14 năm đi học trên vai cha vì chứng xương quằn

Ngày đăng: 30/09/2019 - 926 lượt đọc

Không thể tự đi, 14 năm ăn học là ngần ấy thời gian Pháp đến trường trên đôi vai của người cha. Hình ảnh ông Anh cõng con sớm tối đến trường là điều mà người dân quanh khu vực này đã quen thuộc.

Chàng sinh viên "tí hon" Ngọc Pháp đến trường trên vai cha - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Đó là câu chuyện của sinh viên năm 2 Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TP.HCM Trần Ngọc Pháp (19 tuổi, quê Bình Định). Nỗi đau là thứ song hành cùng Pháp trên mỗi bước đi. Thế nhưng, Pháp chọn nụ cười để đáp trả và vượt qua những nỗi đau ấy.

Những bước đi nghị lực
Căn nhà nhỏ nằm trên lầu 5 khu chung cư Đào Duy Từ (Q.10, TP.HCM) là nơi mà Pháp cùng gia đình trú ngụ.
Sắp bước qua tuổi 20 nhưng chàng sinh viên ấy chỉ nặng gần 20kg và cao chưa đầy 1m. Phần xương sống ngày một co quắp rồi lồi hẳn ra phía trước, khiến cậu không thể tự lực được, dù việc vệ sinh cá nhân. "Đứng hoặc ngồi thì sẽ đỡ đau hơn đi. Khi đi, xương quằn lại rồi đâm chọc tứ tung" - Pháp phân trần.
Chị của Pháp là Trần Ngọc Mỹ (28 tuổi) cũng mắc phải chứng bệnh khuyết tật nghiệt ngã như Pháp từ lúc mới lọt lòng.

 
Hai chị em Ngọc Mỹ và Ngọc Pháp mắc chứng bệnh khuyết tật bẩm sinh khiến xương sống co quắp lại - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Ông Anh chia sẻ, sinh thêm Pháp với hy vọng có thêm một điểm tựa cho hai vợ chồng khi về già. Thế nhưng giờ đây, khi đã ở cái tuổi lục tuần nhưng chính vợ chồng ông mới là điểm tựa cho con.

"Kể từ sau hai cuộc đại phẫu thuật lúc nhỏ thì đến nay cứ đưa nó đi đâu là bác sĩ ở đó đều lắc đầu cả. Không còn cách nào khác, tôi chỉ biết khóc thầm rồi đồng hành cùng con
Trần Ngọc Anh"

Cả gia đình đang sống dựa vào nguồn lương hưu ít ỏi hàng tháng trong ngành quân đội mà ông Anh từng gắn bó. Tiền thuốc hàng tháng của vợ là bà Lê Thị Kinh Thanh (49 tuổi, bị rối loạn tiền đình mãn tính), tiền học phí mỗi năm hơn 40 triệu đồng của Pháp, tiền… cứ thế đổ dồn lên vai ông Anh.

Hoài bão của chàng "tí hon"
3rên lưng cha, Pháp cho biết việc không thể tự đi trên chính đôi chân của mình luôn là thứ khiến cậu cảm thấy tủi thân. Thế nhưng cảm giác ấy lại là nguồn động lực giúp Pháp cố gắng nhiều hơn.


Ngoài xương sống co quắp, những khớp tay, khớp chân của Pháp cũng bị nhiều di chứng - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Bảng thành tích với hàng chục tấm bằng khen của Pháp nhiều lên qua mỗi năm học. Vượt lên rào cản của bản thân và khó khăn mà cuộc sống thử thách cậu, Pháp luôn là học sinh khá giỏi.
Nhiều khi ốm đau, suy nghĩ liệu có nên tiếp tục theo học hay không cũng từng làm chùn chân chàng trai đầy nghị lực này. Thế nhưng, mong muốn trở thành một nhà lập trình viên để có thể ngồi một chỗ nhưng vẫn làm việc tốt đã tiếp thêm cho Pháp một nguồn động lực mới.

"Với thân hình và thể trạng sức khỏe này thì được làm một lập trình viên đúng là một công việc đáng mơ ước. Ra trường, kiếm được một công việc thuận tiện để có thể đền đáp lại công lao cha mẹ hoặc chí ít là không để bản thân cảm thấy vô dụng là mong ước của tôi

Trần Ngọc Pháp"

Không bao giờ bỏ cuộc
"Never Give Up" (Không bao giờ bỏ cuộc) là dòng chữ có trong một tấm bằng chứng nhận của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (viết tắt DRD, trụ sở quận 2, TP.HCM) trao cho Pháp vào năm 2014. Pháp chia sẻ tác phẩm "Never Give Up" là tên một phóng sự truyền hình do cậu cùng chị gái quay lại để dự thi cuộc thi Phá bỏ rào cản do trung tâm này tổ chức. "Không bao giờ bỏ cuộc là cách tôi tự dặn mình mỗi khi đối diện với khó khăn hay đau đớn" - Pháp chia sẻ.
Chị Lê Hồng Phương Hạ - trưởng nhóm hoạt động tại DRD, nơi Pháp thưởng xuyên sinh hoạt, cho biết: "Dù thể trạng sức khỏe của Pháp có nhiều hạn chế, cậu ấy luôn mang đến cho mọi người nguồn năng lượng tích cực, thông qua việc nhiệt tình đóng góp các ý kiến để phát nhóm, hay thôi thúc mọi người nỗ lực vượt lên khó khăn như chính những gì cậu ấy đã làm".

Trao 65 suất học bổng "Chắp cánh ước mơ" 2019
Nhằm hỗ trợ kịp thời các học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và sinh viên vùng Đông Nam Bộ có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến lớp, báo Tuổi Trẻ, Tỉnh đoàn Đồng Nai và Tổng công ty Tín Nghĩa cùng phối hợp tổ chức trao 65 suất học bổng Chắp cánh ước mơ 2019.
Tổng công ty Tín Nghĩa sẽ tài trợ 500 triệu đồng trao 65 suất học bổng cho học sinh - sinh viên thuộc địa bàn 7 tỉnh thành Đông Nam Bộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Trong đó, TP.HCM, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận có 30 học bổng dành cho sinh viên năm 1, năm 2 (mỗi tỉnh thành 5 học bổng).
Riêng tỉnh Đồng Nai có 30 học bổng cho học sinh và 5 học bổng cho sinh viên. Mỗi học bổng cho học sinh là 5 triệu đồng, sinh viên là 10 triệu đồng. Lễ trao học bổng Chắp cánh ước mơ 2019 sẽ tổ chức tại Trường Đại học Đồng Nai vào ngày 25-9-2019.

Chàng sinh viên "tí hon" Ngọc Pháp - Ảnh: CÔNG TRIỆU


Chị gái Ngọc Mỹ dạy Pháp học tại nhà - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Nguồn: tuoitre.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song