Khóc cười chuyện lập nhóm kín phụ huynh trên mạng xã hội

Ngày đăng: 30/10/2018 - 872 lượt đọc

Dân trí Việc lập nhóm kín phụ huynh trên mạng xã hội có nhiều tác dụng. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, cần có quy tắc ứng xử giữa các thành viên, không vin vào đó để làm ảnh hưởng tới trẻ.

Con bị đuổi học vì mẹ lập group kín bàn chuyện học

Năm nay, con gái anh Dũng học lớp 2 ở trường tiểu học trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội. Anh Dũng cho biết, sau cuộc họp phụ huynh đầu năm, các bố mẹ trong lớp đã lập một group chung.

“Trước đây có việc gì, tôi đều phải điện thoại cho cô chủ nhiệm. Tuy nhiên, từ khi có group chung này, có việc gì chúng tôi thông tin cho nhau ngay. Có hôm con gái tôi bị lạc mất vở, tôi đăng tin trên nhóm, ngay lập tức có mẹ thông báo đã thấy vở của cháu vì bạn cầm nhầm…

Hoặc khi lớp có hoạt động tập thể gì, chúng tôi bàn tán sôi nổi để đi đến quyết định chung, không cần phải họp hành gì nữa… Nhìn chung tôi thấy rất tiện và khá thú vị”, anh Dũng nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tốt, việc lập các nhóm kín cũng đưa lại những phiền toái, không hay.

Cách đây không lâu, một phụ huynh ở Hà Nội phản ánh việc con mình bị trường mầm non cho thôi học vì chị lập group kín khoảng 10 thành viên, có con học chung lớp nhằm giúp bố mẹ tham gia ý kiến.

Mục tiêu ban đầu của chị khi lập nhóm là mong muốn có một nơi để các mẹ có thể trao đổi, chia sẻ những ý kiến, thông tin và kinh nghiệm nuôi dạy con, những vấn đề liên quan đến các con, cũng như thông tin tình hình ở lớp.

Việc lập nhóm không có gì hơn, nhằm cùng nhau chia sẻ thông tin, kinh nghiệm chăm sóc và nuôi dạy con với các mẹ trong lớp, không phải để kết bè, kéo cánh hay bới móc, bêu xấu trường của con.


TS Trần Thành Nam: Không thể cấm cấm các nhóm thành lập để theo dõi học tập và trao đổi thông tin của con trong thời đại này. (Ảnh minh họa: Internet).

TS Trần Thành Nam: Không thể cấm cấm các nhóm thành lập để theo dõi học tập và trao đổi thông tin của con trong thời đại này. (Ảnh minh họa: Internet).

Tuy nhiên, những than phiền về chất lượng dạy và học của chị cùng các phụ huynh khác trong nhóm này đã bị lọt ra ngoài, khiến nhà trường cho con chị thôi học. “Phải chăng tiêu chí của nhà trường mà mình không đạt được là im lặng, không được phép kêu ca, phàn nàn bất cứ vấn đề gì? Đóng tiền xong, trường cho con mình ăn gì, dạy gì, phụ huynh không được lên tiếng?”, phụ huynh này cho biết.

Gần đây, cộng đồng mạng lại xôn xao việc một phụ huynh tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ trên Facebook cá nhân về cái cà vạt của trường nên con chị bị đuổi học.

Đại diện nhà trường cho biết, hai bên đã trao đổi về chuyện cà vạt, có tranh luận nhưng cuối cùng hai bên không tìm được sự đồng thuận trong cách hành xử và giáo dục học sinh nên phụ huynh xin rút học bạ chứ không phải nhà trường đuổi học em này.

Mặc dù những sự việc trên đã khép lại, tuy nhiên nhiều người cho rằng, cho dù các nhóm trò chuyện kín trên mạng xã hội, cũng cần có quy tắc ứng xử để các bên không phải tổn thương, nhất không ảnh hưởng tới con trẻ.

Lấy “tôn trọng nhau” làm chuẩn

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, cho dù là các nhóm kín nhưng đã đưa lên mạng xã hội, các thành viên cần có quy tắc ứng xử văn hóa, không xúc phạm lẫn nhau hoặc vin vào đó để làm ảnh hưởng tới trẻ.

“Trước mỗi một sự việc được đưa ra, các thành viên nên trao đổi thẳng thắn để góp ý, không nên bàn luận hoặc xúc phạm nhau. Cần đưa giá trị tôn trọng lên cao, giúp đỡ nhau chứ không phải miệt thị hoặc xúc phạm”, TS Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm, ông đã từng nghe câu chuyện có học sinh bị đuổi học vì nhà trường cho rằng bố mẹ phàn nàn về trường trên mạng xã hội. Vì thế theo ông Lâm, mọi việc đều có tính hai mặt. Phản ánh cái chưa đúng thì được nhưng nếu sự việc đó chưa được điều tra kĩ càng, bố mẹ không nên vội vàng đưa lên mạng xã hội, làm vi phạm đến tập thể khác, gây rối loạn mọi việc.

“Ở trên mạng xã hội, thường không có ai làm “trọng tài”. Do vậy, mỗi thành viên tham gia cần lấy chuẩn tôn trọng nhau làm chính. Đồng thời phải có ai đó đứng đầu, để chủ động định hướng phụ huynh trao đổi theo hướng tích cực hoặc thầy không phù hợp thì không cho đăng tải.

Một khi những lời nói của mình trên mạng xã hội không mang hạnh phúc cho người khác mà mang đế sự khổ đau là chưa được”, ông Lâm khẳng định.


Bên cạnh những mặt tốt, việc lập các nhóm kín cũng đưa lại những phiền toái, không hay. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh những mặt tốt, việc lập các nhóm kín cũng đưa lại những phiền toái, không hay. (Ảnh minh họa)

TS Trần Thành Nam (giảng viên Trường Đại học Giáo dục) cho biết, không thể cấm các nhóm thành lập để theo dõi học tập và trao đổi thông tin của con trong thời đại này.

Nhưng bố mẹ phải cần được giáo dục về social media literacy, nghĩa là phải được cung cấp thông tin về những nguyên tắc tương tác trên mạng, phải có những nguyên tắc trao đổi được thống nhất.

Ví dụ, nội dung trao đổi chỉ đề cập đến những vấn đề nào, thông tin trên nhóm chung phải có tính bảo mật. Đặc biệt, các câu chuyện có liên quan đến trẻ em phải theo nguyên tắc từ tâm và không gây hại

“Tôi có một nhóm sinh viên. Tôi thống nhất việc trao đổi thông tin trên nhóm gồm mấy điều ngắn gọn như dưới đây:

Tôi tôn trọng. Phát ngôn trước hết phải nghĩ 2 lần để xem đã thực sự tôn trọng người khác chữa

Tôi trách nhiệm. Liệu những phát ngôn, lời nói của mình đã được cân nhắc về tính trách nhiệm chưa. Liệu tôi đã kiểm định thông tin đúng đắn chưa

An toàn. Liệu những phát ngôn của tôi có góp phần tạo ra một môi trường an toàn và bình đẳng giữa những học sinh trong cùng 1 lớp không.

Tôi sẵn sàng. Tôi luôn sẵn sàng giải thích và làm sáng rõ những quan điểm, cách tiếp cận của tôi một cách thân thiện.

Theo TS Nam, nhìn chung cần có bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội sao cho phù hợp để không gây tổn thương giữa các thành viên và nhất là với trẻ.

                                                                                                                                                                                        Theo Dân Trí

                                                                                                                                                                                      Nguyễn Triệu (st)