Rơi máy bay ở Indonesia: Tìm được 18 thi thể nạn nhân

Ngày đăng: 31/10/2018 - 1598 lượt đọc

Rơi máy bay ở Indonesia: Tìm được 18 thi thể nạn nhân

Rơi máy bay ở Indonesia: Tìm được 18 thi thể nạn nhân
Lực lượng cứu hộ khiêng túi đựng thi thể hành khách từ chuyến bay gặp nạn hôm 29-10. Ảnh: REUTERS

Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia cuối ngày 29-10 xác nhận không có hành khách người Việt Nam nào trên chuyến bay gặp nạn

Một máy bay chở 181 hành khách, 7 thành viên phi hành đoàn của hãng hàng không giá rẻ Lion Air (Indonesia) đã rơi xuống biển sáng 29-10 và rất ít hy vọng tìm thấy người sống sót.

Chiếc Boeing 737 MAX 8 nói trên mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu chỉ 13 phút sau khi cất cánh từ sân bay Soekarno-Hatta ở thủ đô Jakarta lúc 6 giờ 20 phút (giờ địa phương). Sau đó, nhà chức trách xác nhận máy bay rơi xuống vùng biển ngoài khơi Karawang, tỉnh Tây Java, thay vì đến TP Pangkal Pinang trên đảo Sumatra.

Trong số hành khách có khoảng 20 nhân viên Bộ Tài chính và một số cơ quan chính phủ khác. Theo Lion Air, cơ trưởng chuyến bay Bhavye Suneja là một người Ấn Độ, làm việc cho hãng từ tháng 3-2011 và đã có 6.000 giờ bay, còn cơ phó có 5.000 giờ bay.

Phó Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm Cứu nạn quốc gia Indonesia (BASARNAS), ông Nugroho Budi Wiryanto, cho biết hơn 300 thành viên cơ quan này cùng binh sĩ và cảnh sát lập tức được huy động đến hiện trường.

Cuộc tìm kiếm cứu nạn dự kiến kéo dài 7 ngày và gia hạn thêm 3 ngày, nếu cần.

Theo đài CNN, tàu thuyền, trực thăng tập trung rà soát tại khu vực rơi máy bay ở vùng biển Java, cách bờ biển thủ đô Jakarta khoảng 34 hải lý về phía Đông Bắc. Trong khi đó, thợ lặn tìm kiếm ở độ sâu 35 m.

18 thi thể nạn nhân cùng một số đồ đạc và mảnh vỡ máy bay đã được tìm thấy. Đến cuối ngày 29-10, lực lượng cứu hộ chưa tìm thấy người sống sót, phần thân chính của máy bay và hộp đen.

Đáng chú ý, đây là tai nạn đầu tiên liên quan đến máy bay Boeing 737 MAX 8 trên thế giới. Mẫu máy bay này mới được đưa vào hoạt động trên toàn cầu khoảng 18 tháng và được ca ngợi là "đáng tin cậy nhất thế giới".

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Indonesia (KNKT), Lion Air mua chiếc Boeing 737 MAX 8 với sức chở tối đa 210 hành khách này hồi tháng 8 và nó mới bay được khoảng 800 giờ. KNKT cho hay cần điều tra thêm để xác định nguyên nhân tai nạn.

Giám đốc điều hành hãng Lion Air, ông Edward Sirait, xác nhận thông tin chiếc máy bay gặp nạn đã có "trục trặc kỹ thuật" trong chuyến bay vào đêm trước đó nhưng "đã được sửa chữa theo đúng quy trình".

Ông Sirait không tiết lộ đó là trục trặc gì và khẳng định sẽ không ngừng hoạt động các máy bay Boeing 737 MAX 8 khác của họ.

Trong cuộc họp báo chiều 29-10, Giám đốc Novie Riyanto của Cơ quan Điều hành bay Indonesia - AirNav, cho biết phi công đã yêu cầu không lưu cho máy bay quay lại điểm xuất phát chỉ 2-3 phút sau khi cất cánh.

Chuyên gia Alan Diehl cho đài CNN biết các nhân viên điều tra sẽ xem xét 4 yếu tố chính là kỹ thuật, con người, thời tiết và tội phạm. Cho đến giờ, theo ông Diehl, thời tiết dường như không liên quan gì.

Trước mắt, một trong các ưu tiên hàng đầu là tìm ra thiết bị ghi âm buồng lái và dữ liệu chuyến bay để xác định nguyên nhân gây thảm họa. Biên tập viên trang Flightglobal, ông Greg Waldron, nhận định với Reuters rằng máy bay rơi ở vùng biển tương đối nông nên việc thu hồi các hộp đen có thể dễ hơn so với vụ tai nạn ở vùng biển sâu của chuyến bay QZ8501 thuộc hãng Indonesia AirAsia hồi năm 2014.

Kể từ khi hoạt động vào năm 1999, Lion Air đã trải qua một số sự cố và tai nạn. Vụ nghiêm trọng gần đây nhất là hồi năm 2004, một máy bay của hãng gặp nạn lúc hạ cánh tại TP Surakartam, khiến 31 người thiệt mạng.

                                                                                                                                                                              Theo Người Lao động

                                                                                                                                                                                    Phạm Mai (st)