Dân tin, chờ đợi những hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn

Ngày đăng: 07/10/2018 - 1564 lượt đọc

Tại Hội nghị Trung ương 8, 100% Uỷ viên Trung ương Đảng chính thức có mặt đã đồng ý giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu Chủ tịch Nước. Đó là ý Đảng và đương nhiên cũng sẽ hợp lòng dân. Vì sao lại nói như vậy?

Dân tin, chờ đợi những hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thực tế là trong thời gian rất ngắn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cuộc chiến chống tham nhũng đã đạt những thắng lợi có thể nói là chưa từng có. Chống được tham nhũng, xử lý cán bộ sai phạm, không có vùng cấm, không phải hạ cánh là an toàn. Bất cứ ai, cho dù chức vụ cao hay thấp, vi phạm pháp luật là nghiêm trị. Nhân dân chứng kiến tận mắt từng vụ án được xét xử, từng cán bộ, tướng lĩnh phải ra trước toà án.

Dân có niềm tin vào công lý hay không chính là khi công lý được thực thi. 

Xử lý cán bộ sai phạm, chống tham nhũng có những thắng lợi rõ rệt là công sức của nhiều cơ quan, là sức mạnh từ dân, nhưng một điều ai cũng phải thừa nhận, đó là vai trò lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Không có sự quyết tâm, kiên trì, quyết liệt của ông, khó có thể công phá vào những nhóm quyền lực, nhóm lợi ích, những thế lực tưởng chừng như không thể quật ngã được.

Dân chứng kiến, tin, và chờ đợi sẽ còn những hành động tiếp theo, quyết liệt hơn.

Việc Tổng Bí thư, đồng thời là Chủ tịch Nước thực ra là việc hết sức bình thường, như tập quán chính trị, thông lệ quốc tế, nói như ông Lê Quang Vĩnh - Chánh Văn phòng Trung ương Đảng: “Việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch Nước là việc tự nhiên trong đời sống chính trị của nhiều nước. Người đứng đầu đảng cầm quyền đều là người đứng đầu Nhà nước hoặc đứng đầu Chính phủ. Đây không phải là việc lạ hoặc học theo ai đó”.

Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch Nước sẽ thuận lợi hơn trong tổ chức công việc của Đảng và Nhà nước. Còn về vai trò cá nhân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông sẽ làm được nhiều việc hơn, nhanh hơn, đúng với nguyện vọng của người dân, đòi hỏi của 
đất nước.

Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý là mục tiêu, và muốn đạt được thì phải có những cải cách mạnh mẽ, đáp ứng với đòi hỏi của thực tiễn. 

                                                                                                                                                       Theo Lê Thanh Phong (Lao Động)

                                                                                                                                                                       Nguyễn Triệu (st)