Thời điểm chín muồi để thực hiện Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước

Ngày đăng: 03/10/2018 - 1468 lượt đọc

Theo ông Vũ Mão, phương án Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước trong tình hình hiện nay là tốt nhất.

Một trong những nội dung đang thu hút sự quan tâm của dư luận đó là việc giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước tại Hội nghị Trung ương 8 lần này. Theo kế hoạch, trong thời gian diễn ra Hội nghị, Bộ Chính trị sẽ trình Trung ương xem xét, quyết định việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Dư luận kỳ vọng nhân sự Chủ tịch nước sẽ là người có tâm, có tầm để lãnh đạo đất nước đi lên theo kịp xu hướng CNH-HĐH hiện nay. Nhiều quan điểm bày tỏ sự đồng tình ủng hộ với mô hình Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước.

 

Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ, nếu Bộ Chính trị giới thiệu Tổng Bí thư ra Trung ương quyết định để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước sẽ là phương án tốt nhất.

Ông Vũ Mão cho biết, qua tham gia, theo dõi các cuộc trao đổi, thảo luận của các cán bộ lão thành, các cựu đại biểu Quốc hội, ông Mão nhận thấy có nhiều phương án được đề xuất nhưng theo quan điểm của ông, phương án Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước trong tình hình hiện nay là tốt nhất.

 

Ông Vũ Mão: niềm tin của người dân đặt vào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng mạnh mẽ.

“Tôi rất mừng nếu Tổng Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước bởi đây là phương án hợp lòng dân”, ông Vũ Mão nói.

Thực tế, mô hình đảm nhiệm “hai vai” không phải là vấn đề mới, đã được triển khai thí điểm ở cấp địa phương trong hơn 10 năm với mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã.

 

Theo ông Vũ Mão, soi lại lịch sử của Đảng, Nhà nước từ giai đoạn đầu tiên, có thể thấy Bác Hồ đã làm Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước. Đó là mô hình rất tốt. Do điều kiện, sau này, xét tới nhiều yếu tố, nên từ sau khi Bác mất năm 1969 cho đến nay, chúng ta thôi không thực hiện nữa. Khi có cơ hội chúng ta thực hiện lại là rất tốt.

Tuy nhiên, từ thực tế, dư luận còn băn khoăn bởi nếu không cẩn thận, người nắm “hai vai” sẽ nắm trọn quyền lực, dễ dẫn tới độc tài, độc đoán, kiểm soát quyền lực sẽ rất khó.

 

 

Lập luận lại quan điểm này, ông Vũ Mão cho rằng, chúng ta vẫn đang nghiên cứu để tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng. Điều 4 của Hiến pháp quy định Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội nhưng Đảng phải chịu trách nhiệm với những quyết định của mình trước nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân.

 

 

 

“Khi triển khai Điều 4 của Hiến pháp, tôi đã từng kiến nghị cần thiết phải có Luật về sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân mong chờ luật đó. Đảng lãnh đạo nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền. Nếu thực hiện được điều đó, chúng ta sẽ kiểm soát được quyền lực, chống được hiện tượng độc đoán, chuyên quyền”, ông Vũ Mão nhấn mạnh.

Theo ông Vũ Mão, sở dĩ ông kiến nghị phải có luật về sự lãnh đạo của Đảng, bởi khi chưa có các quy định cụ thể, khi vào chức vụ đó người ta làm theo ý chí, mong muốn của mình và không kiểm soát được quyền lực. Cho nên Đảng ta vừa qua đưa ra vấn đề kiểm soát quyền lực là rất đúng. Tuy nhiên, phải biến những chủ trương, khẩu hiệu đó thành hiện thực.

 

 

 

“Được biết, tới đây, chúng ta sẽ thành lập các tiểu ban, trong đó có tiểu ban sửa đổi, bổ sung điều lệ đảng. Đây là vấn đề rất quan trọng và tôi muốn tiểu ban đó sẽ làm việc một cách cởi mở, dân chủ , tập hợp được nhiều ý kiến. Bằng những điều kiện như vậy chúng ta mới kiểm soát được quyền lực. Đã kiểm soát được quyền lực rồi thì không ngại độc đoán, chuyên quyền. Khi đó chúng ta sẽ có một mô hình, tuy không mới nhưng đó là mô hình rất thuận, không chỉ trong nước mà trong cả các quan hệ quốc tế bởi Tổng Bí thư vừa là Chủ tịch nước đi quan hệ quốc tế là rất tốt. Lâu nay tôi vẫn băn khoăn, việc tổ chức chuyến thăm nước ngoài của Tổng Bí thư là cần thiết, nhưng danh chính ngôn thuận là rất khó. Các nước cũng sẽ lúng túng không biết phải đón tiếp như thế nào”, ông Vũ Mão cho biết thêm.

 

 

 

Cho rằng, niềm tin của người dân đặt vào Tổng Bí thư ngày càng mạnh mẽ, đây sẽ là thời điểm chín muồi để Trung ương triển khai việc thực hiện mô hình Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước, tuy nhiên, ông Vũ Mão vẫn nhấn mạnh rằng, để mô hình này phát huy hiệu quả, cần có những văn bản quy định đầy đủ hơn để phát huy tối đa cương vị Tổng Bí thư vừa là Chủ tịch nước.

“Tôi tin nếu chúng ta làm tốt, rồi có những bổ sung về mặt pháp luật, về quy định trong Điều lệ Đảng, hiệu quả mang lại sẽ rất lớn”, ông Vũ Mão quả quyết.

 

Ông Vũ Mão cũng cho rằng, nếu lần này chúng ta thực hiện được mô hình này sẽ tạo điều kiện để làm rõ hơn việc thực hiện dưới địa phương nhưng sẽ phải bàn rất kỹ bởi vừa qua Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND nhưng giờ nếu đi theo xu hướng Bí thư kiêm Chủ tịch UBND, nếu không cẩn thận sẽ dễ xảy ra độc tài, độc quyền.

“Chúng ta mong muốn triển khai mô hình này với mục tiêu để giải quyết công việc một cách nhanh chóng nhưng có khi chưa chắc đã hiệu quả, có khi hậu quả để lại không nhỏ. Nhiệm vụ của Chủ tịch Ủy ban là điều hành công việc hàng ngày và có quyền rất lớn. Các dự án đều ông bàn rồi ông quyết. Trên Trung ương, Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước nhưng vẫn có Thủ tướng điều hành công việc của Chính phủ, như vậy là tốt”, ông Mão phân tích thêm.

 

Theo Quy định số 90-QĐ/TW của Bộ Chính trị, quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, Chủ tịch nước phải là người bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời cần có các phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao, là hạt nhân đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng.

Có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp.

Chủ tịch nước phải là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước. Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.

Chủ tịch nước cũng phải là người đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương, tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định).

                                                                                                                                                                                        Theo Dân Trí 

                                                                                                                                                                                    Nguyễn Triệu (st)