Phụ nữ và người khuyết tật có cơ hội tham gia sứ mệnh lên vũ trụ trong tương lai

Ngày đăng: 08/07/2021 - 450 lượt đọc

Các nhà lãnh đạo ESA bắt đầu đợt tuyển dụng mới sau 11 năm, đặc biệt nhấn mạnh vào việc khuyến khích phụ nữ và người khuyết tật tham gia các sứ mệnh lên vũ trụ trong tương lai.Tuyển dụng người khuyết tật làm phi hành gia
Chỉ 65 trong số hơn 560 người từng bay vào vũ trụ là phụ nữ, trong đó có 2 người châu Âu. Cũng chưa có người khuyết tật nào được tuyển dụng và đào tạo để trở thành phi hành gia. Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), một tổ chức liên chính phủ với 17 quốc gia thành viên được thành lập năm 1975, chuyên trách việc thám hiểm vũ trụ, đang cố gắng khắc phục sự mất cân bằng này. Tổng giám đốc ESA Josef Aschbacher tuyên bố tìm kiếm các phi hành gia nữ và người khuyết tật để lần đầu đưa phụ nữ lên Mặt Trăng và Sao Hỏa.

Các nhà lãnh đạo ESA đã bắt đầu đợt tuyển dụng mới sau 11 năm, đặc biệt nhấn mạnh vào việc khuyến khích phụ nữ và người khuyết tật tham gia các sứ mệnh lên vũ trụ trong tương lai. Một số lượng lớn hồ sơ ứng tuyển được gửi về Hội đồng tuyển dụng từ ngày 31/3/2021 và kéo dài trong 18 tháng. Dự kiến kết quả sẽ được công bố vào tháng 10/2022 với 26 người được lựa chọn để trở thành phi hành gia.

Châu Âu tuyển dụng phi hành gia là phụ nữ và người khuyết tật - Ảnh 1.
Dự án tuyển phụ nữ và người khuyết tật của ESA

Theo phi hành gia người Italia Samantha Cristoforetti, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trên các con tàu vũ trụ sẽ tạo điều kiện cũng như cơ hội cho người khuyết tật được tham gia lĩnh vực mà trước đây hầu như họ không thể đặt chân vào.

Tiến sĩ David Parker, Giám đốc chương trình người máy và tàu bay vũ trụ của ESA, cho biết, những người bị khuyết tật chi dưới hoặc những người bị hạn chế tăng trưởng được khuyến khích đăng ký tham gia. Yêu cầu tối thiểu để trở thành một phi hành gia làm việc cho ESA là có bằng thạc sĩ trở lên thuộc các lĩnh vực như: khoa học tự nhiên, khoa học máy tính, kỹ sư, toán học... cùng với 3 năm kinh nghiệm làm việc sau khi tốt nghiệp chương trình sau đại học. Châu Âu mong đợi chính sách tuyển dụng mới của họ sẽ thu hút thêm nhiều phụ nữ và người khuyết tật trở thành phi hành gia cho sứ mệnh chinh phục không gian.

ESA cho biết đã nhận được số lượng nộp đơn kỷ lục, hơn 20.000 người. Trong số này có 5.419 phụ nữ và người khuyết tật. Dù số lượng hồ sơ nhiều nhất từ trước tới nay, tăng 15% so với lần tuyển dụng gần đây nhất vào năm 2008 nhưng số lượng ứng cử viên là nữ chỉ chiếm chưa đến 1/4 trong tổng số hồ sơ đăng ký. Các ứng cử viên sẽ trải qua quá trình sàng lọc chuyên sâu kéo dài hơn 1 năm và quyết định cuối cùng dự kiến được đưa ra vào cuối năm 2022.

Châu Âu tuyển dụng phi hành gia là phụ nữ và người khuyết tật - Ảnh 2.
Claudie Haigneré, nữ phi hành gia đầu tiên của Pháp

Đa dạng hóa phi hành đoàn
Hiện chỉ có ít giám đốc cấp cao của ESA là nữ, gồm: Elodie Viau, Giám đốc Viễn thông; bà Magali Vaissiere, Giám đốc Viễn thông và Ứng dụng tích hợp. Chưa kể đến các vị trí dẫn đầu trong các sứ mệnh không gian, những nhà khoa học và quản lý dự án đa số vẫn là nam giới. Ngay cả nguồn ứng tuyển thì tỷ lệ nữ cũng khá thấp. Năm 2008, chỉ 16% ứng viên tham gia chuyến du hành vũ trụ của ESA là nữ.

Đến nay, mới có 2 nữ phi hành gia của ESA thực hiện được giấc mơ vào không gian là Claudie Haigneré và Samantha Cristoforetti. Bà Claudie Haigneré (sinh năm 1957), nữ phi hành gia đầu tiên của Pháp, từng làm việc tại ESA giai đoạn 1999-2002. Năm 1993, bà là thành viên phi hành đoàn dự phòng trong nhiệm vụ Mir Altair 1993. Bà Haigneré đã ở trên Trạm không gian MIR trong vòng 16 ngày (năm 1996). Năm 2001, bà Haigneré trở thành người phụ nữ châu Âu đầu tiên đặt chân lên Trạm Không gian quốc tế (ISS). Hành tinh 135268 Haigneré được đặt theo tên của bà Claudie và chồng - phi hành gia Jean-Pierre Haigneré.

Châu Âu tuyển dụng phi hành gia là phụ nữ và người khuyết tật - Ảnh 3.
Phi hành gia người Italia Samantha Cristoforetti

Trong sứ mệnh bay vào không gian năm 2022, nữ phi hành gia người Italia Samantha Cristoforetti (44 tuổi) sẽ trở thành người châu Âu đầu tiên nắm quyền chỉ huy Trạm vũ trụ ISS. ESA cho biết, Samantha Cristoforetti sẽ lên ISS cùng với các phi hành gia thuộc Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) là Kjell Lindgren và Bob Hines trên tàu vũ trụ SpaceX Crew. Việc bổ nhiệm Samantha đã được sự đồng thuận của Ban điều hành phi hành đoàn đa phương (MCOP), bao gồm 5 đối tác quốc tế: ESA, NASA, Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos), Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA).

Tổng giám đốc ESA Josef Aschbacher cho biết: "Trải nghiệm mới sẽ đưa Samantha trở thành nữ phi hành gia châu Âu đầu tiên nắm quyền chỉ huy ISS. Việc Samantha được bổ nhiệm vai trò chỉ huy Trạm vũ trụ quốc tế là nguồn cảm hứng cho những người đang nộp đơn xin gia nhập phi hành đoàn của ESA. Tôi khuyến khích phụ nữ nộp đơn ứng cử".

Phát biểu sau khi được giao trọng trách chỉ huy ISS, cô Samantha nói: "Đại diện cho châu Âu trở lại ISS là vinh dự lớn với tôi. Tôi sẽ khiêm tốn học hỏi và mong muốn chia sẻ kinh nghiêm đã trải nghiệm trong không gian để hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo đội Crew-4". Đây sẽ là sứ mệnh không gian thứ hai của nữ phi hành gia này lên ISS. Ngày 23/11/2014, Samantha trở thành 1 trong 3 phi hành gia trên con tàu vũ trụ bay vào không gian từ sân bay Baikonur ở Kazakhstan. Ngày 11/6/2015, cô trở về Trái Đất, trải qua 199 ngày lơ lửng trong vũ trụ. Cô là phi hành gia châu Âu sống ngoài không gian với thời gian không bị gián đoạn dài nhất, phá kỷ lục 193 ngày do nam đồng nghiệp người Hà Lan André Kuipers (thuộc ESA) thiết lập. Trong thời gian đó, cô đã thực hiện thành công thí nghiệm do Cơ quan Vũ trụ Italy đề ra. Đó là phân tích sinh thiết học, nghiên cứu về sinh lý cơ thể, sử dụng máy in 3D chế tạo các bộ phận thay thế cho Trạm vũ trụ Quốc tế... Cuộc du hành ngoài không gian của Cristoforetti trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều phụ nữ khám phá khoa học.


Nguồn: Phụ nữ Việt Nam
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song