Bệnh nhân Li Ding: “Niềm tự hào của Y tế Việt Nam trong điều trị COVID-19”

Ngày đăng: 13/02/2020 - 903 lượt đọc

Hội tụ đủ những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tử vong, thế nhưng ít ai ngờ rằng, dưới sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ Việt Nam, chiều 12/2, tức sau 21 ngày điều trị, bệnh nhân Li Ding, người trước đó phải vịn tay vào mép giường khi đứng đã khỏe mạnh sải bước ra khỏi phòng cách ly. Vừa ra khỏi phòng, hễ nhìn thấy ai khoác áo blouse trắng, người đàn ông Trung Quốc luôn miệng “Xin cảm ơn – cảm ơn bác sĩ Việt Nam”!

Chưa bao giờ tiễn bệnh xuất viện mà hạnh phúc đến thế!

Đó là câu mà các bác sĩ, điều dưỡng và cả ban lãnh đạo bện viện cứ nhìn nhau nói khẽ trong khoảng thời gian chờ bệnh nhân bước ra. Thật vậy. Không hạnh phúc sao được bởi với cả tập thể Bệnh viện Chợ Rẫy, đây là ca điều trị đặc biệt với rất nhiều thứ mà họ mới làm lần đầu. Lần đầu tiếp nhận ca bệnh do chủng virus lạ. Lần đầu làm việc căng thẳng xuyên Tết với bệnh nhân người nước ngoài lại mắc chủng virus còn chưa biết chúng có độc lực và lây lan ra sao. Quan trọng hơn cả, bệnh nhân còn là người lớn tuổi, cơ thể mắc quá nhiều bệnh nền. Thế nên đủ hiểu mọi người đã hạnh phúc như thế nào trong buổi chiều danh giá ấy. Nhiều người gọi đó là buổi chiều vàng. Hay thậm chí là buổi chiều kim cương!

Chưa đến 17h, cánh phóng viên đã đứng tràn trước cổng khoa Bệnh Nhiệt đới. Dễ hiểu thôi vì họ không thể không háo hức bởi đây là thông tin đắt giá. Khó khăn lắm bảo vệ bệnh viện mới khuyên được báo chí đứng yên để nhường chỗ cho bác sĩ.

17h15’, các bác sĩ điều dưỡng đã nghiêm chỉnh đứng thành hai hàng. Có lẽ rất lâu rồi bệnh viện lớn nhất miền Nam mới có một buổi xuất viện của một bệnh nhân mà lại thu hút nhiều người đến thế. Một thoáng ồn ào sắp xếp công việc nhanh chóng qua đi nhường lại cho sự im lặng chờ đợi. Mọi ống kính và ánh nhìn dồn về phía hành lang nhỏ của khu cách ly. Trong số hàng trăm người đứng đợi, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn đứng ở vị trí đầu, tay ông cầm bó hoa tươi. Chiếc khẩu trang y tế che gần hết mặt vị bác sĩ, nhưng nếu ai tinh ý sẽ thấy đôi mắt của vị Thứ tưởng Bộ Y tế từng là giám đốc của bệnh viện này ánh lên niềm tự hào. Rất đáng để tự hào! Rưng rưng!

Đúng 17h30, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang, một trong số những người cận kề điều trị cho bệnh nhân Li Ding vinh hạnh được đại diện đi vào trong, đẩy cánh cửa phòng cách ly bước ra. Và thật khác với suy nghĩ trước đó của nhiều người. Bệnh nhân 66 tuổi vừa trải qua cơn sinh tử không ngồi xe lăn, cũng không cần phải được bác sĩ dìu từng bước. Ngược lại, ông khỏe khoắn sải bước thoăn thoắt đi trước. Ông đi nhanh hơn cả bác sĩ đang hướng dẫn mình, tay ông liên tục vẫy chào mọi người, miệng nói to “Xin cảm ơn, cảm ơn các bác sĩ Việt Nam”.


Bệnh nhân Li Ding vẫy tay chào mọi người khi rời khỏi khu cách ly.

Người đầu tiên ông bắt tay là Thứ trưởng Bộ Y tế. Nhận bó hoa tươi thắm cùng lời chúc từ PGS.TS Nguyễn Trường Sơn và giấy chứng nhận xuất viện từ BSCK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân ôm chầm lấy vợ con rồi khoe sức khỏe của mình đã hoàn toàn bình phục. “Hôm nay tôi đã rất khỏe. Tôi cảm ơn mọi người thật nhiều. Tôi đặc biệt cảm ơn các bác sĩ, nhân viên y tế, lãnh đạo bệnh viện và ngành y tế đã chăm sóc tôi tận tình kể cả những ngày Tết, khi mà lẽ ra các bạn phải được nghỉ ngơi cùng gia đình”. Buổi xuất viện trở thành cuộc chia tay giàu cảm xúc và với nhiều nhân viên y tế tại bệnh viện này. Đây chắc chắn sẽ là một kỉ niệm khó quên.

Từ lo lắng ban đầu đến cuộc chiến bảo vệ niềm tin

Là một trong số 30 nhân viên y tế của Khoa Bệnh Nhiệt đới thường xuyên tiếp xúc chăm sóc bệnh nhân Li Ding, điều dưỡng Nguyễn Minh Tâm tâm sự, vào thời điểm ấy, khi nghe tin có bệnh nhân mắc corona chủng mới sẽ vào cách ly tại khoa, dù chuẩn bị tâm lý nhưng anh và các đồng nghiệp không thể tránh khỏi tâm trạng lo lắng bởi chưa biết bệnh nguy hiểm như thế nào, liệu có lây nhiễm cho mình hay không. “Song ngay lập tức chúng tôi nghĩ ngay đến sự an nguy của người bệnh, nhất là những người đang sống xa quê hương. Chính vì thế tâm trạng lo lắng sợ sệt chỉ thoáng qua, chúng tôi lập tức trấn an nhau và vào cuộc bất chấp đó là bệnh nguy hiểm, bất chấp cả đó là những ngày chuẩn bị đón Tết nguyên đán”.

Đứng nép một góc khoa, chăm chú nhìn người bệnh trong ngày Li Ding xuất viện, điều dưỡng Trần Thị Hải bồi hồi nhớ lại buổi sáng ngày cận Tết nhận điện thoại từ khoa báo tin phải vào làm việc. “Khi nghe điện thoại, tôi biết bệnh nhân đã thực sự cần mình. Vậy là phải động viên người thân để họ không bị lo lắng, còn bản thân mình cũng phải chuẩn bị tinh thần để vào cuộc. Giờ thì vất vả đã qua. Trong suốt thời gian điều trị, cứ nhìn thấy bệnh nhân khỏe mạnh là nỗi lo lắng sợ hãi lại vơi dần”.

Kể thì nghe có vẻ đơn giản, thế nhưng với những người bác sĩ ở tuyến đầu, những người xông pha vào dịch bệnh lần đầu xuất hiện,việc điều trị cho bệnh nhân Li Ding không phải chỉ là cố gắng thông thường mà đó là cả sứ mệnh và trách nhiệm. “Chúng tôi, cả lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa, lãnh đạo các khoa cùng hội chẩn và các bác sĩ, điều dưỡng lên quyết tâm không cho phép bệnh nhân tử vong. Bởi nếu bệnh nhân tử vong trong thời điểm mà mọi người đang hoang mang lo lắng vì dịch bệnh, dư luận sẽ đẩy mọi người đến cơn khủng hoảng niềm tin rất khó có thể phục hồi”, ThS.BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó khoa Bệnh Nhiệt đới chia sẻ.


Bệnh nhân cúi đầu trước PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế để bày tỏ lòng biết ơn các bác sĩ Việt Nam và ngành Y tế Việt Nam đã cứu sống mình.

Quyết tâm đã được đề ra, vậy là cùng với sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Y tế, Ban giám đốc bệnh viện ngay lập tức đưa ra nhiều phương án quyết bảo vệ bằng được tính mạng người bệnh. Thế nhưng cuộc chiến đấu bất luận ngày đêm, bất luận 30 hay mùng 1 Tết ấy không phải lúc nào niềm tin và quyết tâm đó cũng vững vàng. “Đã có những lúc chúng tôi đối diện với khó khăn thực sự. Đó là những lúc phải đánh vật với những cơn diễn tiến suy hô hấp nặng kéo dài đến hơn 48 tiếng. Bệnh nhân lại chỉ còn nửa phổi. Tim mạch huyết áp không biết có thể trồi sụt bất kể khi nào. Lúc đó cả chúng tôi, những người điều trị trực tiếp, cho đến ban giám đốc bệnh viện gần như đứng ngồi không yên. Nhưng rồi với kinh nghiệm có được từ những ca bệnh khó, với những có gắng không ngừng nghỉ. Chúng tôi đã giành chiến thắng”, nữ bác sĩ kể.

Trò chuyện về thành quả mà nhiều người vẫn gọi là “chiến công”, BSCK2 Nguyễn Tri Thức - Giám đốc bệnh viện cho biết, đây là kết quả của cả tập thể từ các thành viên trong ban lãnh đạo bệnh viện cho tới các khoa phòng, đặc biệt là tập thể Khoa Bệnh Nhiệt đới. “Cuộc chiến càng cam go càng có được nhiều bài học quý. Với chúng tôi, niềm vui lần này không chỉ ở việc giúp bệnh nhân khỏe mạnh, mà niềm hạnh phúc lớn nhất chính là làm cho người dân ngày càng tin tưởng hơn nữa vào năng lực của bác sĩ Việt Nam”, vị “thuyền trưởng” trẻ tuổi nói.

Niềm tự hào của ngành Y Việt Nam

Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Trường Sơn khi trả lời với báo giới sau giờ bệnh nhân xuất viện. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, đây là bệnh nhân nhập viện với tình trạng suy hô hấp do nhiễm COVID-19 có rất nhiều bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, đã đặt 2 stent ở Trung Quốc, chính vì thế khi nhập viện đã được xếp vào chế độ điều trị theo dõi đặc biệt.

“Chính vì bệnh nhân Li Ding là bệnh nhân có bệnh cảnh nặng nhất trong số các bệnh nhân mắc bệnh do COVID-19 đang điều trị tại Việt Nam nên chúng tôi đánh giá rất cao những nổ lực của lãnh đạo, viên chức của bệnh viện, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ của Khoa Bệnh Nhiệt đới đã tập trung theo dõi và hội chẩn với nhiều chuyên khoa để cứu sống được bệnh nhân.

Với bệnh viêm đường hô cấp do COVID-19, rất nhiều trường hợp đã tử vong trên người tuổi cao có nhiều bệnh nền, thế nên nghe được tin Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị cho bệnh nhân thành công, tôi nghĩ đây không chỉ là niềm tự hào của bệnh viện mà còn là niềm tự hào của cả ngành Y tế Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.


BSCK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy trao chứng nhận xuất viện cho bệnh nhân.

Nhận xét việc điều trị COVID-19 thành công đới với bệnh nhân người Trung Quốc, Thứ trưởng cho biết dù Việt Nam đã có những nghiên cứu lâm sàng để đưa ra các loại thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên với bệnh nhân Li Ding, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tạo những khu thông thoáng có ánh mặt trời, có thông khí để kiểm soát nồng độ virus theo phòng. Ngoài ra, ngoài việc điều trị kháng sinh dự phòng, bệnh viện còn kết hợp những liệu pháp tại chỗ như cho bệnh nhân súc miệng, rửa tay thường xuyên bằng sát khuẩn... Đây là những kinh nghiệm quý đã được Cục Quản lý khám chữa bệnh của Bộ Y tế bổ sung vào phiên bản thứ hai của hướng dẫn điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở nước ta.

Khi được hỏi về tình trạng kiểm soát bệnh COVID-19 hiện tại, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết dù đã có ca thứ 15 tuy nhiên Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia nhận xét tình hình hiện tại hoàn toàn có thể kiểm soát. Số ca mắc không tăng nhiều đồng thời các trường hợp các ly đã được tổ chức theo dõi rất triệt để. Đặc biệt trong 11 ca còn nằm viện, tất cả các bệnh nhân đều có biểu hiện lâm sàng rất tốt. Riêng tại TP.HCM, người Việt kiều 73 tuổi mắc COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng đã được các bác sĩ chăm sóc rất tốt.

Nguồn: suckhoedoisong.vn
Sưu tầm: Ngọc Song