Hành trình "săn con" đặc biệt của cặp đôi khuyết tật

Ngày đăng: 16/07/2020 - 813 lượt đọc

Ngày 28-6, hai cô công chúa chào đời sớm hơn dự định ở tuần 35 tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa. Gần một tháng qua, cuộc sống của cặp đôi khuyết tật Nguyễn Văn Can – Nguyễn Thị Thúy bước sang một trang mới: Hạnh phúc nhưng đầy lóng ngóng, lo toan.

Hạnh phúc nhân đôi đã đến với Can và Thúy.

Cuộc gặp của duyên phận

Năm 2017, sau gần 10 năm tai nạn kinh hoàng cướp đi đôi chân khỏe mạnh khiến anh phải ngồi xe lăn suốt đời, Nguyễn Văn Can (sinh năm 1990) gặp chị Nguyễn Thị Thúy (sinh năm 1988, bị teo cơ chi trái) tại Câu lạc bộ người khuyết tật ở Thanh Hóa. Lúc này, Can đã xác định sống chung số phận với chiếc xe lăn, còn Thúy cũng đi lại vận động rất khó khăn do di chứng của căn bệnh viêm màng não lúc 10 tuổi. 

Can kể, là anh cả trong gia đình nghèo, tại xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, năm lớp 10, Can đã bỏ ngang tuổi học để Nam tiến kiếm kế sinh nhai, giúp đỡ gia đình với hai em nhỏ. 

Nhưng không lâu sau đó, một tai nạn kinh hoàng đổ ập xuống, Can bị cẩu bê tông rơi thẳng vào lưng. Tỉnh dậy sau cơn mê, anh đau đớn khi biết mình chấn thương cột sống, liệt tủy, vĩnh viễn mất cảm giác với đôi chân khỏe mạnh. Anh cũng mất hoàn toàn khả năng về sinh dục và bài tiết. 

“Đã có lúc nghĩ tới cái chết”, Can nói. Những ngày tháng sau đó vô cùng khó khăn, thiếu thốn và kiệt quệ về tinh thần. Những nỗ lực điều trị đông y, tập luyện của anh rơi vào hư không. Thứ làm bạn duy nhất với anh đến hết cuộc đời chính là chiếc xe lăn vô tri, vô giác. 

Trong lúc tuyệt vọng nhất, anh tìm đến sự đồng cảm ở Câu lạc bộ những người khuyết tật tại TP Thanh Hóa. Và điều kỳ diệu đã đến với cuộc đời khi anh gặp Thúy – một người phụ nữ cũng khuyết tật teo cơ chân trái. 

“Chúng tôi mất tám tháng đi lại, tìm hiểu nhau. Tôi bảo Thúy đừng xuống nhà vì bản thân tôi đến vệ sinh còn không thể tự chủ, tự chăm được, thì lấy vợ làm gì cho thêm khổ nhau ra. Cả đời chỉ sống trên xe lăn, tôi biết lấy gì mà nuôi vợ con sau này. Nhưng Thúy nhất quyết không nghe”, Can tâm sự. 

Can và Thúy quyết định về chung một nhà sau tám tháng tìm hiểu

Bất chấp những “khiếm khuyết” trên cơ thể, gạt bỏ những lo toan về một tương lai còn đầy khó khăn, họ quyết định dọn về chung một nhà vào năm 2017. Họ nghĩ, cuộc đời cứ thế “gá” vào nhau mà sống bằng đồng tiền trợ cấp và đi bán vé số, thẻ cào. Cả hai không mong gì có cơ hội có được một mụn con. 

Thế nhưng, bản năng làm mẹ luôn trỗi dậy trong tâm trí chị Thúy. Thiếu thốn, khó khăn, nhưng với một mong manh hy vọng sẽ có thể có được con nhờ kỹ thuật hiện đại, hai vợ chồng bước vào hành trình săn con bằng làm thụ tinh trong ống nghiệm.

“Những thiệt thòi của số phận dường như bé đi rất nhiều”

Năm tháng sau hôn nhân, hai vợ chồng dành dụm được chút tiền, cùng với phần cho vay của một người bạn, khăn gói lên Hà Nội để lấy tinh trùng trữ đông. 

Tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Việt - Bỉ (Hà Nội), ThS, BS Hà Ngọc Mạnh cùng đội ngũ y, bác sĩ ở đây đã trực tiếp kiểm tra và lên phác đồ điều trị. Can được làm kỹ thuật Micro-TESE hiện đại nhất để tìm “con giống”. 

BS Mạnh cho biết, Micro-TESE là một kỹ thuật hiện đại mới được triển khai gần đây. Kỹ thuật giúp lấy tinh trùng từ đường ống dẫn tinh rất nhỏ, chỉ bằng đầu sợi tóc, đòi hỏi kỹ thuật viên phải rất thành thạo. Bệnh nhân Can cũng ít tinh trùng nên mọi kỹ thuật làm phải rất thận trọng để giữ được từng con giống.

Can và Thúy bật khóc hạnh phúc khi đón hai thiên thần bé bỏng.

 

Chia sẻ về ca can thiệp này, BS, Thầy thuốc Ưu tú Tô Hoài Phương, Giám đốc Bệnh viện Nam học Việt - Bỉ cho biết, đây không phải ca bệnh đầu tiên bệnh viện can thiệp cho người chồng bị liệt tủy, nhưng cặp đôi này khá đặc biệt vì cả hai đều khuyết tật và hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn. Bệnh viện hỗ trợ lớn cả về tinh thần và vật chất để Can và Thúy chào đón được hai thiên thần khỏe mạnh. 

Khá bất ngờ chỉ với lần đầu tiên làm kỹ thuật này, bệnh viện đã “săn” được con giống để làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cho vợ chồng Can. Khoảng nửa năm sau đó, Can đưa vợ đi kích trứng để trữ trứng. Và phải chờ tới hai năm sau, khi dành dụm thêm được ít tiền, hai vợ chồng mới quyết định đi chuyển phôi. 

“Hôm ấy, cả hai vợ chồng đều có tâm trạng rất hoang mang. Nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ khuyết tật chuyển phôi 4-5 lần chưa được. Không biết mình có may mắn thành công ngay lần đầu không vì nếu không, chắc vợ chồng tôi không có đủ tiền để đi làm IVF lần thứ 2”, Can kể. 

Ngày vợ đi xét nghiệm sau chuyển phôi, anh Can ngồi nhà ôm chặt điện thoại. Khi nhận được tin vui, anh mừng quá hét một tiếng thật to và cứ vậy ngồi mỉm cười một mình. Hạnh phúc đến quá bất ngờ, tựa như một phép mơ với người đàn ông đã bị liệt như anh. 

Thúy kể, từ khi biết mình có con, vợ chồng em như sống cuộc đời khác. “Những thiệt thòi của số phận càng bé đi rất nhiều”, Thúy rơm rớm nước mắt kể. 

Những ngày mang thai khá thuận lợi dù Thúy có tiền sử mắc bệnh cao huyết áp. Đến tuần 35, Thúy sinh non hai thiên thần Thiên An và Thiên Ý (cân nặng 2 kg). Hai bé phải nằm lồng kính chín ngày. 

Thúy (bên phải) đang làm quen dần với thiên chức làm mẹ.

 

Giờ đây, vợ chồng Can – Thúy đang chăm con ở nhà ông bà ngoại. Dù vẫn còn đau sau ca sinh song thai, Thúy vẫn gượng dậy để chăm hai con nhỏ thay phần cho bố. “Đó là phép màu của bà tiên đã ban cho vợ chồng tôi”, Thúy nhìn hai thiên thần và nói. 

Hơn nửa tháng qua, Can làm quen với trọng trách mới, làm bố và bế con giúp vợ. Can tâm sự, thu nhập của hai vợ chồng chưa đầy 1,5 triệu đồng/tháng bao gồm cả tiền trợ cấp người khuyết tật và thu nhập từ bán thẻ điện thoại. Vì thế, dù hạnh phúc khi lên chức bố nhưng Can cũng đầy lo toan. 

“Mai mốt trách nhiệm chắc sẽ phải lớn hơn. Chúng tôi đã vượt qua được khó khăn lúc đầu, đã có được hai thiên thần. Tôi chỉ mong mình làm thêm được gì đó để giúp tăng thêm thu nhập, giúp vợ con đỡ vất vả”, Can tâm sự. 

Nguồn: nhandan.com.vn

Sưu tầm: Ngọc Song