Bản lĩnh khởi nghiệp của những “vầng trăng khuyết”

Ngày đăng: 24/12/2021 - 804 lượt đọc

Tuy cơ thể không được lành lặn như những người bình thường khác, nhưng nhiều người khuyết tật với bản lĩnh kiên cường, dám nghĩ, dám làm đã vượt khó vươn lên. Họ không chỉ làm chủ cuộc sống của mình mà còn giúp những người có hoàn cảnh khó khăn có nguồn thu nhập, cải thiện đời sống.

Lãnh đạo Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh, huyện thăm mô hình VAC của gia đình anh Phạm Hồng Hiền (anh Hiền – người đứng bên phải).

Sinh ra và lớn lên ở thôn Quý Tiến, xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, năm 1996, sau khi đi nghĩa vụ quân sự trở về địa phương anh Phạm Hồng Hiền cưới vợ, rồi 2 đứa con lần lượt ra đời. Thực hiện đổi điền dồn thửa, trên địa bàn xã còn một số diện tích đất sình lầy, kém hiệu quả, chỉ cấy được 1 vụ lúa/năm nên dù xã có cơ chế khuyến khích cũng không ai dám nhận. Với bản lĩnh của người lính, lại là đảng viên, anh gương mẫu xung phong nhận thầu gần 3 ha để canh tác. Buổi đầu ai cũng ái ngại, có người thốt lên rằng “vợ chồng mày ra đấy uống nước, ăn bùn mà sống à...”. Để hình thành sơ bộ khu vườn cho đúng nghĩa, 2 vợ chồng chạy vạy khắp nơi vay tiền, thuê nhân công đào ao, đổ đất san mặt bằng để trồng ngô, khoai, đậu, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, thả cá. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp, chưa có kinh nghiệm, chưa được tiếp cận khoa học – kỹ thuật nên cây trồng thì còi cọc, con nuôi bị dịch bệnh chết cả đàn. Đúng lúc khó khăn, anh lại bị tai nạn khi tham gia giao thông, trở thành người khuyết tật với tỷ lệ tổn thương 61%. Trong thời gian chữa trị anh luôn nung nấu suy nghĩ phải làm gì đó để thay đổi. Vì vậy, khi tập tễnh đi lại được, ý chí quyết tâm, nghị lực vượt khó càng thôi thúc anh không gục ngã, đầu hàng số phận. Bên cạnh đó là người vợ tảo tần luôn khích lệ; chính quyền địa phương, các đoàn thể xã hội tạo điều kiện đã tạo động lực để anh quyết tâm hơn.

Năm 2014, anh Hiền cải tạo lại khu vườn, chuyển 500m2 đất sang trồng hoa huệ, hoa cúc. Thấy trồng hoa mang lại hiệu quả kinh tế hơn rau màu, năm 2019 anh nhân rộng thêm 2 ha trồng hoa kết hợp trồng cây ăn quả như bưởi da xanh, bưởi Diễn, ổi. Dưới mặt nước thì nuôi baba, ốc nhồi, cá. Hiện trang trại VAC của gia đình anh tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động, trong đó có 2 lao động là hộ có hoàn cảnh khó khăn. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Hiền thu về khoảng 400 triệu đồng. Kinh tế phát triển, gia đình có điều kiện lo cho các con ăn học, xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm tiện nghi đầy đủ. Không chỉ chăm lo, vun vén cho gia đình, anh còn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ bà con trong xã và các xã lân cận từ việc ghép cây, cung cấp cây, con giống đến việc phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm, khoa học – kỹ thuật và tạo vốn cho bà con. Hiện anh là Phó Chủ nhiệm CLB làm kinh tế giỏi huyện Hà Trung, Chủ tịch Hội làm vườn xã Hà Sơn, Phó Chủ nhiệm CLB khuyết tật khởi nghiệp và phát triển huyện Hà Trung.

Là người khuyết tật, chị Lê Thị Thuận ở thôn Viên Khê 1, xã Đông Khê (Đông Sơn) hiểu sâu sắc những thiệt thòi, khó khăn mà người khuyết tật gặp phải trong sinh hoạt cũng như đời sống hàng ngày. Vì vậy, chị đã tạo việc làm cho người khuyết tật, người hoàn cảnh khó khăn bằng nghề đan lát thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, giúp họ vượt qua mặc cảm, để họ thấy mình vẫn là người có ích cho gia đình, xã hội và có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Hiện doanh nghiệp chị Thuận đang quản lý có tới 200 lao động, trong đó có nhiều người khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn; thu nhập từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. Bản thân chị tuy tuổi đã cao nhưng vẫn không ngừng học hỏi, nâng cao nhận thức để khẳng định mình trong xã hội; luôn truyền cảm hứng, đam mê đến những người có cùng cảnh ngộ, tạo động lực để họ tự tin vươn lên.

Với chị Phạm Thị Ngoan ở bản Pọng Ka Ma, xã Phú Nghiêm (Quan Hóa), bị cụt một bàn chân, phải lắp chân gỗ nên việc đi lại rất khó khăn. Không bi quan, đầu hàng số phận, lại được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các đoàn thể và ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện cho vay vốn làm ăn, chị đã nỗ lực vượt lên nghịch cảnh cùng chồng, con phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Từ hộ có hoàn cảnh khó khăn, đến nay gia đình chị đã có cuộc sống tạm ổn định, sửa chữa được nhà cửa. Trong chuồng lúc nào cũng có 2 con bò, 4 con lợn, hàng chục con gà. Lúa thu hoạch khoảng 2 tấn/năm. Ngoài ra còn có 2 ha luồng cho thu hoạch quanh năm. Chị Ngoan cho biết: Với tổng thu nhập bình quân ước tính khoảng 160 triệu đồng/năm thì cuộc sống của gia đình đã được cải thiện hơn rất nhiều. Các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau tiếp tục phấn đấu để phát triển kinh tế, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi đạt năng suất cao.

Ông Lương Văn Tạo, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghiêm, cho biết: Gia đình bác Ngoan luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đề ra cũng như quy ước, hương ước của bản và rất tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do địa phương phát động. Đặc biệt, trong phong trào xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, gia đình bác đã hiến đất, hiến cây, góp công sức cùng bản xây dựng đường liên gia, làm cho ngõ xóm “xanh – sạch – đẹp”.

Nguồn: baothanhhoa.vn

Sưu tầm: Ngọc Song


Bình luận

Viết bình luận