Tọa đàm kỷ niệm 215 năm ngày sinh danh nhân Louis Braille

Ngày đăng: 05/01/2024 - 1276 lượt đọc

Chiều ngày 04/01/2024, Trung ương Hội Người mù Việt Nam tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề "Chữ Braille trong thời đại công nghệ số" nhân kỷ niệm 215 năm ngày sinh danh nhân Louis Braille (04/01/1809 - 04/01/2024).

Buổi tọa đàm được tổ chức trực tiếp tại hội trường Trung ương Hội kết hợp trực tuyến với sự tham dự của Ban Lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên Hội Người mù Việt Nam, Trung tâm Đào tạo Cán bộ Phục hồi chức năng cho Người mù và đông đảo cán bộ, hội viên các tỉnh thành hội trong cả nước.

Toàn cảnh buổi tọa đàm tại điểm cầu trực tiếp trụ sở Trung ương Hội

Toàn cảnh buổi tọa đàm qua màn hình zoom

Trong niềm tri ân thành kính, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Luis Braille, người khai sinh hệ thống chữ nổi Braille. Đồng thời điểm lại quá trình phát triển của chữ Braille Tiếng Việt cũng như  kết quả trong phong trào học tập rèn luyện và sử dụng chữ Braille của các cấp hội. 

Đồng chí Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam đọc diễn văn tại buổi tọa đàm

“Louis Braille sinh ngày 04/01/1809 tại Coupvray, một làng nhỏ cách Paris khoảng 30 cây số về phía Đông. Cha ông là một thợ làm đồ da và Braille là con út trong một gia đình có 4 người con. Năm 1812, khi mới lên 3, Braille đã bị một vật nhọn trong xưởng làm việc của cha đâm vào mắt làm hỏng mắt trái. Ít lâu sau, con mắt còn lại của ông cũng bị nhiễm trùng và phải cắt bỏ. Từ đó, ông sống trong thế giới tối tăm khi hai mắt không còn ánh sáng. Năm 1819, khi Braille được 10 tuổi, cha mẹ ông đã xin được học bổng cho ông vào Trường Hoàng gia dành cho người khiếm thị trẻ tại Paris, một trong những trường đầu tiên trên thế giới dành cho người khiếm thị. Ở trường, những đứa trẻ được học đọc các ký tự in nổi nhưng không thể học viết do các ký tự được tạo thành nhờ những trang giấy ép lên sợi dây đồng. Điều này đã thôi thúc cậu bé 12 tuổi Louis Braille sáng tạo nên một loại chữ viết dành riêng cho người khiếm thị và cậu đã hoàn thiện vào năm 15 tuổi. Đó chính là tiền thân của chữ nổi Braille.

 Danh nhân Luis Braille

Năm 1828, ông được nhận làm trợ giảng và sau này trở thành thầy giáo tại trường. Ông dạy nhiều môn như văn phạm, địa lý, lịch sử, số học, hình học, đàn piano, cello… và được học sinh vô cùng kính trọng. Cuốn sách đầu tiên của ông bằng chữ Braille ra đời vào năm 1829 với tên gọi “Phương pháp viết chữ, bài nhạc bằng các dấu chấm dành cho người khiếm thị”.Kể từ năm 1854, hệ thống chữ Braille được chính thức đưa vào giảng dạy tại các trường khiếm thị trên khắp nước Pháp và bắt đầu du nhập vào các quốc gia khác trên thế giới.

Luis Braille mất vì bệnh lao phổi vào năm 1952, thi thể ông đã được chuyển đến an táng tại Điện Panthéon ở Paris, nơi an nghỉ của các danh nhân nước Pháp.

Đại biểu Hội Người mù tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tham luận tại toạ đàm

Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu đều cho rằng trong thời đại công nghệ số thì chữ Braille vẫn vô cùng quan trọng trong học tập, công tác và đời sống của người mù. Đồng thời khẳng định sẽ cùng nhau nỗ lực để chữ Braille sẽ trường tồn, kết hợp và đồng hành cùng công nghệ số, hỗ trợ cho quá trình tiếp cận thông tin tri thức giúp người mù vươn lên vui sống tự lập bình đẳng và hoà nhập cộng đồng.

Phạm Mai


Bình luận

Viết bình luận


Các tin khác