Cây cầu bắc qua quá khứ

Ngày đăng: 06/12/2019 - 824 lượt đọc

Cuộc đấu tranh đòi lại công lý cho các nạn nhân da cam không chỉ là của riêng Chính phủ và nhân dân Việt Nam, mà cũng là quan điểm của những người đã từng bên kia chiến tuyến.

Trong cuốn sách “Cha và con” của Đô đốc Hải quân Mỹ Elmo Zumwalt, con trai ông trước khi trút hơi thở cuối cùng nói:
“Nếu như bố không ra lệnh rải thảm chất độc da cam ở miền Nam Việt Nam thì cuộc đời con đâu phải kết cục như thế này. Con của con, cháu của bố đâu phải thảm hại như thế này. Con được biết hàng triệu người Việt Nam đang phải sống quằn quại, đau đớn chết dần, chết thảm cũng vì cái chất da cam của bố…
Với danh phận cựu Đô đốc, người trực tiếp gây ra thảm họa ở Việt Nam, bố hãy vào Nhà Trắng, kiến nghị với Chính phủ Mỹ: họ phải có trách nhiệm với gia đình các quân nhân Mỹ bị di nhiễm chất độc hóa học từ Việt Nam trở về và với các nạn nhân Việt Nam. Chỉ có làm như vậy mới bớt được một phần tội lỗi, bố mới tìm được sự thanh thản cuối đời…”.
Từ đó có thể thấy, cuộc đấu tranh đòi lại công lý cho các nạn nhân da cam không chỉ là quan điểm của riêng chính phủ và nhân dân Việt Nam, mà cũng là quan điểm của những người đã từng bên kia chiến tuyến, những người đã từng gây ra tội ác đối với nhân dân Việt Nam. 


Cựu binh Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam tuần hành kêu gọi ủng hộ các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin của cả Mỹ và Việt Nam. Ảnh: couragetoresist.org

Hành trình đấu tranh đòi lại công lý cho nạn nhân da cam
Nhiều năm sau cuộc chiến, nhiều tổ chức, cá nhân ở Mỹ và một số nước khác đã yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ và các công ty hoá chất bồi thường thiệt hại gây ra cho sức khoẻ các nạn nhân và những tổn hại môi trường do sử dụng chất da cam.
Nhưng chính phủ Hoa Kỳ chỉ đồng ý cung cấp phúc lợi cho các cựu binh tham chiến ở Việt Nam bị một số bệnh liên quan đến dioxin. Các công ty hoá chất Monsanto, Dow Chemical…. sản xuất chất da cam đã đồng ý một thoả thuận ngoài toà án, hỗ trợ 330 triệu đô la Mỹ cho các nạn nhân là cựu binh Hoa Kỳ, Autsralia, New Zealand. Nhưng với các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam, chính phủ Mỹ viện nhiều lý do để không gánh chịu hậu quả, trách nhiệm chính trị, pháp lý và đền bù cho họ. 
Với quyết tâm đòi lại công lý cho hơn 4 triệu nạn nhân da cam Việt Nam, trong những năm qua, Đảng, Chính phủ, các tổ chức nạn nhân da cam Việt Nam và quốc tế thông qua các kênh khác nhau kiên trì đấu tranh, đã mở ra “3 mũi giáp công”, vừa đấu tranh, vừa vận động và hợp tác với 3 đối tượng chính:
Trước hết là các cựu binh Mỹ mà bản thân họ, gia đình hay con em của họ là nạn nhân của chất độc da cam. Trong chiến tranh, người Mỹ phản đối chiến tranh đã góp phần đưa cuộc kháng chiến của chúng ta tới thắng lợi.
Trong hoà bình, để đạt được những lợi ích chính đáng của nạn nhân da cam Việt Nam, thì quan trọng là người dân Mỹ hiểu được vấn đề dioxin và buộc chính phủ Mỹ phải có những chính sách đúng đắn với các nạn nhân dioxin. Thông tin về hậu quả của chất độc da cam đối với người dân Việt Nam đã thức tỉnh lương tri của nhiều người dân Mỹ.
Nhiều cựu binh Mỹ thừa nhận tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam là cách để xoá bỏ “Hội chứng Việt Nam” đã ám ảnh suốt đời họ.
Ông Bobby Muller, Chủ tịch Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam phát biểu: “Là người đứng đầu đội ngũ cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam, không ai có vị thế tốt hơn chính những người lãnh đạo các binh sĩ đấu tranh. Các chính trị gia sẽ không bao giờ đi trước chúng ta, những người đã trực tiếp tham chiến và đã phải trả giá”. 
Thứ hai, theo con đường pháp lý, Chính phủ Việt Nam đã công bố các nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng của chất độc màu da cam đối với con người và thiên nhiên. Từ năm 2000 đến năm 2010, 30 đề tài cấp nhà nước đã được triển khai nghiên cứu.
Các công trình nghiên cứu, các dự án khảo sát điều tra đánh giá ô nhiễm chất độc da cam/dioxin ở các vùng bị phun rải nhiều trong chiến tranh, ở các căn cứ quân sự cũ, nơi tập kết, lưu giữ, pha chế, đổ thải chất độc hóa học cũng được triển khai và đạt được nhiều kết quả. Từ năm 2010 đến năm 2015, 12 đề tài trong chương trình khoa học, công nghệ trọng điểm cấp nhà nước đã cơ bản hoàn thành mục tiêu, nội dung đề ra. Việc triển khai nghiên cứu và công bố các đề tài khoa học về chất độc da cam tạo cơ sở pháp lý, góp phần quan trọng thức tỉnh dư luận quốc tế và nhân dân Mỹ.
Tuy nhiên, hành trình đòi công lý cho các nạn nhân dioxin Việt Nam gặp vô vàn khó khăn. Năm 2004, cùng với sự ra đời của VAVA, lần đầu tiên một số nạn nhân người Việt Nam đứng đơn cùng VAVA tiến hành kiện dân sự 37 công ty sản xuất hoá chất Mỹ, trong đó có Monsanto và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, tháng 3/2009, Toà án Tối cao Mỹ đã bác bỏ đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Từ đó tới nay, VAVA cùng các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam vẫn kiên trì mục tiêu đấu tranh đòi công lý, tiếp tục phối hợp với các luật sư quốc tế để chuẩn bị cho các hành động pháp lý khác trong thời điểm thích hợp.
Bên cạnh đó, VAVA cũng ủng hộ, hỗ trợ hoạt động đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, như vụ bà Trần Tố Nga, sinh năm 1942, nạn nhân bị phơi nhiễm trực tiếp chất độc da cam/dioxin, khởi kiện 26 công ty hóa chất Mỹ lên tòa án Pháp tháng 5/2014. Cùng với hoạt động đấu tranh pháp lý, các phương thức đấu tranh chính trị, ngoại giao khác cũng được triển khai.
Trên thực tế, hành trình đòi công lý của các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam không đơn độc. Nhiều tiếng nói quốc tế, cả cá nhân lẫn các tổ chức, từ cả chính giới Mỹ, đã đồng loạt ủng hộ cuộc đấu tranh này.
Tháng 5/2009, một tòa án "lương tâm nhân dân" quốc tế được thiết lập tại Paris, kết luận chính phủ Mỹ là thủ phạm sử dụng chất dioxin mà hậu quả của nó đối với môi trường của Việt Nam có thể coi là “hủy diệt môi trường”; các công ty hóa chất là tòng phạm của các hành động này; Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất phải bồi thường toàn bộ cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin và gia đình họ. Ngày18/4/2017, Tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye, Hà Lan, công bố kết luận rằng công ty Monsanto đã hủy diệt môi trường, gây thiệt hại cho người dân Việt Nam. 
Thứ ba, đấu tranh qua kênh tiếp xúc chính thức giữa chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ. Những năm đầu, chính phủ Hoa Kỳ nhiều lần từ chối đề cập về chất độc da cam, nhưng với sự kiên trì, linh hoạt của Việt Nam, vấn đề này từng bước được tháo gỡ.
Tháng 10/2000, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã đề cập vấn đề chất độc da cam trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton. Tổng thống Hoa Kỳ đã trả lời thư của Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Việt Nam: “Tôi chia sẻ nhiều quan ngại của ông về những khó khăn y tế và tâm lý mà họ phải đối mặt. Tôi đồng ý là cần tiến hành nghiên cứu khoa học và các nỗ lực nhân đạo chung giữa hai quốc gia chúng ta”.
Tháng 11/2006, Tuyên bố chung giữa Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush lần đầu tiên chính thức thừa nhận vấn đề da cam: “Hoa Kỳ và Việt Nam cùng đồng ý nỗ lực chung hơn nữa để giải quyết ô nhiễm môi trường gần các khu vực lưu giữ dioxin trước đây sẽ đóng góp có giá trị cho sự phát triển quan hệ song phương”.
Ba mũi giáp công được Đảng, Chính phủ và người dân Việt Nam tiến hành kiên trì, khôn khéo trong hơn 40 năm qua đã đạt được những kết quả tích cực. Những kết quả này không chỉ khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có hậu quả chất độc da cam, hơn nữa còn có tác dụng đáng kể trong việc củng cố và phát triển mối quan hệ đối tác toàn diện Việt- Mỹ.


Ngày 7/11/2018, Việt Nam và Mỹ đã hoàn tất dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng kéo dài 6 năm với kinh phí 110 triệu USD, một trong 2 điểm nóng ô nhiễm chất độc da cam/dioxin lớn nhất ở Việt Nam, sau sân bay Biên Hòa (Đồng Nai). Ảnh: TTXVN

Hợp tác quốc tế 
Năm 2006 đã mở ra một bước ngoặt đột phá khi lần đầu tiên Thượng viện Hoa Kỳ quyết định dành ngân sách hỗ trợ các vấn đề sức khoẻ cho những người chịu khuyết tật nghiêm trọng nhất sinh sống tại các vùng bị phun rải chất độc da cam.
Năm 2016, sau cuộc gặp với Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, Tổng thống Mỹ B. Obama tuyên bố: “Liên quan đến an ninh, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đóng góp phần của mình vào việc khắc phục hậu quả đáng buồn của chiến tranh… Chúng tôi sẽ tiếp tục giúp tháo gỡ bom, mìn, vật liệu chưa nổ. Và giờ đây, khi nỗ lực chung tẩy rửa dioxin ở sân bay ở Đà Năng sắp hoàn thành, Hoa Kỳ sẽ giúp tẩy độc ở căn cứ Biên Hoà”.
Trong tuyên bố chung của Chủ tịch nước Việt Nam và Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump năm 2017 có đoạn: “Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác để khắc phục hậu quả chiến tranh. Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước Việt Nam đánh giá cao đóng góp của Hoa Kỳ đối với việc tẩy độc thành công sân bay Đà Nẵng và hoan nghênh việc Hoa Kỳ cam kết tiếp tục đóng góp để tẩy độc sân bay Biên Hoà….”. 
Đây là những tuyên bố chung đầu tiên trong lịch sử quan hệ hai nước đặt vấn đề xử lý dioxin tại các “điểm nóng” bên cạnh việc hỗ trợ người khuyết tật dưới một chủ đề chung là di chứng và hậu quả chiến tranh. Và trong các văn kiện chung của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng đều coi hợp tác xử lý chất độc da cam là một nội dung trọng tâm trong quan hệ hai nước hiện nay.
Năm 1989, với sự đồng ý của Tổng thống Bush, thượng nghị sĩ Patrick Leahy đã thành lập Quỹ Hỗ trợ nạn nhân chiến tranh Leahy (The Leahy War Victims - LWWF), do ông Bobby Muller - cựu binh Việt Nam - điều hành, nhằm hỗ trợ xe lăn, tay chân giả cho thương binh và những người khuyết tật do bom mìn ở Việt Nam. Tính đến nay, sau hơn 30 năm hoạt động, quỹ đã giúp cải thiện cuộc sống cho hàng nghìn người khuyết tật tại Việt Nam. 
Từ năm 2007 đến nay, quốc hội Mỹ đã phê duyệt 254,8 triệu đô la nhằm khắc phục hậu quả chất độc dioxin. Tháng11/2017, Mỹ và Việt Nam đã hoàn thành việc xử lý xấp xỉ 90.000m³ đất nhiễm độc cao và 60.000m³ đất nhiễm độc ở mức thấp hơn ở sân bay Đà Nẵng bằng phương pháp hấp thụ nhiệt (IPTD). Dự án đã kết thúc thành công vào tháng 11/2018, sau 6 năm thực hiện với chi phí ước tính trên 116 triệu USD. 
Tháng 4/2019, thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi thượng viện và 8 thượng nghị sĩ thuộc cả 2 đảng trong Thượng viện Hoa Kỳ thăm Việt Nam cùng Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink và lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đã trang trọng ấn nút khởi động dự án xử lý chất độc hóa học dioxin tại sây bay Biên Hòa do USAID tài trợ 183 triệu USD trong giai đoạn 5 năm đầu.
Cũng nhân dịp này, Việt Nam - Hoa Kỳ đã ký Bản ghi nhận ý định (MOI) về việc Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ 50 triệu USD nhằm chăm sóc, điều trị y tế, phục hồi chức năng, cải thiện chất lượng cuộc sống và bảo đảm hòa nhập xã hội cho người khuyết tật tại 7 tỉnh bị phun rải. Cho đến nay, số tiền này đã lên đến con số 65 triệu USD. Đây là lần đầu tiên chính phủ Hoa Kỳ trực tiếp cam kết hỗ trợ đối với nạn nhân bị phơi nhiễm dioxin; thể hiện trách nhiệm đối với những gì họ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam.
Ngày 5/12/2019, lễ khởi công dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa được tổ chức để xử lý hơn 1000ha diện tích đất ô nhiễm dioxin, bàn giao đất sạch để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cũng như thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Theo tính toán, dự án có thể kéo dài 10 năm, với tổng kinh phí lên đến gần 500 triệu USD. 
Cũng như việc tìm kiếm hài cốt binh lính Mỹ và rà phá bom mìn, vấn đề chất độc da cam đã trở thành cây cầu bắc qua quá khứ để Việt Nam và Mỹ xích lại gần nhau hơn. Sự hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong những nỗ lực nhân đạo này đã mở ra những cơ hội mới để hợp tác trong các vấn đề kinh tế, chính trị và văn hoá trong quá trình phát triển quan hệ song phương kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. 
Hợp tác với Hoa Kỳ trong khắc phục hậu quả chất độc màu da cam không chỉ bởi vì Mỹ - thủ phạm gây ra “nỗi đau da cam” cho hàng triệu người dân Việt Nam phải chịu trách nhiệm, mà trên phương diện công nghệ, Mỹ là quốc gia có công nghệ xử lý chất độc, chất thải hiện đại nhất thế giới. Tăng cường hợp tác xử lý chất độc da cam với Mỹ sẽ giúp cả hai phía có các công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quý báu trong xử lý ô nhiễm môi trường - được coi là một trong những vấn đề quan trọng nhất trên phạm vi toàn cầu.
Bên cạnh đó, hợp tác xử lý dioxin giữa Việt Nam và Mỹ sẽ là nền tảng cho nhiều dự án hợp tác khác trong hôm nay và tương lai, qua đó sẽ củng cố và phát triển quan hệ song phương. Đây cũng là quan điểm mà thượng nghị sĩ Patrick Leahy chia sẻ: “Chúng ta đã cùng nhau đi qua một chặng đường dài, và chắc chắn sẽ cùng bước tiếp trên chặng đường sắp tới”.

Nguồn: vietnamnet.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song