích hơn 26 tỷ đồng thưởng Tết cho 2.800 cán bộ, công nhân viên (bình quân mỗi lao động được tám triệu đồng; trong đó 7,5 triệu đồng tiền mặt cùng phần quà trị giá 500 nghìn đồng). Công ty còn tổ chức cho người lao động đi du lịch dịp Tết từ ngày mồng 3 tới mồng 8, tùy theo mức độ, người lao động có thể được đi du lịch Hà Nội, Thái-lan, Ðà Nẵng, Ðà Lạt hoặc Nha Trang, Phan Thiết. Công nhân Trần Văn Bính, quê ở Diễn Châu (Nghệ An) cho biết, mới vào công ty gần hai năm, hưởng mức lương khoảng bốn triệu đồng/tháng. Tết này, Bính cũng được tiêu chuẩn đi du lịch Phan Thiết song muốn được về quê đón Tết, sum họp cùng gia đình. Còn chị Ngô Thị Phương Mai, đã có thâm niên hơn 20 năm làm việc, năm nay chị sẽ không về quê mà đi du lịch Ðà Nẵng cùng anh chị em trong công ty.

Công ty May Ðồng Nai tuy năm qua lợi nhuận có phần giảm sút, nhưng cũng cố gắng thưởng Tết cho người lao động cao hơn năm trước, bình quân khoảng tám triệu đồng/người. Phó Tổng Giám đốc Hứa Trọng Tâm chia sẻ, thưởng Tết cao cũng là "động lực" nhằm giữ chân người lao động. Sức cạnh tranh giữa các đơn vị may mặc trong tỉnh Ðồng Nai khá lớn, nếu DN nào không trả lương được cho người lao động bình quân năm triệu đồng/tháng, họ sẽ bỏ đi ngay. Ðiều đáng mừng là Công ty May Ðồng Nai đã ký hợp đồng sản xuất, lo đủ việc làm cho người lao động đến hết quý II năm 2014. Công ty có một số bạn hàng lớn truyền thống, chuyên sản xuất "hàng độc" xuất khẩu đặc trưng như áo giắc-két đi săn (ở Việt Nam chỉ có hai DN may sản xuất được sản phẩm này). Trước khi đóng máy nghỉ Tết, lãnh đạo công ty tổ chức tất niên, có bốc thăm trúng thưởng với phần quà gồm xe máy, máy thu hình, máy giặt,... Trò chuyện với công nhân Nguyễn Lê Phương, thuộc Xí nghiệp 3, anh bảo đã "nhảy việc" nhiều nơi và cuối cùng chọn đây là "bãi đỗ" vì công việc cũng như thu nhập khá ổn định.

Cũng là hình thức chăm lo cuộc sống người lao động, song Công ty cổ phần Giày Thái Bình có nhiều mô hình hoạt động rất sáng tạo và bài bản. Phó Tổng Giám đốc Phan Kế Lợi cho biết, với phương châm "Công nhân là tài sản quý nhất của DN", công ty thành lập một ban chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người lao động, có trách nhiệm nắm bắt tâm tư người lao động, kiểm tra từng bữa ăn cho công nhân. Ngoài ra, công ty còn có hệ thống căng-tin, "siêu thị công đoàn" bán hàng phi lợi nhuận cho công nhân, với đủ loại mặt hàng, giá rẻ hơn bên ngoài từ 20 đến 25%. Theo giải thích của ông Lợi, với "thị trường" gần 20 nghìn công nhân, rất nhiều đối tác sẵn sàng xin được cung ứng hàng hóa trong siêu thị này. Việc mở siêu thị đã tiết kiệm thời gian mua sắm của công nhân, hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá lại rẻ. Thưởng Tết, công ty áp dụng tháng lương 13, bình quân khoảng sáu đến tám triệu đồng/người, bố trí cho người lao động ở xa nghỉ Tết trước theo tỷ lệ hợp lý để bảo đảm ổn định sản xuất.

Người lao động chật vật lo Tết

Qua thực tế khảo sát tại một số DN trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chúng tôi nhận thấy, những DN chăm lo cho người lao động về thu nhập, lương thưởng, chú trọng sinh hoạt văn hóa tinh thần, sức khỏe,... như vừa nêu trên chỉ là số ít. Do sản xuất đình đốn, hàng loạt DN phải giải thể, công nhân bị "đẩy" ra đường, không nơi bấu víu, trở thành xe ôm, bán hàng rong kiếm sống đắp đổi qua ngày. Nhiều DN còn cố tình sa thải công nhân vào dịp cuối năm để "né" thưởng Tết. DN nào may mắn cầm cự được cũng chẳng khá hơn, nợ lương công nhân đầm đìa, vì thế chuyện thưởng Tết đành "án binh bất động". May mắn lắm người lao động mới được vài trăm nghìn đến hơn một triệu đồng, thậm chí có nơi chỉ có suất quà vài chục nghìn đồng tượng trưng. Nhận định về tình hình lương, thưởng Tết, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, thưởng Tết năm nay tựu trung gồm ba nhóm: Một nhóm có thể được thưởng với mức hàng trăm triệu đồng (rất ít), nhóm thứ hai thưởng trung bình vài triệu đồng tới hơn mười triệu đồng (số ít) và nhóm thứ ba không có thưởng hoặc thưởng rất ít (số đông). Với tình hình kinh tế khó khăn, thưởng Tết năm nay cơ bản giảm và số lao động không có thưởng Tết có dấu hiệu tăng.

"Bết bát" hơn cả phải kể tới một số DN xây dựng, sản xuất và cung ứng vật liệu do thị trường bất động sản "đóng băng" quá lâu. Những "đại gia" dọc ngang một thời, mấy năm trước tính chuyện thưởng Tết bằng căn hộ hoặc tiền tỷ, nay giữa trời đông giá rét vẫn toát mồ hôi hột lo thu hồi công nợ và hoàn thành nốt công việc tại công trình. Người lao động bập bõm ngày làm, ngày chơi, bị công ty nợ lương tới năm, sáu tháng, cuối năm chỉ mong được trả hết lương, không dám mơ tới thưởng Tết. Ðáng lo ngại hiện nay là vấn đề lương, thưởng tại các DN đã ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản. Hàng chục nghìn DN "chết lâm sàng", đồng nghĩa hàng trăm nghìn người lao động sẽ đón Tết với hai bàn tay trắng. Thời điểm này, tuy chưa có báo cáo chính thức về thưởng Tết của các DN trong ngành giao thông vận tải, nhưng Công đoàn ngành này dự báo, nhiều khả năng mức thưởng Tết năm nay sẽ duy trì như năm trước (thấp nhất 500 nghìn đồng, cao nhất hơn 10 triệu đồng) và hầu hết vẫn đủ khả năng tài chính trả lương, thưởng cho người lao động. Tại Công ty Ðóng tàu Hạ Long, thực hiện chủ trương tái cơ cấu Vinashin, công ty phải cắt giảm hơn 1.000 lao động, hiện còn nợ bảo hiểm xã hội hơn 40 tỷ đồng, do đó sẽ không có thưởng Tết cho công nhân, cố gắng lắm nếu có thể chỉ ở mức tặng quà Tết trị giá dưới một triệu đồng/người. Ngành than - khoáng sản trong năm qua cũng gặp rất nhiều khó khăn, tiêu thụ chậm, hàng tồn kho lớn, nhiều mỏ buộc phải giảm sản lượng khai thác, vì vậy thưởng Tết năm nay của lao động phần lớn kém hơn năm trước. Công ty than Núi Béo thưởng Tết khoảng từ 5 đến 5,5 triệu đồng/người, bằng một nửa năm trước; Than Vàng Danh thưởng Tết mỗi người khoảng 5 triệu đồng cùng một phần quà trị giá gần 500 nghìn đồng.

Thực tế tại nhiều DN cho thấy, thưởng Tết không đơn thuần là chuyện vui dịp cuối năm, mà trở thành gánh nặng, nỗi âu lo của bao người. Qua các khu trọ công nhân, hầu hết đều nghe những lời than vãn. Ðành rằng sản xuất năm qua còn nhiều khó khăn, song mỗi chủ DN cần xác định người lao động là nguồn lực không thể thiếu, quan tâm chăm lo đời sống để họ yên tâm sản xuất, chuyên cần cống hiến sức lực và trí tuệ, chính là góp phần vào sự phát triển bền vững của mình. Ðể người lao động được đón Tết đầm ấm, vui vẻ, các tổ chức công đoàn cơ sở đóng vai trò quan trọng, có tính chất "cầu nối" giữa chủ DN và người lao động. Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng cần chung tay, góp sức liên hệ các đơn vị lo vé tàu xe, tiến hành các chuyến xe tình nghĩa đưa công nhân về quê hoặc tổ chức họp mặt vui Xuân, tặng quà Tết cho những người ở lại, nhằm san sẻ những thiếu thốn với người lao động, giúp họ thêm ấm lòng trong dịp Tết đến, Xuân về.

Liên Hoa và Quang Hưng

Sưu tầm: Tạ Thị Bình