Ngăn chặn mạnh, dứt khoát hơn, không để “trong đánh ra, ngoài đánh vào”

Ngày đăng: 17/03/2020 - 793 lượt đọc

Tình hình dịch bệnh bên ngoài diễn biến xấu rất nhanh, bên cạnh việc kiên trì thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, cần ngăn chặn mạnh, dứt khoát hơn, không để xảy ra tình trạng “trong đánh ra, ngoài đánh vào”.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp sáng 16/3 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Ảnh: VGP/Đình Nam
Đây là nhận định của các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) tại cuộc họp sáng 16/3.

Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát kỹ, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về các đối tượng phải cách ly y tế bắt buộc khi vào Việt Nam. Ban Chỉ đạo cũng đề nghị tiến hành đo thân nhiệt, phân luồng người nhập cảnh ngay khi xuống máy bay. Đối với người nước ngoài thì điều chỉnh lại quy trình tiếp nhận. Đối với công dân Việt Nam từ vùng có dịch về nước, cần nhanh chóng giải phóng người tập trung ở sân bay để sớm đưa về khu cách ly tập trung theo quy định;…

Đồng thời, ở trong nước, các chuyên gia cho rằng, phải tiến hành đồng bộ các biện pháp để phát hiện các đối tượng nhiễm, nghi nhiễm càng sớm càng tốt. Do đó chúng ta cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu để giúp phát hiện nhanh nhất các trường hợp nghi ngờ; triển khai thực hiện hiệu quả việc khai báo y tế bắt buộc, khai báo y tế tự nguyện toàn dân; phân loại các nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, những người già, người có bệnh nền;…

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh sàng lọc, phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị, dập dịch tại chỗ; phát động toàn dân tham gia phòng chống dịch, sử dụng tai mắt nhân dân để phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ. Những người có nguy cơ, trước tiên phải tự cách ly ngay tại nhà, sau đó cơ quan y tế cử người đến tận nhà để hướng dẫn, kiểm tra sức khoẻ…

Nhấn mạnh trách nhiệm của lãnh đạo cấp uỷ và chính quyền cơ sở, các đại biểu đề nghị Bộ Y tế có khuyến cáo yêu cầu các phường, xã phải thực hiện nghiêm ngặt phòng chống dịch tại cộng đồng; yêu cầu các đồng chí Bí thư, Chủ tịch phường, xã tiến hành rà soát lại để kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại cơ sở;  lập tổ công tác với nòng cốt lực lượng công an, dân quân, y tế và hỗ trợ công nghệ thông tin (nhân viên bưu điện, Viettel, VNPT) nhằm bám sát tình hình trên địa bàn, phân nhóm ngời dân theo tình trạng sức khoẻ; có giải pháp hỗ trợ thăm khám, chăm sóc tại chỗ với đối tượng có nguy cơ lây nhiễm, có tiền sử bệnh, tuổi cao sức yếu dễ bị lây nhiễm, và khi nhiễm dễ bị tình trạng nặng.

Ban Chỉ đạo cũng thảo luận và cho rằng cần phải có sự hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các lực lượng trong việc tiếp nhận, tổ chức cách ly người nhập cảnh vào Việt Nam; tối ưu hoá, nâng cao năng lực hệ thống xét nghiệm, phát hiện nhanh các trường hợp nhiễm bệnh; triển khai các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên các chuyến bay nội địa; chế độ tài chính phục vụ công tác phòng chống dịch; công tác bảo đảm trang thiết bị vật tư y tế, máy móc điều trị, phương tiện bảo hộ phục vụ công tác phòng chống, điều trị bệnh; các địa phương chuẩn bị cơ sở lưu trú trên địa bàn phục vụ công tác cách ly theo yêu cầu của các Quân khu…

Tiểu ban hậu cầu phối hợp chặt chẽ với Mặt trận tổ quốc Việt Nam để tiếp nhận tài trợ từ các doanh nghiệp và cộng đồng, trước hết là các hiện vật, trang thiết bị, vật tư phục vụ cho công tác chống dịch; có phương án bảo đảm đầy đủ trang thiết bị bảo hộ cho cán bộ y tế, các lực lượng làm nhiệm vụ khi tiếp xúc với các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm.


Ảnh: VGP/Đình Nam

Cập nhật tình hình dịch bệnh đến sáng 16/3 của Bộ Y tế cho biết, trên thế giới dịch bệnh đã lanh ra 156 quốc gia/ vùng lãnh thổ, với 169.368 người mắc bệnh; 6.501 người tử vong. Trong đó, Trung Quốc có 80.847 trường hợp mắc, 3.199 người tử vong; Italy ghi nhận 21.747 trường hợp mắc, 1.809 người tử vong; Iran 13.938 trường hợp mắc, 724 người tử vong; Tây Ban Nha 7.845 trường hợp mắc, 292 người tử vong; Đức ghi nhận 5.813 trường hợp mắc, 11 người tử vong; Pháp ghi nhận 5.423 trường hợp mắc, 127 người tử vong; Hoa Kỳ ghi nhận 3.680 trường hợp mắc, 69 người tử vong; tình hình dịch bệnh tại các nước Thuỵ Sỹ, Anh, Na Uy, Thuỵ Điển, Hà Lan, Đan Mạch, Áo, Bỉ… cũng diễn biến rất phức tạp.

Tại Việt Nam cũng đã ghi nhận 57 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó 16 người đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Các địa phương có người mắc gồm: Vĩnh Phúc (11 người); TPHCM (8 người); Khánh Hoà (1 người); Thanh Hoá (1 người); Hà Nội (11 người); Ninh Bình (1 người) Quảng Ninh (5 người); Lào Cai (2 người); Đà Nẵng (2 người); Huế (2 người); Quảng Nam (3 người); Bình Thuận (9 người). Trong số các bệnh nhân đang điều trị có 4 trường hợp diễn biến nặng do có bệnh cảnh nền. Số ca xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 là 5.182 trường hợp.

Nguồn: ncov.moh.gov.vn
Sưu tầm: Ngọc Song