“Thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình”, trách nhiệm của mỗi người

Ngày đăng: 13/12/2021 - 1065 lượt đọc

Xã hội càng phát triển, vai trò, vị trí của phụ nữ, trẻ em ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, vấn đề bất bình đẳng giới “trọng nam, khinh nữ”, và tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra khá phổ biến trong xã hội. Do đó, việc tuyên truyền về bình đẳng giới là rất cần thiết để công tác phòng, chống bạo lực gia đình đạt hiệu quả. Đó cũng chính là chủ đề của buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Pháp luật và Đời sống được tổ chức vào sáng ngày 13/12

Tham dự buổi sinh hoạt có Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền, Phó trưởng Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Ban Giám đốc, cán bộ công nhân viên Trung tâm cùng các thành viên Câu lạc bộ Pháp luật và Đời sống

Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền, Phó trưởng Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam, chia sẻ tại buổi sinh hoạt

Theo chia sẻ của Tiến sĩ, bạo lực gia đình đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quyền con người, gây tổn hại cho sức khoẻ, lòng tự trọng, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đe dọa đến an ninh, chất lượng cuộc sống trong mỗi gia đình, gây nhức nhối trong xã hội. Nguyên nhân chính của hành vi bạo lực gia đình bắt nguồn từ sự bất bình đẳng giới, tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" và một số tư tưởng lạc hậu. Một trong các yếu tố dẫn đến bạo lực gia đình đó là do thiếu hiểu biết pháp luật, do không nhận thức được bạo lực gia đình là vi phạm quyền con người, vi phạm pháp luật. 

Một trong những nội dung được Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền chia sẻ tại buổi sinh hoạt 

Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó
Phân biệt đối xử về giới là việc hạn chế, loại trừ, không công nhận hoặc không coi trọng vai trò, vị trí của nam và nữ, gây bất bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình
Mỗi con người, dù là người bình thường hay người có khiếm khuyết về một bộ phận cơ thể, thì đều có những điểm mạnh điểm yếu và có những giá trị riêng. Chúng ta phải được tôn trọng và được đánh giá theo đúng năng lực mà chúng ta thể hiện. Và chính mỗi chúng ta cần phát huy những thế mạnh của bản thân, hạn chế những điểm yếu và thường xuyên học tập nâng cao năng lực bản thân để khẳng định giá trị của mình trong gia đình và cả ngoài xã hội. 

Cũng thông qua buổi sinh hoạt, Tiến sĩ muốn gửi đến các thành viên Câu lạc bộ thông điệp về cuộc sống: Giá trị cốt lõi của cuộc sống gia đình chính là yêu thương. Có yêu thương thì không có bạo lực xảy ra, có yêu thương thì không có các vấn đề xung đột, mâu thuẫn xảy ra. Ở đâu có yêu thương, ở đó có bình yên và hạnh phúc. Và có yêu thương, cuộc sống sẽ nở hoa và có thành tựu. 
 

Phạm Mai


Bình luận

Viết bình luận