Những sáng kiến vì người khuyết tật

Ngày đăng: 12/03/2021 - 950 lượt đọc

Bên cạnh các giải pháp, phát minh sáng chế trong lĩnh vực lao động sản xuất, ngày càng có nhiều sáng kiến được tạo ra nhằm hỗ trợ cho người khuyết tật, người cao tuổi, người bệnh.

Nhóm học sinh Phạm Phương Vy, Phạm Gia Bảo, Nguyễn Quốc Bảo Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ (xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) vận hành thử nghiệm Giường bệnh hỗ trợ tập vật lý trị liệu. Ảnh: Phạm Quang

 

Việc làm này thể hiện sự quan tâm của cộng đồng với người khuyết tật, người bệnh, góp phần hỗ trợ họ hòa nhập cộng đồng, chăm sóc sức khỏe.

* Giúp người khuyết tật vận động

Với mong muốn giúp người khuyết tật về chân, về mắt vừa thuận tiện di chuyển, vừa có thể tự chủ việc nghỉ ngơi trong quá trình mưu sinh dọc đường, em Lê Nguyễn Ngọc Bích, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức (TP.Biên Hòa) và giáo viên hướng dẫn Nguyễn Thị Lệ Tuyền đã nảy ra sáng kiến thực hiện một thiết bị vừa là gậy chống khi di chuyển kết hợp ghế ngồi với tên gọi: Gậy thông minh kết hợp ghế ngồi.

Chia sẻ về động lực để làm thiết bị này, em Ngọc Bích nói: “Có rất nhiều người khuyết tật phải đi bán vé số khắp các con đường trong thành phố, nắng cũng như mưa rất vất vả. Em chứng kiến các cô, chú, ông bà chân không lành lặn, ngồi bệt giữa nền vỉa hè để nghỉ ngơi hay ăn uống. Em luôn ước mơ, mình có thể làm ra một chiếc gậy tích hợp thêm ghế ngồi để giúp người sử dụng có thể ngồi khi cần thiết”.

Nhờ có sự giúp đỡ của giáo viên hướng dẫn, Ngọc Bích đã sử dụng vật liệu là ống nhựa, miếng sắt hình chữ nhật, ốc vít, đèn led, pin lắp nối với nhau để tạo ra chiếc gậy kết hợp mặt ghế, chân ghế, đèn chiếu sáng. Nguyên tắc hoạt động, vận hành của thiết bị này cũng rất đơn giản: khi ở chế độ bình thường, sản phẩm là chiếc gậy nhưng khi cần sử dụng, người dùng ấn nút trên gậy, lập tức ghế ngồi sẽ được bật ra, khi không ngồi nữa chỉ cần ấn nút cho ghế ngồi gấp gọn lại như chiếc gậy thông thường.

Mong muốn hỗ trợ người khuyết tật chân thuận lợi hơn trong việc di chuyển, nhóm học sinh Trường THCS Thừa Đức (xã Thừa Đức, H.Cẩm Mỹ) gồm Lê Thị Hoàng Giang và Nguyễn Trúc Kỳ cùng giáo viên hướng dẫn Nguyễn Hữu Thọ đã sáng chế sản phẩm Chân giả hỗ trợ người chấn thương bàn chân.

Theo chia sẻ của Hoàng Giang và Trúc Kỳ, trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày, dụng cụ hỗ trợ cho người bị thương ở chân, khuyết tật chân khi sử dụng phải dùng lực của tay để cơ thể di chuyển vì vậy gây khó khăn cho người sử dụng. 

Xuất phát từ thực tế đó mà nhóm học sinh này cùng giáo viên hướng dẫn bắt tay vào thực hiện sản phẩm với mục tiêu là giúp người khuyết tật khi di chuyển không phải sử dụng lực từ tay để nâng cơ thể, có thể đi lên xuống cầu thang, giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng...

Chiếc chân giả này giúp người bị chấn thương bàn chân đi lại một cách tốt nhất. Sau khi hoàn thành, sản phẩm gồm có 3 phần: thân, chân và dây đai. Những thanh inox uốn vuông góc để làm khung cho chân giả và tùy chỉnh kích cỡ theo đối tượng sử dụng. Phần đế được sử dụng bằng chất liệu cao su và có thể co duỗi, giúp người dùng di chuyển trên mọi địa hình một cách dễ dàng và an toàn nhất. Phần dây đai phải tạo được sự dễ chịu khi sử dụng đồng thời có tính an toàn cao.

* Trợ giúp chăm sóc sức khỏe người bệnh

Cùng với các giải pháp hỗ trợ người khuyết tật trong vận động, học sinh còn thực hiện các sáng kiến chăm sóc sức khỏe người bệnh, nhất là người không tự vận động được.

Trong số này có sáng kiến Giường bệnh hỗ trợ tập vật lý trị liệu của nhóm học sinh: Phạm Phương Vy (lớp 7/1), Phạm Gia Bảo, Nguyễn Quốc Bảo (lớp 6/1) và giáo viên hướng dẫn Vi Văn Thắng của Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ (xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu).

Trưởng nhóm Phạm Phương Vy cho hay, trong những lần đến thăm người bệnh tại bệnh viện, em thấy những bệnh nhân bị tai nạn rất khó khăn trong việc đi lại hoặc tập luyện để phục hồi chức năng của chân tay, cột sống. Thêm vào đó, việc chăm sóc cho người bệnh ở trên giường như: vệ sinh cá nhân, xoay trở người… cũng rất vất vả. Từ đó, Phương Vy nghĩ đến việc nếu có những thiết bị hỗ trợ sẽ giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn. Qua tìm hiểu trên internet, Phương Vy nhận thấy những sản phẩm giường bệnh thông minh của nước ngoài đang lưu hành trong nước có giá thành cao và thiếu chức năng luyện tập vật lý trị liệu, hỗ trợ bệnh nhân di chuyển.

Với mong muốn tạo ra một chiếc giường thông minh tích hợp nhiều tiện ích cho người bệnh, Phương Vy cùng các bạn dưới sự hướng dẫn của giáo viên bắt tay vào thực hiện sản phẩm với tiêu chí: giá thành rẻ, nguyên vật liệu chế tạo dễ tìm kiếm trên thị trường, tích hợp thêm nhiều tính năng. Sau khi hoàn thiện, thiết bị có cấu tạo gồm: hệ khung bằng nhôm định hình chịu lực, dễ dàng điều chỉnh kích thước của giường bệnh. Hệ thống điều khiển các chức năng tập vật lý trị liệu dành cho tay, hai chân, lưng, tập đứng kết hợp tập đi. Quá trình hoạt động này thông qua các bộ phận được lắp ráp vào giường bệnh: thiết bị lập trình, màn hình cảm ứng, bộ động cơ giảm tốc, bộ điều khiển xe lăn tích hợp sẵn các chức năng tiến, lùi, rẽ trái và rẽ phải…  Tùy vào tình trạng sức khỏe, thương tật mà người bệnh sẽ tự tập ở chế độ khác nhau.

Ngay sau khi sản phẩm đoạt giải nhì cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh năm 2020, sản phẩm Giường bệnh hỗ trợ tập vật lý trị liệu đã được sử dụng thử nghiệm và bàn giao cho một cơ sở y tế để phục vụ công tác điều trị.

Theo ông Trần Quang Toại, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, Phó ban tổ chức cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh, gậy thông minh kết hợp ghế ngồi, chân giả hỗ trợ người chấn thương bàn chân, giường bệnh hỗ trợ tập vật lý trị liệu… là những sản phẩm được các học sinh thực hiện với mong muốn hỗ trợ người kém may mắn trong cuộc sống. Mỗi sản phẩm, giải pháp đều thể hiện tính nhân văn, trách nhiệm cộng đồng của các em. Các sản phẩm tuy còn nhiều khiếm khuyết song đều là những giải pháp thiết thực. Do vậy, trong thời gian tới, rất mong sẽ có sự kết nối để những giải pháp này sớm có thể ứng dụng vào cuộc sống.

Nguồn: baodongnai.com.vn

Sưu tầm: Ngọc Song