Xem xét sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật

Ngày đăng: 26/08/2019 - 922 lượt đọc

Ngày 23/8, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế phối hợp với Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) phối hợp với tổ chức The International Center (IC) tổ chức Hội thảo "Chính sách bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật - Thực trạng và định hướng sửa đổi, bổ sung" nhằm cung cấp bằng chứng thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách đối với việc mở rộng chi trả của bảo hiểm y tế cho dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật.

Đồng chí Lương Ngọc Khuê: Hoạt động chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho người khuyết tật được Bộ Y tế quan tâm với nhiều cải thiện rõ rệt trên phạm vi toàn quốc.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; sở y tế một số tỉnh, thành phố; các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ điều trị, phục hồi chức năng cho người khuyết tật và một số tổ chức quốc tế.
 Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, hoạt động chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho người khuyết tật được Bộ Y tế quan tâm với nhiều cải thiện rõ rệt trên phạm vi toàn quốc.
Mạng lưới chăm sóc y tế về phục hồi chức năng đã được củng cố với một Bệnh viện phục hồi chức năng thuộc Bộ Y tế, một Trung tâm phục hồi chức năng trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai, 39/63 tỉnh có Bệnh viện phục hồi chức năng; 100% các bệnh viện đa khoa trung ương và 98% bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có khoa phục hồi chức năng. Các khoa, tổ phục hồi chức năng ở các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện ngày càng được củng cố.  Các bộ, ngành khác có 4 bệnh viện, 16 trung tâm phục hồi chức năng. Hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cũng được triển khai rộng rãi ở nhiều địa phương. Ngày càng có nhiều kỹ thuật phục hồi chức năng đ¬ược ứng dụng phục vụ người bệnh và người khuyết tật, góp phần làm giảm tỷ lệ khuyết tật, tăng khả năng hòa nhập và tái hòa nhập cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật.

Toàn cảnh Hội thảo.

 

Sự hỗ trợ về tài chính trong chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật thuộc diện chính sách được thực hiện thông qua chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí hoặc hỗ trợ một phần chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế. Hiện có trên 3 triệu người khuyết tật trong số 6,2 triệu người khuyết tật đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và không phải đồng chi trả khi sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh. Phạm vi chi trả bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ y tế, phục hồi chức năng liên tục được mở rộng (năm 2011: 33 bệnh và 47 kỹ thuật phục hồi chức năng; năm 2016: 252 kỹ thuật (tất cả các dịch vụ phục hồi chức năng Bộ Y tế ban hành đều đựơc chi trả bảo hiểm y tế).
Tuy nhiên, thực tế vẫn đang tồn tại một số rào cản trong cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cũng như trong trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ của người khuyết tật. Đó là vẫn còn trên 3 triệu người khuyết tật phải tự mua bảo hiểm y tế và phải đồng chi trả phí dịch vụ khám chữa bệnh. Đặc biệt các dịch vụ về dụng cụ trợ giúp trong vận động rất cần đối với người khuyết tật nhưng lại chưa được bảo hiểm y tế chi trả.

 Theo Báo cáo Điều tra Quốc gia người khuyết tật năm 2016, Việt Nam có 6,2 triệu người khuyết tật. Trong đó, tỷ lệ khuyết tật vận động 29, 41% (1.823.420 người), khuyết tật nghe, nói 9,32 % (577.840 người), khuyết tật nhìn 13,84 % (858.080 người), khuyết tật thần kinh, tâm thần 16,83% (1.043.460 người), khuyết tật trí tuệ 6,52% (404.024 người) và khuyết tật khác 24,08 % (1.492.960 người). Khoảng 82 % người khuyết tật sống ở nông thôn; 56 % người khuyết tật là nữ và trên 60 % người khuyết tật trong độ tuổi lao động.

Tham luận về thực trạng nhu cầu về dụng cụ hỗ trợ người khuyết tật, chính sách bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật tại Việt Nam hiện nay, đồng chí Lê Tuấn Đống, Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, người khuyết tật đang đối mặt với nhiều khó khăn về điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe. Số hộ gia đình có người khuyết tật chiếm 55% trong 2 nhóm thu nhập thấp nhất của cả nước. Theo chuẩn tiếp cận nghèo đa chiều năm 2016, hộ gia đình có người khuyết tật sẽ có nguy cơ nghèo cao gấp hơn 2 lần so với hộ gia đình không có người khuyết tật (19,4% so với 8,9%). Hầu hết người khuyết tật đã bị ốm, bệnh, chấn thương hoặc có sử dụng dịch vụ y tế trong vòng 12 tháng tính đến thời điểm điều tra (91,5%) và cao hơn gần 20% so với người không khuyết tật.
Đáng chú ý, khi không sử dụng dụng cụ trợ giúp, 15,14% người khuyết tật gặp khó khăn trong đi bộ. Nếu được sử dụng dụng cụ trợ giúp, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 1,94%. Do đó, nếu đáp ứng được việc cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật có thể tạo giúp họ tạo ra sự khác biệt lớn về khả năng tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, việc cung cấp dụng cụ trợ giúp do ngành Y tế và ngành Lao động, thương binh và xã hội đảm nhận hiện nay, cung cấp hầu hết cho các đối tượng là người có công với cách mạng, các đối tượng thuọc diện bảo trợ xã hội do ngành lao động thương binh và xã hội thực hiện và do ngân sách bảo đảm.
Chia sẻ về kinh nghiệm quốc về công nghệ trợ giúp, bà Elaine Lee, chuyên gia quốc tế, tổ chức IC khẳng định tầm quan trọng và lợi ích của công nghệ trợ giúp; lợi ích của dịch vụ phục hồi chức năng và công nghệ trợ giúp đến việc gia tăng tham gia trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của người khuyết tật. Người khuyết tật nhận dụng cụ trợ giúp có sự gia tăng tính độc lập hơn những người chỉ nhận các dịch vụ phục hồi chức năng.

Bà Elaine Lee phát biểu tại Hội thảo.

“Cần tiến hành can thiệp sớm sử dụng gói can thiệp bao gồm các dịch vụ phục hồi chức năng và công nghệ trợ giúp. Cần thu thập thêm dữ liệu và nghiên cứu về tác động của công nghệ trợ giúp tại Việt Nam” - Bà Elaine Lee bày tỏ.
Các ý kiến tại Hội thảo cũng thống nhất, kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật cho thấy, khi không sử dụng dụng cụ trợ giúp, có 15,14% người khuyết tật gặp khó khăn khi đi bộ. Khi sử dụng công cụ trợ giúp, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 1,94%. Do đó, nếu duy trì việc cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho họ về khả năng tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, tỷ lệ khuyết tật có xu hướng tăng dần theo tuổi. Vì vậy, trong tương lai, tỷ lệ khuyết tật có thể tiếp tục gia tăng do Việt Nam đang chuyển sang quá trình già hóa dân số. Vì vậy, việc chi trả từ nguồn bảo hiểm y tế cho các dụng cụ trợ giúp đối với người khuyết tật rất cần được quan tâm và xem xét. 

Nguồn: tuyengiao.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song