Người đàn ông hơn 20 năm sửa chữa, tặng giày dép cho người nghèo

Ngày đăng: 10/05/2021 - 922 lượt đọc

Hơn 20 năm nay, ngoài công việc sửa chữa giày để kiếm sống, anh Tuấn còn nhận sửa chữa giày cho người nghèo, người khuyết tật như một niềm vui trong cuộc sống.

Anh Huỳnh Thanh Tuấn (45 tuổi, sống tại quận 3, TP HCM) đã làm công việc sửa chữa giày được hơn 20 năm. Anh kể, do từ nhỏ sức học của anh kém nên mong muốn của anh là học nghề để có thể giúp đỡ gia đình và nuôi sống bản thân. Do đó, anh xin ba mẹ nghỉ học rồi đi học nghề sửa giày dép. Năm 2000, sau khi trở thành thợ sửa giày dép, anh Tuấn đóng một cái tủ nhỏ, dựng sát vỉa hè, nhận sửa giày cho khách rồi treo biển sửa chữa miễn phí giày dép cho người nghèo đến nay.

Anh Tuấn treo biển sửa chữa miễn phí giày dép cho người nghèo tại "cửa tiệm" cửa mình.

Anh chia sẻ, lúc đầu, người khó khăn đến nhờ anh sửa chữa giày dép rất đông. Bây giờ đã giảm nhiều, có ngày chỉ có 1-2 người đến nhờ anh giúp đỡ nhưng anh vẫn duy trì tấm bảng và công việc này.

"Ra nghề được 1, 2 năm là tôi nhận sửa giày dép cho người nghèo, những người bán vé số hay người khuyết tật luôn. Hồi đó vui lắm, lúc tôi mới nhận sửa cho người nghèo, người khuyết tật, người ta đến sửa nhiều, tôi cũng dặn người này người kia có bạn bị hư giày dép mang đến đây tôi sửa miễn phí cho, đừng ngại. Nhiều người sau đó quay lại cho tôi trái cây, tờ vé số như cảm ơn, dù tôi không muốn nhận nhưng biết đó là tấm lòng của họ nên tôi nhận cho họ vui, đó cũng như một lời cảm ơn mà người ta dành cho mình", anh Tuấn kể.

Ngoài việc sửa chữa giày dép miễn phí, anh Tuấn còn nhận những đôi giày hư cũ của người khác cho sau đó sửa lại rồi để trên bàn nơi làm việc, có ai cần, sử dụng được, anh sẽ gửi tặng.

"Tôi không nhớ nổi đã sửa cho bao nhiêu người nữa, tôi chỉ nhớ được niềm vui khi người ta nhận đôi giày đã sửa lại hoặc được nhận một đôi giày dép mà người ta cần mà mình tặng cho người ta thôi", anh cười.

Về công việc sửa chữa giày của mình, anh Tuấn cho biết, công việc này tuy không dư dả nhưng nó đủ giúp anh trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con cái ăn học. Được biết, con gái anh Tuấn năm nay đã 16 tuổi, ngoài giờ đi học, em còn đi làm thêm phụ giúp cha.

Anh kể, thời gian trước, số lượng người mang giày đến anh sửa rất nhiều, nhưng hiện tại, do ảnh hưởng của dịch, lượng khách chỉ còn một phần nhỏ so với lúc trước.

"Hồi trước khách đông lắm, nhiều khách tôi còn phải hẹn lại một tuần mới xong. Dịch thì ai cũng ảnh hưởng, kể cả tôi cũng vậy, khách chỉ còn 1/3 so với lúc trước thôi. May mà tôi có khách quen, những người ngày xưa lúc sửa giày là còn sinh viên, bây giờ con người ta đã có gia đình người ta vẫn quay lại tìm mình, cái đó mới là quan trọng", anh Tuấn chia sẻ.

Anh kể, có lần anh nhận sửa một đôi giày có giá trị gần 4.000 USD khiến anh rất áp lực, anh phải mang vào nhà cất kỹ chứ không dám để ngoài tiệm. Ngoài ra, anh còn cho biết, sau hơn 20 năm làm nghề, chỉ cần nhìn sơ qua là anh biết giày này dành cho môn thể thao nào, có thể định giá được và phân biệt được hàng thật hay giả.

Hiện nay, anh Tuấn có nhận học trò và truyền dạy nghề sửa chữa giày dép cho các em một cách tận tình. Học trò của anh phần lớn sinh sống ở địa phương và có những hoàn cảnh éo le khác nhau.

"Hồi xưa mình nhận nhiều lắm, đứa thì nghèo, đứa thì bỏ học, đứa gia đình ly tán, đứa cha mẹ tù tội, mình dạy cho nó cái nghề để kiếm sống. Mình dạy miễn phí, có khi còn phải cho tiền ngược lại nữa. Hiện tại mình chỉ còn một bạn tôi, bạn này theo mình từ lúc 16 tuổi, bây giờ đã ngoài 30 rồi", anh Tuấn bộc bạch.

Với anh Tuấn, anh chưa bao giờ có ý định từ bỏ công việc này bởi công việc này không chỉ mang lại cho anh thu nhập mà còn mang lại cho anh những người bạn, tri kỷ là khách hàng của mình. Ngoài ra, niềm vui của những người nghèo, người khuyết tật khi có những đôi giày lành lặn là một thứ gì đó vô giá đối với anh.

Nguồn: giadinh.net.vn

Sưu tầm: Ngọc Song