Chàng trai nuôi dưỡng ước mơ cho người khuyết tật Đan Lai

Ngày đăng: 02/03/2021 - 816 lượt đọc

Mặc dù mới khởi nghiệp nhưng trước hoàn cảnh đáng thương của những người khuyết tật, chàng trai miền Trà Lân vẫn quyết định nhận đào tạo nghề cho họ.

Những người thợ đặc biệt

Trong một khu xưởng mỹ nghệ nằm trên Quốc lộ 7 (thuộc thôn Khê Choăng, xã Châu Khê, Con Cuông, Nghệ An) tiếng cưa cắt, đục bào vang lên vô cùng sôi động.

Những người thợ nơi đây đều bị khuyết tật

Nếu nhìn qua thì nơi đây chẳng hề khác với các khu xưởng thủ công ở nhiều địa phương trên địa bàn xứ Nghệ. Thế nhưng, chỉ đến khi các công nhân đứng dậy di chuyển thì tôi mới nhận ra, phần lớn họ đều là những người khuyết tật.

Chỉ vào một công nhân phía chân bên phải bị cụt phải chống gậy, anh Thái Đăng Tiến (sinh năm 1987, chủ xưởng) cho biết: “Anh này có hoàn cảnh rất đặc biệt, là người dân tộc Đan Lai. Đây là một trong những dân tộc ít người của Việt Nam, hiện chỉ sinh sống tại một số điểm ở huyện miền núi Con Cuông. Do sống trong rừng sâu nên anh không được đi học, vì vậy một chữ bẻ đôi cũng chẳng biết. Anh còn bị khuyết tật, vì vậy khả năng tìm việc cũng gặp rất nhiều khó khăn”.

Mặc dù không phải là người gặp may trong cuộc sống nhưng người đàn ông này vẫn rất nghị lực, luôn cố gắng hết mình. Vì vậy, anh Tiến đã quyết định đưa anh này về khu xưởng của mình để dạy nghề và thu xếp công việc.

“Hiện anh vẫn đang học việc nên không có lương, nhưng việc ăn uống thì tôi lo hết, đào tạo nghề không thu phí. Sau hơn 1 tháng, tay nghề của anh đã tiến triển lên rất nhiều, có thể một mình làm được nhiều công đoạn”, anh Tiến cho hay.

Anh La Văn Thắng (sinh năm 1990) cũng là một người dân tộc Đan Lai bị cụt chân. Bước từng bước đến chiếc máy tiện, Thắng bắt đầu bằng việc xếp đặt đôi nạng gỗ ngay ngắn, làm sao cho thuận lợi nhất khi đứng lên. Sau đó, Thắng đưa gốc tre vào máy rồi bật công tắc. Đôi bàn tay khéo léo của Thắng gí chặt mũi dao theo từng vòng quay của máy. Một chiếc bình hoa đã thành hình.

Thắng tâm sự: “Em cứ nghĩ người như mình thì sẽ không tìm được công việc. May mà được anh Tiến thu nhận, em đã tìm lại được chính mình, vừa có việc làm, vừa có tiền giúp gia đình, không mong gì hơn nữa”.

Nuôi dưỡng ước mơ từ tre

Điều đáng nói, xưởng mỹ nghệ của anh Thái Đăng Tiến có khoảng 10 lao động thì đã có tới 5 người khuyết tật, trong đó có tới 3 lao động là người dân tộc Đan Lai. Ngoài ra, còn có một người thiểu năng trí tuệ. Tất cả những người ở đây đều trú ở huyện Con Cuông và đều có hoàn cảnh rất đáng thương.

Được biết, xưởng của anh Tiến chuyên sản xuất thìa, cốc, bình trà,... hoàn toàn bằng tre, lại vừa mở chưa được bao lâu. Vì vậy, vừa dạy nghề, vừa tìm thị trường tiêu thụ, công việc một ngày của anh Tiến xoay như chong chóng. Nam thanh niên tâm sự, dù mệt mỏi hay vất vả, nhưng động lực của anh là những công nhân phía dưới đang mong chờ có công việc để làm. Hơn nữa, Tiến rất tin tưởng về sản phẩm mà đơn vị mình đang sản xuất.

Sản phẩm vô cùng tinh xảo và đẹp mắt.

 

“Để làm ra một sản phẩm từ tre không hề đơn giản. Xử lý nguyên liệu là khâu kỳ công và mất nhiều thời gian nhất. Sau khi vệ sinh lại phải sấy khô, tiếp đến là tạo hình sản phẩm. Toàn bộ quá trình này cần những bàn tay khéo léo, tỉ mỉ và chăm chút. Vì vậy, các công nhân phải có một chút cảm hứng nghệ thuật. Thế nhưng ngoài một số thợ lành nghề thì còn lại đều đang học việc”, anh Tiến cho biết.

Ở miền Trà Lân này, nguyên liệu rất sẵn nên không lo thiếu. Ngoại trừ lá, tất cả các bộ phận của cây tre đều sẽ được anh Tiến sử dụng chế tạo. Vì vậy, sản phẩm khá đa dạng, từ những bộ ly uống trà xinh xắn, thìa gỗ, hộp đựng bút, thân bút bi, cốc uống nước cho đến bình hoa hay những bộ ấm chén tinh xảo, cầu kỳ.

“Sản phẩm của chúng tôi có công năng, tính thẩm mỹ, an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường và mức giá khá cạnh tranh với sản phẩm làm từ nguyên liệu khác. Tôi tin tương lai đây sẽ là sản phẩm thu hút mọi người”, anh Tiến nói.

Nguồn: doisongphapluat.com

Sưu tầm: Ngọc Song