Sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN và khu vực tham dự phiên khai mạc của WEF ASEAN 2018. Tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) khai mạc vào sáng 12/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tại WEF ASEAN cấp bộ trưởng và doanh nghiệp, Việt Nam sẽ đưa ra các sáng kiến mới về hòa mạng di động một giá cước toàn ASEAN, hợp tác an ninh mạng, hợp tác đào tạo nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao… WEF ASEAN 2018 có sự tham dự của khoảng 1.000 đại biểu quốc tế và trong nước, trong đó có lãnh đạo cấp cao nhiều nước ASEAN và trong khu vực, cũng như lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu trên thế giới. ASEAN sẽ là trung tâm của đổi mới, sáng tạo Tại phiên khai mạc, các đại biểu tập trung thảo luận về những ưu tiên của ASEAN trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 và phương án phát triển trong kỷ nguyên công nghệ đột phá. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chào mừng khai mạc Hội nghị WEF ASEAN 2018. Ảnh: VGP. “Khi nghĩ đến ASEAN, nhiều người từng nghĩ đến các vùng tài nguyên thiên nhiên hết sức phong phú và rằng Việt Nam là công xưởng sản xuất của thế giới. Tuy nhiên, trong làn sóng Cách mạng Công nghiệp 4.0 và sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ kỹ thuật, ASEAN ngày nay còn được biết đến là một trong những nơi nhiều đổi mới và sáng tạo”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị WEF ASEAN. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, công nghệ cao và kinh tế số là lĩnh vực tiềm năng của nền kinh tế ASEAN với dự báo tăng gấp 4 lần tới trên 200 tỷ USD vào năm 2025. “Những cơ hội Cách mạng Công nghệ 4.0 mang lại cho ASEAN là vô cùng lớn”, Thủ tướng khẳng định đồng thời nêu rõ một số cơ hội như tạo đột phá về năng suất trong ngành công nghiệp lớn gồm hóa chất, điện tử, dầu khí, hàng tiêu dùng, thực phẩm và dược phẩm; thúc đẩy tăng trưởng bao trùm bền vững trên cơ sở Cách mạng Công nghệ 4.0, phát huy các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn là xương sống của nền kinh tế ASEAN và khởi nguồn ý tưởng mới, đi tắt trong công cuộc công nghiệp hóa... Nhắc đến thông tin doanh nghiệp Go-Jerk của Indonesia và Go-Viet sẽ khai trương dịch vụ vận chuyển hành khách trên nền tảng Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự tham dự của Tổng thống Indonesia, Thủ tướng cho rằng, điều đó hứa hẹn sẽ có nhiều hợp tác tốt đẹp trong tương lai. “Chính phủ Việt Nam mong muốn được nhìn thấy nhiều hơn nữa những hợp tác như vậy để nói với toàn thế giới rằng, không khí hợp tác khởi nghiệp đang thực sự lan tỏa trong ASEAN”,
Thủ tướng cho biết. WEF ASEAN 2018 có sự tham dự của khoảng 1.000 đại biểu quốc tế và trong nước, trong đó có lãnh đạo cấp cao nhiều nước ASEAN và trong khu vực, cũng như lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu trên thế giới. Ảnh: VGP/ Quang Hiếu. Thách thức về mất việc làm từ AI, robot Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng các thách thức ASEAN phải đối mặt là rất lớn. Điều nhận thấy rõ là nguy cơ mất việc làm. Theo số liệu, 56% việc làm tại 5 nước ASEAN sẽ chuyển sang trí tuệ nhân tạo và robot, do đó, nguy cơ chấm dứt kỷ nguyên công xưởng châu Á truyền thống. Bên cạnh đó, Cách mạng Công nghiệp 4.0 cũng có thể làm tăng khoảng cách thu nhập và tăng nguy cơ bất ổn xã hội. Trước các thách thức và cơ hội của cuộc Cách mạng 4.0, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất phương hướng phát triển với ưu tiên là kinh tế số, chia sẻ dữ liệu. Thủ tướng đề nghị các nước trao đổi kết nối số, nâng cao hiệu quả các hình thức kết nối, hỗ trợ thương mại điện tử, chính phủ điện tử... “Dữ liệu là nền tảng của Cách mạng Công nghiệp 4.0”, Thủ tướng khẳng định. Bên cạnh đó, Thủ tướng đề xuất xây dựng cơ chế hài hòa, môi trường kinh doanh thuận lợi giúp các doanh nghiệp nội khối đạt được lợi thế và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực trên toàn cầu, đồng thời “ươm mầm tài năng trong khu vực” qua mạng lưới giáo dục ASEAN và hệ thống giáo dục suốt đời. Sau lễ khai mạc, các đại biểu sẽ cùng thảo luận một số vấn đề nổi bật như viễn cảnh kinh tế ASEAN, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ tương lai, xung đột thương mại, chủ nghĩa đa dạng ở ASEAN... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận về Tầm nhìn mới cho khu vực Mekong. Tối cùng ngày, Thủ tướng sẽ chủ trì dạ hội quảng bá Việt Nam với sự tham gia của lãnh đạo các nước và đại biểu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với 20 tập đoàn toàn cầu sáng 12/9. Ảnh: VGP / Quang Hiếu. Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội nghị, 20 Bộ trưởng và Thứ trưởng, trong đó có 5 Phó thủ tướng sẽ tham dự các phiên thảo luận Hội nghị. Trong cuộc họp báo của các đồng chủ trì Hội nghị trước lễ khai mạc, ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nhận định: “Hội nghị là cơ hội tốt để các doanh nghiệp và lãnh đạo để chia sẻ câu chuyện, kinh nghiệm và đặc biệt là các ý tưởng và sáng kiến mới cho ASEAN”. Ông Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất các sáng kiến về tạo một ASEAN “phẳng”, để tất cả đều có thể chia sẻ ý kiến. Đề cập đến cơ hội của các quốc gia đang phát triển trong Cách mạng Công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng các nước đang phát triển có “ít gánh nặng hơn và có thể chuyển dịch nhanh hơn”. Theo ông, Cách mạng Công nghiệp 4.0 cần tập trung vào vấn đề tạo lập chính sách linh hoạt. Bà Sri Mulyani Indrawati, Bộ trưởng Tài chính Indonesia, đồng tình rằng cần tạo lập chính sách linh hoạt để tạo môi trường cởi mở cho các doanh nghiệp và các nước hợp tác, học hỏi từ nhau, đồng thời tạo lập môi trường bình đẳng cho lao động về lâu dài. Hội nghị WEF ASEAN là một trong những hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng và lớn nhất của Việt Nam trong năm 2018, diễn ra từ ngày 11-13/9 tại thủ đô Hà Nội. Hội nghị dự kiến có khoảng 55 thảo luận, tập trung vào những vấn đề chính phủ, doanh nghiệp và người dân các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đang quan tâm trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0. Sáng 12/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch sáng lập WEF, Klaus Schwab, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và tổ chức lễ đón chính thức lãnh đạo cấp cao các nước tham dự Hội nghị. Sau đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch sáng lập WEF và các Trưởng đoàn tham quan góc quảng bá các nước ASEAN trước giờ khai mạc Hội nghị.
Theo VietBao.vn
Đỗ Chiến (st)