Xây dựng môi trường không rào cản

Ngày đăng: 22/03/2021 - 804 lượt đọc

Trong tổng số 6,2 triệu người khuyết tật (NKT) của cả nước, có tới 65 - 70% đang sống dựa vào gia đình, người thân, trợ cấp xã hội hoặc các tổ chức từ thiện. Đã có nhiều chính sách liên quan đến việc hỗ trợ họ tiếp cận giáo dục, học nghề và tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, quá trình thực thi chính sách vẫn còn bất cập.

Chưa hết khó khăn

Theo Quyết định số 1019/QĐ-TTg (QĐ 1019), ra ngày 5-8-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) được giao phối hợp các bộ, ngành trung ương và địa phương triển khai thực hiện. Chỉ cách đây ít tháng, một cuộc tổng kết việc thực thi QĐ 1019 đã được tiến hành nhằm đưa ra bức tranh tổng thể về công tác này và kiến nghị giải pháp trong thời gian tới.

Theo đó, về trợ giúp tiếp cận giáo dục, giai đoạn 2012 - 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo - đơn vị tham gia đề án, đã tập trung tổ chức giáo dục hòa nhập, phát triển hệ thống trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập, xây dựng chương trình, tài liệu học tập, phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên giáo dục hòa nhập, thực hiện chính sách, chế độ ưu tiên đối với học sinh khuyết tật, chế độ đối với giáo viên tham gia giáo dục hòa nhập. Tuy nhiên, việc huy động trẻ khuyết tật đến trường gặp nhiều khó khăn, nhận thức của cộng đồng, trong đó có cả cha mẹ, cán bộ quản lý, giáo viên về vai trò và trách nhiệm xã hội trong việc giáo dục trẻ em khuyết tật còn hạn chế, một số cha mẹ học sinh chưa tin tưởng vào chất lượng giáo dục hòa nhập và tác dụng của giáo dục đối với sự phát triển của trẻ em khuyết tật. Hệ thống quản lý, chỉ đạo chưa đồng bộ, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu. 

Về công tác dạy nghề, tạo việc làm trong giai đoạn nói trên đã được các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội và chính quyền các địa phương trong cả nước quan tâm. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, hiệu quả hỗ trợ việc làm còn hạn chế, số mô hình sinh kế còn phân tán, quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu ở giai đoạn thí điểm. Công tác huy động NKT tham gia học nghề còn rất khó khăn do chưa đánh giá được nhu cầu học nghề của họ, nghề đào tạo chưa phù hợp với các dạng tật và nhu cầu thị trường lao động, tỷ lệ NKT sau đào tạo nghề có việc làm thấp; hạ tầng cơ sở dạy nghề, nơi ăn nghỉ, máy móc, thiết bị dạy nghề chưa bảo đảm điều kiện học tập; đội ngũ giáo viên dạy nghề và tư vấn việc làm còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. NKT có việc làm sau học nghề chỉ đạt mức dưới 50%, tỷ lệ NKT được vay vốn ưu đãi thấp (dưới 1% so với tổng số người được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội). 

Công tác hỗ trợ NKT tiếp cận và sử dụng công trình công cộng đã đạt được một số kết quả, song vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như, lãnh đạo các cấp tại một số địa phương chưa nhận thức trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện Luật NKT và các văn bản hướng dẫn nhằm trợ giúp họ. Chủ đầu tư với mục đích tối đa hóa lợi nhuận (mặt bằng, đất đai, chi phí) chỉ chú trọng tuân thủ Quy chuẩn về an toàn, nhưng hạn chế các hạng mục thuộc tiêu chuẩn về tiếp cận, hoặc có làm nhưng chủ yếu mang tính chất đối phó. Đó là chưa kể việc thẩm định, kiểm tra, nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng ở các địa phương cũng gặp khó khăn do những hạn chế về nhân lực, tài chính.

Phấn đấu trợ giúp tốt hơn

Hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước về NKT đã được triển khai sâu rộng. Song để đạt được hiệu quả tốt hơn, Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho rằng: Cần tập trung đánh giá nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật NKT và các luật liên quan; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nội dung Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 1-11-2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT và các quy định về NKT; phân công các bộ, ngành liên quan và địa phương xây dựng Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2021 - 2030 như sau: Xây dựng cơ chế, chính sách, tiêu chí, kế hoạch quốc gia; phân bổ nguồn lực và tổ chức giám sát, đánh giá quá trình thực hiện; cấp tỉnh, huyện chịu trách nhiệm lập kế hoạch hỗ trợ của địa phương; huy động nguồn lực và chủ động phân bổ cho cấp xã; hướng dẫn và giám sát thực hiện của cấp xã, điều tra, thống kê và báo cáo Trung ương tình hình, số lượng NKT của địa phương.

Cũng theo đại diện lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, trong giai đoạn tới sẽ thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT và Luật NKT nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của họ; tạo điều kiện để họ tham gia bình đẳng các hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường không rào cản, bảo đảm quyền lợi hợp pháp và hỗ trợ họ phát huy khả năng bản thân. Cụ thể, thời gian từ năm 2021 - 2025 xác định: Hằng năm, khoảng 80% số NKT tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 200 nghìn người có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm; 30% số NKT có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật; 80% có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật khi có nhu cầu. Riêng về thời gian, từ năm 2026 - 2030, hằng năm sẽ có khoảng 90% số NKT tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 300 nghìn người có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm; 50% số người có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông bảo đảm quy chuẩn.

Nguồn: nhandan.com.vn

Sưu tầm: Ngọc Song