Giáo dục đặc biệt: “Bật mí” của chuyên gia

Ngày đăng: 17/10/2019 - 1254 lượt đọc

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, GD hòa nhập đối với học sinh khuyết tật là một xu thế thời đại và được thực hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. GD hòa nhập được tiến hành với các tiền đề mà theo đó nhà trường sẽ tốt hơn nếu thu nhận mọi trẻ em trong cộng đồng. GV sẽ tốt hơn khi họ có trách nhiệm với mọi trẻ em. Đảm đương được trách nhiệm này, GV sẽ trở nên tích cực hơn và sáng tạo hơn. Tập trung vào nhu cầu

Cần có phương pháp giáo dục đặc thù với trẻ khuyết tật. Ảnh: Minh PhongCần có phương pháp giáo dục đặc thù với trẻ khuyết tật. Ảnh: Minh Phong


Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hải - Trưởng khoa GD Đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: GV hỗ trợ GD hòa nhập cho người khuyết tật là những người trực tiếp thực hiện cung cấp dịch vụ về đánh giá, trị liệu, can thiệp, GD và dạy học cho người khuyết tật và gia đình của người khuyết tật.

Do đó, họ cần có trình độ cao đẳng trở lên về GD hòa nhập hoặc được bồi dưỡng cơ bản và chuyên sâu từ một đến hai chuyên ngành GD hòa nhập; trong đó có thiết kế và tiến hành bài học hòa nhập, đánh giá khả năng của người khuyết tật, đánh giá kết quả chăm sóc, GD và dạy học hòa nhập ở bài học, chủ đề, môn học cụ thể được coi là những năng lực quan trọng nhất của GV trong các cơ sở GD cung cấp dịch vụ GD hòa nhập cho người khuyết tật.

Ở góc nhìn khác, giảng viên Hồ Sỹ Hùng - Trường ĐH Hồng Đức cho rằng, trò chơi đóng vai có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ học GD hòa nhập, nhất là với trẻ khuyết tật trí tuệ. Vì thế, GV cần nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa của trò chơi này, đồng thời lựa chọn, sử dụng trò chơi đóng vai phù hợp với khả năng của trẻ.

Trực tiếp tham gia tập huấn, giảng dạy về GD hòa nhập, ThS Phạm Thị Hải Yến - giảng viên Khoa GD Đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trao đổi: Phương pháp phù hợp là tập trung vào nhu cầu của trẻ và được xác định về cách thức, nội dung, phương pháp. GV nên tập trung nhấn mạnh vào khả năng của trẻ hơn là những hạn chế và khuyết tật. Phương pháp giảng dạy phù hợp bao gồm việc thiết lập thói quen có cấu trúc, lập kế hoạch sáng tạo và linh hoạt, khơi gợi sở thích của học sinh, ngăn chặn “khủng hoảng”, thiết lập mục tiêu và phần thưởng.
Theo giảng viên Hồ Sỹ Hùng, các nghiên cứu đã chỉ ra những ảnh hưởng tích cực của trò chơi đóng vai đến sự phát triển kỹ năng giao tiếp của trẻ khuyết tật trí tuệ. Thông qua trò chơi, kỹ năng chú ý lắng nghe, bắt chước, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ nói và các yếu tố phi ngôn ngữ được cải thiện một cách đáng kể.

Dựa vào đặc trưng này, GV có thể lựa chọn, tổ chức trò chơi nhằm hướng tới mục tiêu phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ; đồng thời lồng ghép kỹ năng giao tiếp vào nội dung chơi để tạo cơ hội cho trẻ được rèn luyện một cách thường xuyên nhằm giúp trẻ dễ dàng tham gia các hoạt động ở trường.


 Ảnh minh họa/ INT


Bồi đắp sở thích của trẻ

ThS Phạm Thị Hải Yến cho rằng, GV cũng nên bồi đắp sở thích của trẻ. Theo đó, GV nên tập trung vào khả năng, sở thích chứ không phải là hạn chế và khiếm khuyết của trẻ; nhất là đối với trẻ rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK) thường có những sở thích và mối quan tâm đặc biệt. Khi các em quan tâm đến đồ vật gì thì khó có thể tham gia vào các chủ đề khác. Vì thế, GV nên quan tâm đến sở thích, kích thích trẻ tham gia vào các bài học. Ví dụ, trẻ có sở thích học vẽ hoặc viết GV truyền đạt kiến thức cho trẻ thông qua học vẽ.

Ngoài ra, GV cần tìm hiểu các sở thích đặc biệt của học sinh để giúp trẻ có động cơ tham gia vào các hoạt động. Khi trẻ RLPTK tham gia vào hoạt động cùng các bạn trong lớp, trẻ sẽ gần gũi với các bạn hơn. Đặc biệt, GV cần quan tâm, kích thích những sở thích, khả năng đặc biệt của trẻ RLPTK làm cho trẻ nổi bật so với các bạn trong lớp. Chẳng hạn như: Trẻ RLPTK giỏi trò chơi xây dựng, GV cho trẻ hướng dẫn các bạn trong lớp chơi trò chơi xây dựng. Trẻ đều có thể tiến bộ với sự hỗ trợ phù hợp.

Cũng theo ThS Phạm Thị Hải Yến, GV cần có phương pháp ngăn chặn hành vi bùng nổ. Theo đó, tầm quan trọng của việc lập kế hoạch để tránh hoặc giảm thiểu sự xáo trộn, hành vi bùng nổ là dấu hiệu cơ bản ở trẻ RLPTK. Nếu trẻ có hành vi bùng phát, GV tìm cách dùng hành vi thay thế cho trẻ hoặc giúp trẻ điều hòa cảm giác, hoặc sử dụng chiến lược phân tâm, dẫn trẻ đến lớp học khác để trẻ có cơ hội bình tĩnh, tránh sự kích thích trong suốt thời gian diễn ra tiết học hoặc cho trẻ làm trợ lý của GV, giúp GV và đấy chính là phần thưởng cho trẻ. GV cố gắng ngăn chặn trước khi có hành vi bùng nổ xảy ra.

Cho rằng, thiết lập mục tiêu cá nhân là vô cùng quan trọng với trẻ em nói chung và trẻ RLPTK nói riêng, ThS Phạm Thị Hải Yến chia sẻ: GV đặt mục tiêu cho trẻ và khi trẻ thực hiện được mục tiêu đó sẽ có phần thưởng. Điều đó giúp trẻ tập trung hơn và ngăn chặn hành vi bùng nổ. Khi trẻ thực hiện nhiệm vụ tốt, sẽ nhận được phần thưởng chơi máy tính hay được làm những gì trẻ muốn. Điều đó tạo ra hành vi tích cực và dễ dàng đưa trẻ hòa nhập vào lớp học. GV sẽ điều chỉnh các bài học để đảm bảo sự hòa nhập của tất cả học sinh trong lớp.

Nhiều trẻ RLPTK có vấn đề về không gian, nếu chật chội, bí bách trẻ sẽ cảm thấy cáu giận, khóc lóc, ăn vạ. Điều đó ảnh hưởng đến các học sinh khác trong lớp. Điều quan trọng là GV nhận ra những dấu hiệu khi trẻ sắp có hành vi bùng nổ để ngăn chặn. Việc loại bỏ các yếu tố kích thích từ môi trường xung quanh sẽ giúp trẻ biết điều tiết cảm xúc, kỹ năng tự điều chỉnh phát triển.


                                                                       Nguồn: Giáo dục và Thời đại

Sưu tầm: Bùi Ngọc Song