Phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật chịu sự phân biệt đối xử ‘kép' về bạo lực giới

Ngày đăng: 21/10/2019 - 870 lượt đọc

Trước thực trạng phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật chịu sự phân biệt đối xử "kép” về bạo lực giới, sáng nay (18/10), tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc gia Đề xuất khung chính sách sửa đổi về bạo lực trên cơ sở giới và bình đẳng giới cho phụ nữ khuyết tật.


Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo được thực hiện nhằm đưa ra các bằng chứng trong việc phòng chống bạo lực tình dục và cùng thảo luận về các đề xuất chính sách, khung pháp lý nhằm ngăn chặn bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật có thể được Chính phủ thông qua.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN VN Trần Thị Hương cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật (trong đó có khoảng 3,5 triệu phụ nữ khuyết tật) với các dạng khuyết tật khác nhau. Người khuyết tật trong mọi trường hợp đều chịu nhiều khó khăn, cản trở. Quỹ dân số của Liên Hợp Quốc (UNFPA) đã ước tính: Người khuyết tật gặp khó khăn cao gấp 3 lần so với người không khuyết tật, phụ nữ khuyết tật gặp khó khăn và có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực giới cao gấp 3 lần so với nam giới khuyết tật. Đây là những đối tượng phải chịu sự phân biệt đối xử “kép” vì lý do khuyết tật và lý do về giới. Do đó, họ cần được bảo vệ và hỗ trợ kịp thời nhằm đảm bảo các quyền con người cơ bản.
Theo Phó Chủ tịch Trần Thị Hương, các hình thức bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục gia tăng và chưa được xem xét giải quyết một cách đầy đủ. Đặc biệt là các hành vi bạo lực tình dục như quấy rối tình dục nơi công cộng, quấy rối tình dục nơi làm việc, bạo lực tình dục giữa các cặp đôi vẫn chưa được can thiệp và hỗ trợ kịp thời. Nghiên cứu thực tế của Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng tại huyện Ba Vì (Hà Nội) và quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cho thấy, cứ 10 phụ nữ khuyết tật thì có 4 người từng bị ít nhất 1 hình thức bạo lực tình dục. Độ tuổi lần đầu bị các hành vi bạo lực tình dục trung bình trong khoảng từ 24 đến 33 tuổi, trong đó có những phụ nữ khuyết tật bị bạo lực tình dục lần đầu từ năm 9 tuổi (thấp nhất) và cao nhất là trên 50 tuổi. Nhóm khuyết tật vận động, thần kinh/tâm thần và khuyết tật trí tuệ có tỷ lệ bị quấy rối, lạm dụng và bạo lực tình dục tương đối cao - trên 35%. Phần lớn phụ nữ khuyết tật khi bị bạo lực, xâm hại chủ yếu chia sẻ với bố/mẹ, anh/chị/em trong gia đình mà không dám chia sẻ với các cơ quan chức năng liên quan.


Các đại biểu thảo luận, đưa ra những ý kiến, đề xuất, chính sách để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật

Để giải quyết tình trạng bạo lực trên cơ sở giới nói chung và với phụ nữ khuyết tật nói riêng, theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, các cơ quan chức năng, các đoàn thể chính trị xã hội đã có nhiều nỗ lực, chủ động tích cực tham mưu, đề xuất chính sách phê duyệt các chương trình, đề án hỗ trợ nâng cao năng lực, vị thế cho phụ nữ khuyết tật. Các mô hình an toàn có hiệu quả như: Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng; cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới, Trung tâm công tác xã hội cung cấp dịch vụ bình đẳng giới; Mô hình thành phố an toàn, làng quê an toàn dành cho phụ nữ và phụ nữ khuyết tật đã được triển khai thực hiện góp phần từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng, giảm thiểu nguy cơ và cải thiện chất lượng dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới. Thông qua các chương trình, mô hình hiệu quả, nhận thức của cộng đồng, của chị em phụ nữ khuyết tật đã được nâng lên, nhiều chị bị bạo lực, bị xâm hại đã lên tiếng để được hỗ trợ, bảo vệ, cộng đồng cũng đã bày tỏ quan điểm ủng hô và yêu cầu xử lý thích đáng người có hành vi bạo lực, xâm hại.
Tại Hội thảo, từ các câu chuyện thực tế cho thấy, hiện vẫn còn thực trạng nhiều phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực tình dục nhưng không nhận thức được mình bị bạo lực tình dục và không dám lên tiếng. Họ mặc cảm, tự ti, không dám chia sẻ với ai bởi có nói cũng chẳng ai nghe, chẳng ai tin. Đôi khi, họ cắn răng chấp nhận bị bạo lực tình dục vì họ không có khả năng chống cự, trốn thoát. Nếu có tố cáo thì thủ tục quá nhiêu khê…


Chị Nguyễn Thị Thúy (Mạng lưới ngăn ngừa và ứng phó bạo lực giới tại Việt Nam) chia sẻ: "Hệ thống tư pháp hình sự vẫn chưa đáp ứng được quyền của phụ nữ là nạn nhân của tình dục"

Chia sẻ về vấn đề bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, chị Nguyễn Thị Thúy (Mạng lưới ngăn ngừa và ứng phó Bạo lực giới tại Việt Nam) cho biết, hiện các can thiệp và dịch vụ từ chính phủ đang có nhiều rào cản. Đó là thủ tục giải quyết phức tạp, hệ thống tư pháp hình sự vẫn chưa đáp ứng được quyền của phụ nữ là nạn nhân của tình dục, thiếu các trung tâm trợ giúp phụ nữ bị bạo lực giới có hiệu quả, thiếu nguồn kinh phí cho các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới, các đường dây nóng, các dịch vụ hỗ trợ tư vấn tâm lý, sức khỏe chưa hiệu quả, phụ nữ bị quấy rối hay bạo lực tình dục chưa tiếp cận được các dịch vụ này.
“Cần tăng cường hoạt động nâng cao nhận thức về bạo lực tình dục cho phụ nữ, trẻ em gái, cán bộ cung cấp dịch vụ liên quan đến bạo lực tình dục; Rà soát và lấp đầy các khoảng trống về pháp luật và chính sách liên quan đến bạo lực giới; Tăng cường các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới; Triển khai dịch vụ hỗ trợ người gây bạo lực thay đổi nhận thức, lôi kéo sự tham gia của nam giới trong thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực tình dục”, chị Nguyễn Thị Thúy khuyến nghị.


Chị Cao Thị Hồng Minh (Phó trưởng ban Chính sách Luật pháp, TƯ Hội LHPN Việt Nam), đề nghị nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi các quy định luật pháp chính sách liên quan đến bảo vệ phụ nữ khuyết tật

Nạn nhân bị xâm hại tình dục là phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật thường rơi vào nhóm khiếm thính, khuyết tật trí tuệ. Hậu quả với nạn nhân rất nặng nề và tạo tâm lý hoang mang, lo lắng về môi trường sống không an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật. Để bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ khuyết tật và bảo vệ phụ nữ khuyết tật được sống trong không gian an toàn, chị Cao Thị Hồng Minh (Phó trưởng ban Chính sách Luật pháp, TƯ Hội LHPN Việt Nam) đề nghị nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi các quy định luật pháp chính sách liên quan đến bảo vệ phụ nữ khuyết tật: Nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về chống, chống xâm hại tình dục đối với phụ nữ, trẻ em nói chung và phụ nữ trẻ em khuyết tật nói riêng; Bổ sung quy định về các thủ tục điều tra thân thiện nhằm bảo vệ phụ nữ khuyết tật; Đề nghị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao kỹ năng bảo vệ an toàn cho phụ nữ khuyết tật; Tăng cường vai trò của nhân viên công tác xã hội trong việc hỗ trợ cho nạn nhân là người khuyết tạt bị xâm hại tình dục.


Các phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật mong muốn được sống trong không gian an toàn

Ngoài ra, hội thảo còn có các đề xuất chính sách tập trung vào mục tiêu cải thiện khung pháp luật chính sách và công tác thực thi để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật tốt hơn, cụ thể: Cần rà soát hệ thống văn bản pháp luật về phòng, chống bạo lực tình dục và tình dục đang được đề cập đến trong một loạt văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, nhằm nhận diện đầy đủ, thống nhất những khái niệm liên quan đến bạo lực giới nói chung và bạo lực tình dục nói riêng.
Đồng thời, bổ sung, lồng ghép và các đạo luật hiện hành những chính sách đặc thù nhằm bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ và trẻ em khuyết tật khỏi bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực tình dục, đảm bảo sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật về phòng, chống bạo lực tình dục.
Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung một loạt các chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ thể có hành vi bạo lực tình dục (mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) theo hướng: Bổ sung những chế tài còn thiếu; tăng mức xử phạt đôi với một số hành vi, quy định riêng chế tài hành chính đối với chủ thể có hành vi bạo lực tình dục (phân định với hành vi bạo lực khác). Ngoài ra, cần rà soát, điều chỉnh các quy định liên quan đến giám định tư pháp và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần bổ sung các chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với người khuyết tật là nạn nhân của bạo lực tình dục. 

Nguồn: phunuvietnam.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song