Ông chủ 9X mở xưởng may người khuyết tật

Ngày đăng: 29/06/2021 - 1040 lượt đọc

"Không có mắt nhìn à? Người như này sao nhận vào làm?", Phan Minh Quý nhớ như in câu nói của vị quản đốc khi nhìn thấy đôi chân tập tễnh của anh.

Anh Phan Minh Quý là người khuyết tật vận động, mở trung tâm dạy nghề may cho người khuyết tật và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Ảnh: Hà Thanh

10 năm trời chỉ biết di chuyển bằng cách bò, lết, sau phẫu thuật đôi chân đã có thể bước đi dù vẫn còn tập tễnh, chàng trai trẻ quyết chí mở xưởng may hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật.

Bố mẹ già đi, ai nuôi mình?

"Tôi nhìn lại hành trình của bản thân đi xin việc rất khó, không có chỗ nào muốn nhận đâu. Tôi quyết tâm mở một trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật, người không khuyết tật để tạo môi trường, tạo việc làm ổn định cho họ. 

Có chứng chỉ nghề, họ có thể đi xin việc dễ dàng hơn" - Phan Minh Quý, 31 tuổi, phó giám đốc Trung tâm Dạy nghề, phát triển việc làm và hỗ trợ người khuyết tật Ninh Bình, nhớ lại.

Năm 2020, Quý mở xưởng may trên phần đất của gia đình, hỗ trợ công ăn việc làm cho 12 lao động khuyết tật và không khuyết tật.

Sau một trận sốt, đôi chân teo dần, Quý trở thành người khuyết tật. Thương con, bố mẹ bồng bế con trai đi chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình của anh không thuyên giảm. 

Chỉ di chuyển bằng cách bò, lết, năm 9 tuổi Quý mới được đi học lớp 1 và đến trường bằng đôi chân của bố mẹ. May mắn được một bác sĩ giỏi nhận phẫu thuật, mổ xong mất 1 năm trời tập vật lý trị liệu, đến năm 10 tuổi Quý bước đi những bước tập tễnh đầu tiên.

"Lúc mới bước đi, ở trường bạn bè không may chạm nhẹ một cái cũng ngã rồi. Chân mình bị co lại, muốn duỗi chân ra phải đặt một bao cát ở chân. Tập nâng tạ cho các khớp, cơ ổn định lại, đến bây giờ tôi vẫn duy trì tập đều đặn như vậy", anh bộc bạch.

Sức khỏe yếu, học hết lớp 9 Quý xin nghỉ học và tự bươn chải kiếm việc làm. Với 500.000 đồng trong túi, chàng trai 19 tuổi ngày ấy đón chuyến xe từ Ninh Bình sang tỉnh Nam Định, lân la đến các khu công nghiệp để xin việc. Tuy nhiên, chỉ nhận lại được những cái lắc đầu. Cuối cùng, một xưởng gỗ mỹ nghệ nhận anh vào làm phun sơn.

Làm ở xưởng gỗ mỹ nghệ được một thời gian, vừa gầy vừa đen mà thu nhập lại bấp bênh, nhận thấy nếu không có nghề trong tay sẽ khó ổn định cuộc sống, Quý khăn gói về lại quê nhà Ninh Bình, đến một xưởng dạy nghề may của người khuyết tật xin học nghề may.

Khó nhất là chiếc máy may ngày trước phải đạp bằng chân nên cần đến nhiều lực, suốt 6 tháng trời theo học may, đôi chân của chàng trai trẻ phải học cách đạp máy may cho quen máy. Quý vẫn nhớ chiếc áo sơmi đầu tiên do chính tay anh may, đến bây giờ vẫn được anh cất giữ cẩn thận.

"Bố mẹ vẫn nói là hay ở nhà thôi, mình ra ngoài không làm được gì đâu. Nhưng mình nghĩ lúc bố mẹ còn khỏe còn nuôi được mình, nhưng một mai bố mẹ già đi, ai sẽ nuôi mình? Ngày ấy, đó là bài toán mình không dám trả lời. Chưa biết làm như thế nào để kiếm tiền nhưng cố gắng "bung" ra, cứ đi thôi", Quý nhớ lại.

Sống cuộc sống mình mong muốn

Có nghề trong tay, Quý mạnh dạn cầm hồ sơ đi xin việc tại các công ty. Thế nhưng đến hàng chục công ty, anh chỉ nhận lại được cái lắc đầu chỉ vì anh là người khuyết tật, không đảm bảo sức khỏe.

May mắn một chị quản đốc biết đến hoàn cảnh của anh gọi đến thử tay nghề, nhìn thấy chàng trai khuyết tật thuần thục đưa từng đường kim mũi chỉ vào máy may, vị giám đốc người Hàn Quốc ở công ty gật đầu đồng ý nhận anh vào làm. 

Làm ở công ty được 2 năm "rèn chắc tay nghề", Quý tiếp tục thử sức ở nhiều môi trường khác nhau, nhiều công ty lớn hơn để tích lũy kinh nghiệm. Đến nay sau chục năm bươn chải, anh tự tin khẳng định với nghề may thì nay việc gì anh cũng làm được hết.

Suốt hành trình dài đi xin việc, Quý bộc bạch rất thấu hiểu những khó khăn của người khuyết tật gặp phải. Có những câu nói như cứa vào vết thương lòng: "Người này làm sao được", hay "Nhìn như này mà nhận vào làm?", anh quyết tâm phải làm gì đó để hỗ trợ những người đồng cảnh ngộ. 

Cơ duyên gặp được một người anh ngỏ ý sẽ giúp mở xưởng may dạy nghề cho người khuyết tật, năm 2020 dù trong thời điểm dịch COVID-19 khó khăn nhưng Quý gom góp được số tiền 800 triệu đồng từ tiền tiết kiệm và số vốn tích lũy của gia đình quyết tâm mở xưởng may.

Anh nhớ tháng 5 trời nắng nóng như lửa đốt nhưng hai bố con vẫn ráng sức phụ thợ xây để nhanh chóng hoàn thành tiến độ. Tháng 10-2020, xưởng may dạy nghề cho người khuyết tật chính thức được khánh thành, hỗ trợ việc làm cho hàng chục lao động với mức lương tối thiểu 4,5 triệu đồng/tháng, có lao động nhận được mức thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/tháng.

Trong xưởng may của anh Quý, em Mai (20 tuổi) là người trong làng có gương mặt xinh xắn, mặc cho mọi người trò chuyện rôm rả thì Mai cẩn thận, tỉ mỉ đưa từng thớ vải vào mũi kim khâu. Mai bị câm điếc bẩm sinh, không thể nghe nói được, cũng không biết chữ, chưa bao giờ em đi xa hơn khỏi làng mình. 

"Ca này khó nhất", anh Quý chia sẻ về trường hợp của Mai. Ngày trước mẹ đưa Mai đến nhờ anh dạy nghề với ước mong con gái sẽ hòa nhập được với mọi người, có tay nghề để tự tin vươn lên trong cuộc sống. Chỉ sau mấy tháng theo học, em đã tự tin ngồi trước máy may hoàn thành sản phẩm theo đơn đặt hàng.

"Đến bây giờ vẫn chưa phải là thành công, chỉ là ổn hơn chút thôi", ông chủ trẻ khiêm tốn nói dù xưởng liên tục nhận được đơn hàng, đặc biệt nguồn đơn dồi dào từ nay đến cuối năm. Mong muốn của anh Quý là xưởng sẽ thu hút được nhiều người khuyết tật hơn nữa để đào tạo, dạy nghề cho họ, rèn tay nghề để người khuyết tật tự tin với tay nghề, hòa nhập được với xã hội.

Năm 2020, Phan Minh Quý là một trong 64 gương người khuyết tật giàu nghị lực được tôn vinh trong chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức.

"Mình nghĩ tất cả những gì mình làm vẫn chưa đủ, làm sao phải tuyển thêm được nhiều khuyết tật, đào tạo dạy nghề cho họ, giúp họ tự lo được cho bản thân, sống được cuộc sống như họ mong muốn" - Phan Minh Quý nói.

Nguồn: tuoitre.vn

Sưu tầm: Ngọc Song