Cuốn sách tiếng Anh của tác giả khiếm thị người Việt

Ngày đăng: 10/03/2019 - 801 lượt đọc

Ca, nhạc sĩ Sỹ Luân dìu chị  Lê Dương Thế Hạnh ra sân khấu tham dự buổi ra mắt sách /// HOA NỮ

Ca, nhạc sĩ Sỹ Luân dìu chị Lê Dương Thế Hạnh ra sân khấu tham dự buổi ra mắt sách HOA NỮ

Năm 2003, tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Nhật Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, sau đó chị Hạnh được nhận vào làm thư ký kiêm thông dịch viên cho một giám đốc người Nhật Bản. Không lâu sau đó  chị  Hạnh chuẩn bị kết hôn như bao nhiêu người con gái khác. Những tưởng hạnh phúc luôn mỉm cười với chị nhưng...cái ngày không mong đợi đấy đã đến trước ngày lẽ ra chị được hạnh phúc.

 Bình yên sau giông bão

Đó là ngày bác sĩ phát hiện ra khối u nơi bán cầu não trái. Và cũng từ đó cuộc đời chị Hạnh sang trang. Trải qua 3 lần phẫu thuật và 27 tia xạ trị, chị Hạnh cũng trở về lại cuộc sống nhưng là người mù, chân tay yếu không đi lại được, phát âm không rõ lời cùng nhiều di chứng khác.

Cuốn sách tiếng Anh của tác giả khiếm thị người Việt - ảnh 1

Chị Hạnh chia sẻ về câu chuyện cuộc đời mình tại buổi ra mắt sách HOA NỮ

Cũng những tưởng cuộc đời đã hoàn toàn dập tắt mọi niềm tin vào cuộc sống của chị Hạnh nhưng rồi  những công việc cộng đồng đã mang đến niềm vui để chị tiếp tục với cuộc sống của mình. Hạnh là cô giáo dạy tiếng Anh, tiếng Nhật miễn phí cho người khuyết tật trên mạng, là chủ trang web và trưởng nhóm thiện nguyện cùng tên “Sắc màu hy vọng”. Cách đây hơn 2 năm, dưới sự hỗ trợ của người thầy khiếm thị ở mái ấm Thiên Ân TP.HCM, chị Hạnh đã vận động và thành lập dự án thư viện chữ nổi dành cho người mù tại mái ấm. Đầu năm 2016, với sự hỗ trợ của bạn bè, người quen, chị Hạnh đã hoàn thành phần mềm từ điển nói Nhật – Việt đầu tiên cho cộng đồng người khiếm thị VN…

Thang 12. 2015 chị cho ra đời cuốn tiểu thuyết tự sự đầu tay trong bóng tốiCó một mặt trời không bao giờ tắt. Theo chị, mặt trời này không mọc và lặn theo quy luật tự nhiên mà tỏa sáng trong tim mỗi chúng ta, đó là mặt trời của niềm tin, hy vọng và của tình thương yêu.

Số phận đã cùng lúc lấy đi tương lai, sức khỏe, hạnh phúc, sự nghiệp của chị Hạnh nhưng chính sự bẽ bàng của con tàu số phận này đã giúp Hạnh nhận ra đắng cay và hạnh phúc. Như một ai đó đã từng nói, ngọc chỉ có thể tìm được trong đá, sen chỉ có thể lớn lên trong bùn. Cũng như  hạnh phúc thật sự chỉ có thể tìm thấy khi trải qua những mất mát, đắng cay. Từ chị Hạnh đã chắp bút cho cuốn sách thứ 2 của mình mang tên Bình yên sau giông bão.

Và lần này, chị cho ra mắt sách tiếng Anh với tựa đề The Sun Of Love (Mặt trời yêu thương). Chị lấy cái tên này bởi nền tảng để cho ra đời cuốn sách tiếng Anh do một người khiếm thị chắp bút mà chị khẳng định đó chính là tình yêu thương.

Có tình yêu thương là có tất cả

Tại buổi ra mắt sách sáng nay (10.3), khi được khán giả hỏi về những khó khăn để một người khiếm thị như chị nhưng có thể viết được một cuốn sách bắng tiếng Anh, chị Hạnh cho rằng nếu nói về khó khăn thì chắc có lẽ nói cả ngày không hết.

Bởi chị Hạnh đến với bóng tối trong giai đoạn đẹp nhất của đời người, khác với những bạn bị khiếm thị từ nhỏ, thì bóng tối dường như đã trở thành điều hiển nhiên và các bạn không trải qua một cú sốc quá lớn như chị Hạnh. Nên những kỹ năng để thích nghi với cuộc sống không có ánh sáng của chị rất yếu, đặc biệt là kỹ năng về tin học. Người mù sử dụng tin học chủ yếu dựa vào tay và tai nhưng cả tay và tai của chị đều rất yếu, cho nên vấn đề đã khó lại càng khó hơn.

“Sợ nhất là những lúc tra từ điển, mò mẫm mãi không được, rồi cái máy đánh vần thì chữ “T” nghe cũng giống chữ “Đ” mà chữ “B” cũng giống “P”, những lúc như vậy chỉ muốn đập luôn cái máy. Nhưng rồi bình tỉnh lại, nghĩ về những người mình yêu thương thì mọi khó khăn đều vượt qua được hết…”, chị Hạnh kể.

Khó khăn lại chồng chất khó khăn nhưng rồi chị cũng vượt qua được, trên chặng đường đó, theo chị có rất nhiều những “cô tiên, ông bụt” xuất hiện. Đơn cử như một chị người Mỹ, chưa một lần gặp mặt, chưa một cái bắt tay nhưng chấp nhận bỏ ra hàng tháng trời để hiệu đính lại cuốn sách của chị Hạnh theo văn phong Anh ngữ…

Rất nhiều những tình cảm đáng quý đã khiến chị Hạnh phải thốt lên: “Người ơi, hơn 2 năm mò mẫm trong bóng tối, bút mực nào, ngôn từ nào giúp tôi nói hết những ân tình để ước mơ của tôi thành hiện thực. Nhiều lắm người ơi, để rồi hơn 800 ngày qua, tôi nhận ra chỉ có tình yêu thương là có tất cả và nhờ tình yêu thương của tất cả mọi người mà Hạnh vượt qua được tất cả những khó khăn”.

Chị Hạnh nói: “Vẫn chỉ là bóng tối nhưng ngập tràn tình người, niềm tin và h vọng. Bạn ơi, xin hãy một lần nhắm mắt và cảm nhận vạn vật bằng trái tim. Bởi có lẽ lúc ấy, bạn sẽ phần nào cảm thông cho những nỗi thiệt thòi của người khiếm thị và cùng tôi chung tay đóng góp để hoàn thiện hơn nữa những thư viện chữ nổi mini để người mù có thêm cơ hội học tập và sống có ích cho đời”.

Hãy sống vì những người yêu thương

Tại buổi ra mắt, một khán giả đã hỏi chị Hạnh về biệt danh “Mỹ nhân gạo lứt”. Chị Hạnh dí dỏm chia sẻ: “Khi còn làm thông dịch viên thì sếp ưu ái gọi Hạnh là mỹ nhân. Nhưng không may số phận đẩy đưa như ngày hôm nay thì Hạnh cũng tự nuôi dưỡng tinh thần của mình và vẫn gọi mình là mỹ nhân. Nhưng trọng lượng của mình đột nhiên tăng bất thường sau nhiều lần phẫu thuật nên cứ ăn gạo lứt để giảm cân vậy mà trọng lượng vẫn cứ tăng đều theo năm tháng nên có biệt danh mỹ nhân gạo lứt cũng từ đó mà ra”.

Nói rồi chị Hạnh cười tươi sảng khoái và gửi gắm: “Hạnh mong rằng mỹ nhân gạo lứt đi đến đâu là mọi người cười đến đó. Những lúc rảnh rỗi, Hạnh viết những bài chia sẻ trên trang Facebook cá nhân để chúng ta cùng cười và cùng nhìn cuộc sống một cách tích cực và lạc quan, để thấy mình không phải là một người bất hạnh nhất”.

   

Đúng như chị Hạnh nói, cả khán phòng đều ấm lòng, đều mỉm cười đầy yêu thương khi nghe Hạnh chia sẻ. Bởi câu chuyện cuộc đời của chị, dù đau thương, dù bất hạnh nhưng lại được kể bằng trái tim của một người đầy niềm tin, nghị lực và lạc quan như chị.

Rồi chị kết lại câu chuyện: “Trong chữ vững vẫn tồn tại dấu ngã, trong chữ hiểu vẫn tồn tại dấu hỏi và trong nhẹ vẫn tồn tại dấu nặng. Vậy thử hỏi cuộc sống này có thực sự chỉ toàn những điều hoàn hảo. Mình phải tự an ủi bản thân là hãy nhìn cuộc sống bằng những suy nghĩ tích cực, hãy sống vì những người yêu thương mình. Dù không nhìn thấy được, nhưng Hạnh vẫn cảm nhận được luôn có một thứ ánh sáng dịu kỳ, thứ ánh sáng không đến từ ông mặt trời trên cao mà đến từ tình yêu thương trong tim mỗi chúng ta”.

                                                                                                                                                                               Theo Thanh Niên

                                                                                                                                                                           Hoàng Xuân Hạnh (st)