Quan tâm trợ giúp nạn nhân chất độc da cam phục hồi chức năng tại gia đình

Ngày đăng: 06/08/2021 - 746 lượt đọc

Chất độc hóa học (CĐHH) do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đã làm hơn 4 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó hơn 3 triệu người là nạn nhân; hàng trăm nghìn người đã chết, hàng triệu người mắc các chứng bệnh nan y, hiểm nghèo... Cuộc sống của nhiều nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) rất khó khăn, chật vật, do bị dị tật, dị dạng, nhiều trường hợp mất ý thức, không có cơ hội tham gia lao động, hòa nhập cộng đồng.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp đã ban hành, thực thi nhiều chính sách và quan tâm hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân CĐDC, người khuyết tật (NKT). Tuy nhiên, những di chứng nặng nề gây nhiều khó khăn cho nạn nhân CĐDC và gia đình, nhất là với những nạn nhân bị đa dị tật, dị tật nặng, trong khi điều kiện chăm sóc, khám, chữa bệnh cho nạn nhân CĐDC, NKT ở cộng đồng còn hạn chế. Do vậy, trợ giúp nạn nhân CĐDC bị khuyết tật được phục hồi chức năng tại gia đình là hết sức cần thiết, nhằm hỗ trợ nạn nhân hồi phục sức khỏe, từng bước tự lập trong sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Phục hồi chức năng cho nạn nhân CĐDC tại gia đình là giải pháp xã hội hóa công tác phục hồi chức năng tốt nhất, thu hút được người thân trong gia đình, các tình nguyện viên, các đoàn thể xã hội và chính quyền cơ sở tham gia. Đây cũng là hình thức hiệu quả làm thay đổi quan niệm của cộng đồng đối với nạn nhân CĐDC bị khuyết tật, tạo thuận lợi nhất cho nạn nhân hòa nhập với gia đình và xã hội.

Trao xe lăn tặng nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật tỉnh Bạc Liêu. (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: QUÂN QUANG

Phục hồi chức năng tại gia đình đạt tỷ lệ nạn nhân bị khuyết tật được phục hồi cao, có thể triển khai rộng rãi, tăng số nạn nhân có cơ hội được phục hồi chức năng, đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người bệnh và phù hợp với điều kiện sinh sống. Các chương trình phục hồi chức năng tại gia đình cơ bản phù hợp với hoàn cảnh địa lý, tập quán sinh hoạt, điều kiện kinh tế, ít tốn kém, giúp người bệnh dễ áp dụng.

Phương pháp này còn thu hút được nhân lực tại gia đình, địa phương; tận dụng được các phương tiện tại chỗ, hoặc gia đình có thể tự làm các dụng cụ trợ giúp, phương tiện tập luyện bằng các nguyên liệu sẵn có, góp phần giảm chi phí phục hồi chức năng. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là kết quả phục hồi chức năng cho những trường hợp khó, nạn nhân nặng... thường đạt thấp; đặc biệt hầu hết các gia đình nạn nhân CĐDC đều thuộc diện khó khăn, không có nhân lực và chuyên môn để thường xuyên theo dõi, giúp đỡ... ảnh hưởng đến kết quả phục hồi chức năng. Để nâng cao hiệu quả trợ giúp nạn nhân CĐDC/dioxin bị khuyết tật phục hồi chức năng tại gia đình, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước hết, cần tăng cường tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, xã hội và gia đình về vấn đề này, bởi nhiều gia đình chưa chú trọng đúng mức đến việc giúp đỡ người bệnh hoạt động, vận động, phục hồi chức năng...

Thực tế, việc chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân CĐDC tại gia đình đã được thực hiện từ lâu, song chưa được tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng. Trong 4 năm (2014-2017), Dự án “Tổ chức phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam”, do các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Trường Đại học Y tế công cộng và Bộ Y tế tiến hành, đã thu được kết quả khả quan. Dự án đã xây dựng và duy trì được mạng lưới gần 1.200 cộng tác viên phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng tại 13 huyện thuộc 6 tỉnh: Lào Cai, Thái Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đồng Nai và Bến Tre; đã phát hiện khuyết tật và đánh giá nhu cầu phục hồi chức năng cho gần 22.700 nạn nhân, NKT; đã có gần 13.200 NKT, trong đó nhiều nạn nhân CĐDC được các cộng tác viên đánh giá nhu cầu phục hồi chức năng, lập kế hoạch và hướng dẫn phục hồi chức năng tại gia đình, tư vấn và chuyển giao kiến thức cho nạn nhân và thành viên gia đình nạn nhân; hướng dẫn gia đình làm các dụng cụ trợ giúp phù hợp để hỗ trợ quá trình tập luyện, phục hồi chức năng tại nhà của nạn nhân. Gần 2.000 nạn nhân là NKT đã có tiến bộ trong tập luyện, phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng; thể lực, sức khỏe, khả năng vận động được cải thiện.

Trợ giúp phục hồi chức năng cho người NKT do di chứng CĐDC là tình cảm, trách nhiệm của cộng đồng. Việc trợ giúp nạn nhân, NKT hòa nhập cộng đồng cần có sự chung tay của gia đình và xã hội, trong đó, hỗ trợ phục hồi chức năng tại gia đinh là mô hình, giải pháp hiệu quả, phù hợp trong điều kiện thực tế nước ta. Để đạt được kết quả cao, cần có sự tham gia, phối hợp đồng bộ của Nhà nước, các cấp chính quyền, cộng đồng và gia đình. Mong rằng, thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tích cực để hỗ trợ mô hình đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, Dự án “Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân CĐDC/dioxin giai đoạn 2018-2021”, được Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực tại 11 tỉnh, thành phố tham gia dự án, sẽ là cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng để tổng kết, nhân rộng mô hình phục hồi chức năng tại gia đình cho nạn nhân CĐDC, góp phần chăm sóc tốt hơn, giúp nạn nhân phục hồi sức khỏe, từng bước ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Nguồn: qdnd.vn

Sưu tầm: Ngọc Song


Bình luận

Viết bình luận