Nâng cao năng lực đội ngũ thực hiện trợ giúp pháp lý

Ngày đăng: 15/08/2019 - 695 lượt đọc

Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo góp ý Bộ Công cụ đánh giá nhu cầu năng lực của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý do Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 14/8 tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Minh cho biết: Thực tế, hiện có tới 45-50% dân số của Việt Nam thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý. Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) 2017, số lượng và chất lượng đội ngũ làm công tác TGPL được nâng lên; số người dân, nhất là người dân nghèo, phụ nữ, những đối tượng yếu thế được tiếp cận TGPL cũng ngày càng nhiều hơn; một số vụ việc nhờ có trợ giúp viên pháp lý mà sau khi ra tòa thì đã thay đổi được tội danh khi có cáo trạng của Viện kiểm sát, nhiều vụ việc trợ giúp viên pháp lý bào chữa đã chuyển được khung hình phạt cho đối tượng được trợ giúp pháp lý…Tuy nhiên, việc tiếp cận dịch vụ TGPL của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn…

Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: TH).

Ông Cù Thu Anh, Phó Cục trưởng Cục TGPL dẫn chứng, đơn cử như tại tỉnh Lai Châu, theo báo cáo của địa phương có hơn 340 ngàn người thuộc diện TGPL (chiếm tới 85% dân số), trong khi đó chỉ có 3 TGPL và 4/9 luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm.
Trong khi đó, phương thức truyền thông TGPL tại một số địa phương chưa phù hợp nên người dân chưa tiếp cận và chưa biết đến TGPL; mạng lưới TGPL, người thực hiện TGPL còn mỏng, trình độ năng lực, kỹ năng thực hiện TGPL của một số người thực hiện TGPL còn hạn chế...
Theo TS Dương Thị Thanh Mai, Chuyên gia UNDP, việc xây dựng Bộ Công cụ đánh giá nhu cầu năng lực của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, người thực hiện TGPL nhằm mục đích tìm ra lỗ hổng mà người TGPL hiện nay đang còn thiếu, từ đó khắc phục, nâng cao năng lực, chất lượng cho người thực hiện TGPL.
Dự kiến, Bộ công cụ sẽ được thực hiện khảo sát tại 4 tỉnh: Hà Giang, Thanh Hóa, Hòa Bình, Đồng Tháp.
Tại Hội thảo, đa số ý kiến đều cho rằng cần thiết phải có Bộ công cụ đánh giá nhu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ người thực hiện TGPL nhằm góp phần nâng cao năng lực của người thực hiện TGPL cũng như nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ TGPL của người dân nói chung, người nghèo, đối tượng người yếu thế nói riêng.Tuy nhiên, để làm được điều này, một trong những việc cần ưu tiên trong thời gian tới là dành nguồn kinh phí nhiều hơn cho cácTrung tâm và những người làm công tác TGPL để họ có cơ hội được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng, nâng cao trình độ về tiếp cận, xử lý thông tin.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa các phương thức truyền thông về TGPL phù hợp với từng đặc thù địa bàn, trình độ dân trí của người dân, đặc biệt là phù hợp với nhóm đối tượng như: người dân thiểu số, người khuyết tật, trẻ em…
Để bảo đảm nâng các điều kiện nâng cao chất lượng TGPL, cần nghiên cứu, xây dựng hoặc sửa đổi một số quy định nhằm bảo đảm chế độ, chính sách cho người thực hiện TGPL, tổ chức thực hiện TGPL như: quy tắc nghề nghiệp TGPL; cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc TGPL; chế độ khen thưởng cho người/tổ chức thực hiện TGPL thực hiện nhiều vụ việc TGPL hiệu quả…/.

Nguồn: dangcongsan.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song