Cô gái sáng tạo ra dòng tranh dây đồng, chỉ truyền nghề cho người khuyết tật

Ngày đăng: 19/05/2020 - 1152 lượt đọc

Nguyễn Nhật Minh Phương (33 tuổi) được tổ chức Guinness Việt Nam xác lập kỷ lục người làm tranh dây đồng đầu tiên của Việt Nam. Từ niềm đam mê với dây đồng, cô đã sáng tạo ra một dòng tranh mới và chỉ truyền nghề cho người khuyết tật.

Với bàn tay khéo léo và tình yêu dành cho những cuộn dây đồng vô tri vô giác, Minh Phương đã biến chúng thành những sản phẩm nghệ thuật độc đáo - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sau hơn 10 năm theo đuổi đam mê với những sợi dây đồng, hiện tại cô đang sở hữu một cơ ngơi nho nhỏ tại quận Gò Vấp (TP.HCM) với những sản phẩm ấn tượng được thị trường trong nước ưa chuộng, sau đó được xuất đi New Zealand và Mỹ. Cùng với đó là lớp học truyền nghề cho hơn 10 học viên khuyết tật.

Xuất thân là một giáo viên mầm non, không có nhiều kiến thức về mỹ thuật, cô tự nhận: "Tôi chẳng biết gì về các quy tắc trong hội họa, tôi làm tranh từ trái tim và những gì tôi tự tìm hiểu được, không qua trường lớp nào.

Chuyện bắt đầu từ năm tôi 19 tuổi, khi tình cờ cầm trên tay một cuộn dây đồng và sau một hồi nghịch chơi cho vui, không ngờ cuộn dây đồng lại biến thành một món đồ trang sức lạ mắt. Tôi thấy những sợi đồng như có ma lực khủng khiếp, nó kích thích tôi sáng tạo không ngừng. Năm 2016 tôi phải nghỉ dạy do viêm họng cấp tính, khi đó mới có thời gian toàn tâm toàn ý cống hiến cho loại hình nghệ thuật mới mẻ này".

                                                                                                                                      Nguyễn Nhật Minh Phương

Là một người đam mê thiện nguyện, những chuyến đi thăm và tặng quà đến nhiều vùng miền, hình ảnh của các bạn trẻ khuyết tật cứ ám ảnh cô mãi. Cô nảy sinh ý tưởng sẽ để nghề này lại cho những người khuyết tật. Đây sẽ là dòng tranh của các bạn khuyết tật, do chính các bạn ấy làm nên.

Cô bắt đầu tập tành học về kinh doanh, sau đó thành lập công ty mặc sự phản đối của bạn bè và gia đình vì họ cho rằng Phương quá mạo hiểm, dòng tranh này cũng chưa được biết đến nhiều nên rủi ro khá cao. Rất may mắn cô gái trẻ ấy đã tìm được chỗ đứng riêng cho mình.

Đã có nhiều doanh nhân ngỏ ý mua lại thương hiệu hoặc đầu tư cho cô mở cơ sở lớn hơn để cùng hợp tác, nhưng Phương đều từ chối. Cô muốn làm việc độc lập cùng với các "cộng sự" đặc biệt của mình.

Cô giáo Phương tận tình hướng dẫn cho các học viên - Ảnh: DUYÊN PHAN

Dương Thị Mỹ Huyền (quê Quảng Ngãi) - cô gái bị chứng teo cơ bẩm sinh cho biết tìm được công việc đúng với chuyên môn là quá khó, cho đến khi Huyền thấy được thông tin tuyển dụng từ công ty của chị Phương - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nguồn: tuoitre.vn

Sưu tầm: Ngọc Song