Cô gái khiếm khuyết trở thành đại sứ thương hiệu

Ngày đăng: 08/09/2021 - 786 lượt đọc

Trước đây Thùy sống khép kín, đi đâu cũng sợ người ta nhìn, thường mặc áo dài giấu cánh tay vào vạt áo. Nay Thùy tự tin hơn, 21 tuổi cô gái xứ Nghệ trở thành nữ đại sứ thương hiệu cánh tay robot cho người khuyết tật.

Phạm Thị Thùy trở thành nữ đại sứ thương hiệu cánh tay robot cho người khuyết tật - Ảnh: Trà Trần

Trong buổi chuyện trò, Phạm Thị Thùy (hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội) nở nụ cười khoe cánh tay trái bị khuyết mất bàn tay.

Biến điểm yếu thành thế mạnh

Thùy nghe mẹ kể những tháng đầu mang thai bị một trận ốm, mẹ uống thuốc mà không xem kỹ hướng dẫn sử dụng. Mẹ đi siêu âm thai không phát hiện bất thường, đến lúc sinh con ra mới biết đứa trẻ bị khuyết một bàn tay. 

Những năm tháng tuổi thơ, Thùy lớn lên với bàn tay trái bị khuyết, phần mỏm dưới cổ tay teo lại, đến chỗ đông người cô đều giấu nhẹm nó đi.

"Cả nhà không ai bị khuyết tật nên mẹ buồn, sốc lắm. Còn tôi chịu mặc cảm từ nhỏ, đi học thường bị bạn bè trêu chọc, nhất là những năm học tiểu học. Đến năm cấp II, cấp III, thầy cô và bạn bè đều thương mến và giúp đỡ nhưng vẫn không thể xua đi mặc cảm" - cô nhớ lại.

Nỗi buồn đeo đẳng suốt những năm tháng về sau, đi đâu cô cũng mặc áo dài che cánh tay, không thể tự tin đứng trên sân khấu biểu diễn, thậm chí không dám đứng nơi chỗ đông người. 

Tốt nghiệp THPT, Thùy xách balô vào Huế học tập với ước mơ gầy dựng một cuộc sống tự lập. Nhưng nỗi mặc cảm vẫn không nguôi, cô sống thu mình trong vỏ ốc!

Vài tháng sau cô dừng việc học, xách balô ngược trở ra Hà Nội tìm cơ hội mở mang tầm mắt. Năm đó, Thùy mới bước qua tuổi 18. Một mình nơi thủ đô với số tiền làm thêm kiếm được, cô đăng ký một khóa học tiếng Trung, đồng thời tìm kiếm thông tin việc làm trên mạng.

"Mới đầu nghĩ chắc chỉ có một tay thì họ không nhận mình đâu, nhưng thôi cứ nộp danh sách. May mắn sao trúng tuyển vào làm việc cho Trung tâm Nghị lực sống và gắn bó đến tận bây giờ", Thùy bộc bạch.

Ở trung tâm, được sống và làm việc với các anh chị khuyết tật, làm quen và tiếp xúc với nhiều người khiến cô nhận ra chẳng ai thấy ngại vì mình là người khuyết tật. Thay vào đó, họ nhìn ra điểm yếu chính là điểm mạnh và luôn tự tin, cố gắng hoàn thiện mình.

Cô bày tỏ: "Trước đây tôi nghĩ nó (cánh tay) xấu lắm, là điều khiến mình mặc cảm với xung quanh. Nay lại thấy tay mình chẳng có vấn đề gì hết, chụp ảnh còn lạ, đẹp nữa chứ".

Nguồn: tuoitre.vn

Sưu tầm: Ngọc Song


 

 


Bình luận

Viết bình luận