Trẻ khuyết tật bị ngược đãi: “Khoảng trống” trong thực hiện quyền trẻ em

Ngày đăng: 08/11/2019 - 1204 lượt đọc

Vụ việc xảy ra tại Trung tâm dạy trẻ tự kỷ Tâm Việt không phải là vụ việc đầu tiên liên quan đến vấn đề trẻ em khuyết tật bị ngược đãi, bị người lớn bỏ lơ. Vậy đâu là nguyên nhân, dù rằng trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bao gồm cả trẻ em khuyết tật ở Việt Nam luôn được quan tâm. Điều 35 Luật Trẻ em 2016 cũng đã quy định rõ các quyền của trẻ em khuyết tật...

Được hòa nhập cộng đồng là quyền của trẻ em khuyết tật.

Những vụ bạo hành đau lòng
Tháng 6/2019, trên một diễn đàn kín dành cho phụ huynh có con mắc hội chứng tự kỷ, xuất hiện những thông tin phản ánh việc dạy học tại một trung tâm dạy trẻ tự kỷ ở mang tên Tâm Việt ở tỉnh Bắc Ninh.
Ở thời điểm đó, hàng loạt phụ huynh chia sẻ trung tâm quảng cáo với những lời hết sức hấp dẫn như: “Huấn luyện trẻ tự kỷ thành nghệ sỹ, kỷ lục gia”; “Nơi duy nhất trên thế giới điều trị được trẻ tự kỷ tuổi dậy thì”… nhưng sự thật lại trái ngược với mong đợi. 
Theo đó, tất cả trẻ được phụ huynh đưa đến đây từ các tỉnh khắp cả nước, xa nhất là TP.HCM, đều theo một phương pháp là: luyện xiếc với 4 kỹ năng là đội chai nước lên đầu; tung 3 -5 quả bóng; đứng thăng bằng trên con lăn, đi xe đạp 1 bánh…
Điều đáng nói là trẻ nhận vào trung tâm không trải qua bất kỳ một bài test kiểm tra mức độ nặng, nhẹ của bệnh. Trẻ tự kỷ, trẻ bị tâm thần, đến người lớn bị trầm cảm… đều được đào tạo chung.

Năm 2025 tất cả trẻ khuyết tật có cơ hội thực hiện đầy đủ các quyền
Trước thực tế đó, cần có một đề án để thực hiện tốt hơn chính sách, quy định của pháp luật nhằm hỗ trợ trẻ em khuyết tật, thúc đẩy khả năng tự lập, hòa nhập cộng đồng của trẻ, hướng tới phát triển hài hòa, tối đa cho trẻ khuyết tật.
Ngày 29/10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018 – 2025, phấn đấu đến năm 2025 tất cả trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng để được hòa nhập cộng đồng và có cơ hội thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em khuyết tật.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để hỗ trợ trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng cũng được chú trọng. 

Dụng cụ dạy học rất thô sơ, là các chai nước, bóng tennis, con lăn được làm bằng sắt, những tấm gỗ cũ… Mặc dù các môn học khá mạo hiểm, dễ khiến trẻ mất thăng bằng, ngã nhưng trong quá trình luyện tập các em không có đồ bảo hộ. Trong quá trình dạy, các giáo viên của Tâm Việt vẫn thẳng tay đánh hoặc nhục mạ khi học sinh không chịu tập luyện. 
Clip ghi lại việc một giáo viên Tâm Việt chỉ tay vào mặt học sinh và hét: “Đùa với bố mày đấy à? Trong túi xách bao giờ cũng có dao đấy nhé”.
Trong giờ ăn, khi học sinh không nghe lời, người nấu bếp dùng đũa đánh liên tiếp khiến học sinh khóc trong hoảng loạn.
Ở Tâm Việt, trẻ lớn được giáo viên cho phép huấn luyện trẻ bé hơn. Có những em học sinh lớn khi hướng dẫn sẵn sàng đánh, tát vào mặt nếu em học sinh bé không chịu tập luyện... 
Vụ việc xảy ra tại Trung tâm dạy trẻ tự kỷ Tâm Việt không phải là vụ việc đầu tiên liên quan đến vấn đề trẻ em khuyết tật bị ngược đãi, bị người lớn bỏ lơ.
Năm 2018, ông Phạm Văn Hùng ở xã Phú Đức, huyện Long Hồ, Vĩnh Long đã gửi đơn cầu cứu chính quyền về việc cháu ruột ông là bé Hồ Hữu Phước sinh năm 2001 là đối tượng khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội bị mẹ ruột của mình là Phạm Thị Tuyết Mai ngược đãi không cho ăn, uống, thường xuyên bị nhốt trong nhà cả ngày, không được tắm, rửa và đi tiêu, tiểu ngay trong nhà.
Một số người hàng xóm của cháu Phước thấy cháu tội nghiệp nên thường đem cơm, nước sang cho cháu và gặp mẹ cháu để nói chuyện về chăm sóc con nhưng chỉ nhận lại được những lời lẽ khiếm nhã từ chị này. Sau lá đơn của ông Hùng và sự can thiệp của chính quyền địa phương, cháu bé đã được Trung tâm Công tác xã hội Vĩnh Long tiếp nhận nuôi dưỡng…
Năm 2017, theo báo cáo của 55/63 tỉnh/thành phố, cả nước có 202.085 trẻ khuyết tật, chiếm 0,7% số lượng trẻ em. Tuy nhiên, theo Tổ chức UNICEF tại Việt Nam, số liệu thống kê này không khớp và chắc chắn còn rất ít so với tính toán của Tổ chức Y tế thế giới.


 Những đứa trẻ ở Tâm Việt phải sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, mất vệ sinh.

Đặc biệt, các dạng khuyết tật liên quan đến tâm bệnh chưa được quan tâm và thống kê đầy đủ; khảo sát từ các địa phương, nhiều số liệu liên quan hầu như không được báo cáo cụ thể như tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em khuyết tật, lạm dụng trẻ em khuyết tật ở khía cạnh tình dục, bóc lột sức lao động...
Tháng 11/2019, tại hội thảo hướng dẫn thực hiện các quyết định của Thủ tướng chính phủ liên quan đến công tác trẻ em do Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức UNICEF tại Việt Nam phối hợp tổ chức, bà Phạm Thị Lan, đại diện Tổ chức UNICEF cho biết, ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ trẻ từ 2-17 tuổi bị khuyết tật chiếm 2,79%.
Trong khi dạng khuyết tật phổ biến của người trưởng thành là khuyết tật vận động thì dạng khuyết tật phổ biến nhất ở trẻ em là thần kinh – tâm lý – xã hội chiếm 3,08% trẻ em độ tuổi từ 2-4 và 2,24% trẻ em độ tuổi từ 5-17. 

Chăm sóc trẻ khuyết tật còn hạn chế
Cũng theo bà Phạm Thị Lan, trẻ em khuyết tật phải đối diện với rất nhiều khó khăn, ngay từ những bước đầu tiên của cuộc đời là đăng ký khai sinh. Bà Lan cho biết, trẻ khuyết tật thường bị giấu hoặc bị bỏ rơi, vì thế có xu hướng chiếm tỷ lệ cao trong số những trẻ không được khai sinh khi sinh ra.
Việc thiếu giấy khai sinh nói riêng và thiếu các giấy tờ khác như: thẻ BHYT, giấy xác nhận khuyết tật, số hộ nghèo, chứng minh thư… nói chung dẫn đến việc các em không được hưởng bảo trợ xã hội. 
Một khó khăn nữa là trẻ em khuyết tật bị bạo lực, xâm hại và bỏ mặc ngay từ chính gia đình của mình. “Khoa học đã chứng minh vấn đề quá tải sẽ làm tăng đáng kể khả năng bạo lực, xâm hại và bỏ mặc. Các bậc cha mẹ nếu không được hỗ trợ đầy đủ sẽ dễ bị quá tải vì nhu cầu phải liên tục chăm sóc trẻ khuyết tật về mặt tình cảm, xã hội, tài chính. Các chuyên gia hỗ trợ trẻ dễ bị quá tải khi họ không được hỗ trợ đủ để cân bằng giữa yêu cầu công việc và nguồn lực phù hợp: tập huấn nâng cao, hỗ trợ tâm lý, thời gian nghỉ ngơi…”, bà Lan phân tích. 
Việc giáo dục cho trẻ khuyết tật cũng là con số buồn khi cứ 7 giáo viên thì mới có một người được đào tạo để dạy trẻ khuyết tật ở cấp trung học; chỉ có 55% người khuyết tật ở độ tuổi 5-24 đang đi học được miễn giảm học phí; chỉ 2,9% trường học có thiết kế phù hợp với trẻ khuyết tật, 9,9% trường có công trình vệ sinh thiết kế phù hợp; tỷ lệ đi học đúng tuổi ở ba cấp học của trẻ khuyết tật luôn thấp hơn trẻ bình thường rất nhiều và bậc học càng cao thì con số này càng tụt (tiểu học 81,69% trẻ khuyết tật/96,05% trẻ bình thường; THCS 67,43/88,59%; THPT 33,56/68,65%).
Cũng như người khuyết tật, trẻ khuyết tật cần được chăm sóc y tế nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 57,3% số trạm y tế có chương trình phục hồi chức năng; chỉ 2% trẻ khuyết tật từ 2-15 tuổi điều trị tại cơ sở phục hồi chức năng khi bị ốm, bệnh, chấn thương; chỉ 1/8 nhân viên được đào tạo về phục hồi chức năng.
“Và ngay cả khi có các dịch vụ cho người khuyết tật, trẻ khuyết tật thì họ chưa chắc đã sử dụng được vì tỷ lệ trạm y tế có công trình vệ sinh thiết kế phù hợp chỉ chiếm 22,4%; 41,7% trạm y tế có lối đi, đường dốc cho người khuyết tật; chỉ 16,9% trạm y tế có thiết kế phù hợp tiêu chuẩn người khuyết tật” – bà Phạm Thị Lan cho biết… 

Chính sách chưa quan tâm nhu cầu, quyền tiếp cận cộng đồng của trẻ khuyết tật
Lý giải nguyên nhân về việc trẻ khuyết tật khó tiếp cận được các khía cạnh của quyền trẻ em, các chuyên gia đến từ Cục Trẻ em, Tổ chức UNICEF tại Việt Nam cho rằng: Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để đáp ứng về cơ bản quyền của trẻ khuyết tật song hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế vì chính sách của chúng ta thiên về bảo trợ và giáo dục hòa nhập mà chưa quan tâm nhu cầu, quyền tiếp cận cộng đồng của các em; công tác quản lý đối tượng để nắm bắt số lượng, nhu cầu của trẻ em khuyết tật hạn chế, mới chỉ giới hạn trẻ em khuyết tật nặng hoặc nhóm trẻ em khuyết tật thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo.
Bên cạnh đó, các dịch vụ xã hội mới đáp ứng nhu cầu cơ bản là sống còn, tồn tại mà chưa thật sự quan tâm nhu cầu phát triển của trẻ, nhất là tại các gia đình nghèo, ở những vùng sâu, vùng xa, vấn đề này còn bất cập hơn nhiều; công tác quản lý, phối hợp giữa các lĩnh vực chưa chặt chẽ, hài hòa...
Các dịch vụ trợ giúp trẻ khuyết tật tại Việt Nam còn rải rác, do các kênh ngành dọc điều phối, thiếu sự kết nối, thiếu vắng hệ thống chính sách sức khỏe, giáo dục toàn diện cho trẻ em khuyết tật.

Nguồn: baophapluat
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song