Con người có thể bị nhiễm virus corona 2 lần hay không?

Ngày đăng: 13/04/2020 - 797 lượt đọc

Virus SARS-CoV-2 có thể hoạt động trở lại nơi bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục hay không? Nhiều giả thiết giải thích vấn đề này sau sự kiện 111 bệnh nhân Hàn Quốc dương tính trở lại.

Nhân viên y tế lấy dịch ở họng và mũi để xét nghiệm COVID-19 ở Hàn Quốc - Ảnh: AFP

Nhiều chuyên gia đã phải đặt ra câu hỏi "virus SARS-CoV-2 có thể hoạt động trở lại nơi người bị nhiễm và đã hồi phục hay không?". 

Ngày 12-4, giới chức y tế Hàn Quốc cho biết số người có kết quả xét nghiệm tái nhiễm virus SARS-CoV-2 là 111. Đây là những người đã hoàn toàn bình phục sau khi bị nhiễm lần đầu nhưng lại có kết quả dương tính sau khi được xét nghiệm lại.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), 111 người trên đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 sau khi họ được bỏ cách ly. Các trường hợp này chủ yếu là những người tại thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang - một trong hai trung tâm bùng phát dịch tại Hàn Quốc. 

Một số ca tương tự đã được ghi nhận ở Nhật và Trung Quốc.

Giả thiết virus hoạt động trở lại và không lây

Bà Jeong Eun Kyeong - tổng giám đốc KCDC - cho rằng đây không phải là ca nhiễm mới, mà do virus hoạt động trở lại. 

Bà giải thích thêm: "Có nhiều trường hợp một bệnh nhân trong quá trình điều trị cho kết quả âm tính lúc này, rồi sau đó lại cho kết quả dương tính lúc khác". Bà cho biết sẽ nghiên cứu dịch tễ học để làm rõ vấn đề.

Quan điểm của bà đã được một số chuyên gia chia sẻ. Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Kim Tae Kyung ở Bệnh viện Đại học Soonchunhyang (Hàn Quốc) giải thích với Hãng tin Yonhap: "Các bệnh nhân có kết quả dương tính trở lại là những người có virus tái kích hoạt hoặc tái phát".

Nguyên nhân virus tái kích hoạt là do virus có thể vẫn còn tiềm ẩn trong một số tế bào cơ thể. Trên thực tế virus hoạt động trở lại không phải là chuyện hiếm, vì đã xảy ra với virus thủy đậu gây bệnh zona và virus Ebola. Nhiều chuyên gia khác lại không đồng tình với giả thiết nêu trên bởi hiếm có virus nào có khả năng "chém vè" như vậy, trừ HIV và virus herpes.

Một giả thuyết khác có vẻ đáng tin cậy hơn là các bệnh nhân Hàn Quốc đã được chữa khỏi nhưng thật ra vẫn còn vài đoạn virus trong cơ thể.

TS Keiji Fukuda - giám đốc Trường Y tế công cộng (Đại học Hong Kong) - giải thích trên báo Los Angeles Times hồi tháng trước rằng một số bệnh nhân COVID-19 xuất viện vẫn còn mang các đoạn virus không gây nhiễm, vì vậy cho ra kết quả dương tính khi tiến hành xét nghiệm acid nucleic. Ông nhấn mạnh: "Kết quả xét nghiệm có thể dương tính nhưng thật ra không lây nhiễm".

Một nhân viên bầu cử của Hàn Quốc tự phòng vệ trước khi cho tiến hành bỏ phiếu bầu cử Quốc hội ở trung tâm cách ly Yongin ngày 11-4 - Ảnh: REUTERS

Giả thiết quy trình xét nghiệm không chuẩn

Một số chuyên gia khác lại nghĩ đến khả năng quy trình xét nghiệm không chuẩn. Nguyên nhân xuất phát từ khâu xét nghiệm sàng lọc khi dùng tăm bông lấy các tế bào bên trong mũi. Vùng lấy dịch có thể không chứa virus vào thời điểm xét nghiệm. Khâu lưu trữ bệnh phẩm không đúng cách cũng có thể khiến suy giảm virus dẫn đến âm tính giả hoặc dương tính giả.

GS vi sinh học và miễn dịch học David Kelvin ở Đại học Dalhousie (Canada) đánh giá không thể có chuyện tái nhiễm và người có kết quả dương tính trở lại có khi do chưa loại bỏ hoàn toàn virus hoặc do sử dụng bộ kít xét nghiệm bị lỗi.

Ngoài ra, có thêm hai giả thuyết khác để giải thích vì sao bệnh nhân đã hồi phục lại cho kết quả dương tính.

Giả thiết đầu tiên là virus đã đột biến. Song TS Anthony Fauci - giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIAID) - khẳng định trên tạp chí y học Journal of the American Medical Association (Mỹ) ít có khả năng con người có thể nhiễm virus corona nhiều lần, đặc biệt trong thời gian ngắn. 

Ông giải thích: "Nếu một người nhiễm virus corona A rồi sau đó tái nhiễm virus corona, đó có thể là virus corona B. Nhưng hiện tại, chúng tôi không nghĩ virus lại đột biến đến mức khác biệt như thế”.

Không chắc 100% nhưng tôi sẵn sàng đặt cược rằng những người đang hồi phục đã thực sự được bảo vệ khỏi tái nhiễm"

TS Anthony Fauci (Mỹ)

Giả thiết thứ hai là hệ miễn dịch bó tay. Các nhà khoa học đều nhất trí khả năng nhiễm virus hai lần là điều khó xảy ra vì khi một người bị nhiễm virus, kháng thể sản sinh trong cơ thể họ và bảo vệ họ khỏi tái nhiễm trong một thời gian nhất định. 

Dù vậy, trong trường hợp của virus SARS-CoV-2, thời gian hệ miễn dịch bảo vệ kéo dài bao lâu thì chưa có nghiên cứu khoa học nào xác định chính xác.

Triết gia Hi Lạp cổ đại Heraclitus có câu: "Không ai tắm hai lần trên một dòng sông". Vậy đối với virus SARS-CoV-2, có ai bị nhiễm hai lần hay không? Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngõ bởi virus SARS-CoV-2 là chủng virus mới toanh, nên giới khoa học vẫn còn nhiều điều mù tịt về con "Cô Vi" này.

Nguồn: tuoitre.vn

Sưu tầm: Ngọc Song